Nhịp sống sôi động ở Khe Mong

11:44, 04/12/2021

Đầu Đông, trời trong, mây trắng, nắng vàng càng khiến cho bản Khe Mong, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) thêm thơ mộng. Đã đi nhiều nơi nhưng tôi hiếm thấy bản vùng cao nào có nhịp sống sôi động như Khe Mong. Đó là tiếng máy cưa chạy ào ào trên rừng keo đang kỳ thu hoạch. Đây đó, những chiếc xe ô tô hối hả chở gỗ về xưởng. Dưới ruộng, các bà các chị vừa râm ran cười nói vừa nhanh tay bẻ những “quả” bắp no hạt. Ở phía xa, từng vòi nước xoay tròn đưa dòng nước mát lành tưới những nương chè xanh mướt mát… 

“Bức tranh” đa màu sắc

Đó là điều chúng tôi cảm nhận được khi đến với bản vùng cao Khe Mong - nơi có 108 hộ dân chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao sinh sống, vừa mới được sáp nhập từ bản Khe Cạn và Khe Mong vào đầu năm 2020. Anh Hoàng Văn Sỉnh, Bí thư Chi bộ Khe Mong nói: Trước đây, Khe Mong nằm phía bên ngoài đường lớn; Khe Cạn nằm sâu trong lũng núi. Cuối năm 2014, đầu 2015, con đường vào Khe Mong được mở rộng; đường vào Khe Cạn được cứng hóa, cuộc sống của người dân nơi đây có sự bứt phá…

Qua chia sẻ của anh Sỉnh, Khe Mong, Khe Cạn của 20 năm trước lại hiện về trong ký ức của chúng tôi. Hồi ấy, đường vào hai bản là đường đất nhỏ hẹp. Mưa phùn gió bấc, đường vào bản nhão như cháo. Đặc biệt, 1,3km đường vào Khe Cạn có độ dốc khá “chóng mặt”. Sau những trận mưa lớn, con đường thường bị nước xói mòn tạo thành rãnh sâu khiến cho việc đi lại vô cùng khó khăn. Có những lúc, Trưởng bản Khe Cạn lúc bấy giờ (ông Hoàng Văn Mùi) phải huy động các hộ dân đóng góp ngày công để sửa đường. Tuy nhiên, chỉ sau vài trận mưa, con đường lại trở về nguyên trạng. Đây cũng chính là lý do khiến cho đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn khi nông sản không tiêu thụ được; việc đi học của con trẻ cũng vì thế gặp không ít trở lại.

Từ khi con đường chính của bản được cứng hóa, mở rộng thông thương với xã Phú Đô; tuyến đường vào Khe Cạn và các tuyến đường nhánh vào nhà các hộ dân được đổ bê tông, đời sống của người dân nơi đây đã có những đổi thay tích cực. Ngày nay, không khó để bắt gặp những chiếc xe ô tô chở đầy gỗ, đầy ngô đi từ Khe Mong tỏa ra khắp nơi.

Khoảng 5 năm trở lại đây, thay vì chỉ cấy lúa lai (cả bản có 15ha lúa), nhiều hộ dân đã mạnh dạn trồng ngô lai trong vụ Đông; trồng chè giống mới (bản hiện có khoảng 30ha chè) nên nhiều hộ có thu nhập lên tới trên 100 trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình các ông: Hoàng Văn Tú, Dương Văn Long, Triệu Văn Mão....

Một số hộ còn mạnh dạn nuôi trâu, bò vỗ béo. Với giá bán lên tới 80 đến 100 triệu đồng/con, gia sản của một số hộ nuôi gia súc lên tới gần 1 tỷ đồng. Số tiền lãi thu về sau một năm vỗ béo đàn gia súc cũng đến khoảng 200 triệu đồng.

Hộ nuôi trâu, bò vỗ béo có thâm niên gần chục năm ở Khe Mong phải kể đến là ông Hoàng Văn Bình, mỗi năm nuôi từ 6 đến 8 con trâu, bò. Ông cho rằng: Nuôi con đại gia súc này không khó, chỉ cần phòng bệnh cho chúng bằng cách tiêm các loại vắc-xin; ủ ấm những ngày đông; cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như tinh bột, chất xơ… là chúng sẽ lớn nhanh.

Đáng mừng nhất là tư duy trong phát triển kinh tế của nhiều hộ dân đã thay đổi khi không ít hộ đã chuyển những nương trồng ngô sang trồng rừng. Đưa tay chỉ lên ngọn núi trước mặt, anh Sỉnh tự hào lắm. Anh bảo: Giờ, toàn bộ vạt rừng phía dưới đã được phủ kín cây keo lai. Vào thời điểm được giá, 1ha keo lai 5, 6 năm tuổi có thể bán được với giá 90 triệu đồng.

Ở Khe Mong, hộ ít cũng có 2ha rừng, hộ nhiều có đến 20ha rừng. Hiện, cả bản có khoảng 200ha rừng sản xuất.

Không phải dày công chăm sóc, chỉ từ 5 đến 6 năm là được thu hoạch, những rừng keo xanh ngút tầm mắt ấy đã giúp nhiều hộ dân Khe Mong có thu nhập lên đến nửa tỷ mỗi kỳ thu hoạch. Trồng “gối vụ” nên những hộ dân có từ 10 đến 20ha rừng còn được thu hoạch định khoảng 2 năm/lần. Một trong những hộ dân có thu nhập khủng từ trồng rừng phải kể đến là Trưởng bản Lăng Văn Mao, người dân tộc Nùng. Ông bảo: Gia đình tôi có gần 20ha rừng. Nhờ rừng, tôi đã có nguồn thu nhập kha khá để xây nhà và lo cho các con ăn học.

Trong câu chuyện với Bí thư Chi bộ Khe Mong Hoàng Văn Sỉnh, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất về bản vùng cao này là số hộ khá, giàu chiếm non nửa trong bản; số hộ nghèo chỉ còn 11%. Có thể thấy, dù ở xa trung tâm thành phố nhưng khác với một số bản, làng vùng cao khác, chỉ sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp như cấy lúa, trồng ngô là chính thì ở Khe Mong, người dân đã biết khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vươn lên dựng xây cuộc sống no ấm hơn.

Sự học “lên ngôi”

Ở Khe Mong, chuyện học hành của con trẻ đã được các bậc mẹ cha đặc biệt quan tâm. Hằng ngày, lũ trẻ Khe Mong đến trường bằng những chiếc xe đạp chắc chắn. Với những trẻ đang theo học bậc tiểu học, hầu hết các em được bố, mẹ đưa đến trường học bán trú. Tất cả các em trong độ tuổi đều được đến trường.

Không ít hộ người dân tộc Mông, Dao đã tạo điều kiện cho các con được học lên cao. Đơn cử như gia đình ông Hoàng Văn Mùi, ông luôn tâm niệm chỉ có tri thức mới giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Bởi lẽ ấy, ông đã động viên 8 người con đến trường. Kể cả khi hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn (vào thời điểm năm 2011, 2012) vì cùng một lúc nuôi 2 con theo học tại các trường đại học, cao đẳng nhưng ông vẫn cố gắng “giật gấu, vá vai”, thậm chí là vay tiền ngân hàng để cho các con yên tâm học hành. Nỗ lực của ông Mùi đã được đền đáp xứng đáng khi đến nay, các con ông đều trưởng thành. Trong đó có 2 người con là Trưởng bản, Bí thư Chi bộ; 1 người con đã tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội; 2 người có trình độ cao đẳng, trong đó có một người đang làm giáo viên ngay tại trường học ở quê nhà.

Ông Mùi phấn khởi nói: Sự trưởng thành của lũ trẻ là niềm hạnh phục của vợ chồng mình lúc tuổi nhà. Vui nhất là khi một cháu nội của mình đã sắp tốt nghiệp Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên và trở thành bác sĩ; một cháu  ngoại đang làm Phó Ban Chỉ huy Quân sự xã Tràng Xá (Võ Nhai); nhiều cháu đang nối gót các anh, chị học lên bậc THPT và chuẩn bị học lên đại học...

Nếu như mươi, mười lăm năm trước, số người tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học và trung học chuyên nghiệp ở Khe Mong chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay, hầu hết lớp trẻ đều học hết bậc THPT. Nhiều người sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã lựa chọn học nghề để đi làm ở các nhà máy, xí nghiệp trong, ngoài tỉnh với mức thu nhập ổn định. Tuy nhiên, không ít người đã lựa chọn học lên cao hơn để trở thành cán bộ phục vụ quê hương. Đến nay, ở Khe Mong có khoảng 20 người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.

Anh Sỉnh cho rằng tri thức chính là “con đường” ngắn nhất đưa người dân Khe Mong đến với ấm no, hạnh phúc. Nhờ có tri thức, người dân đã nhanh nhạy đưa các tiến bộ khoa học ứng dụng vào chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất lúa, ngô, chè, mang lại năng suất cao, chất lượng tốt, tạo được nguồn thu nhập ổn định. Và chính tri thức cũng giúp người dân mạnh dạn thay đổi tư duy làm ăn, đẩy mạnh đầu tư trồng rừng sản xuất, từ đó tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.