Ngày 27/1/1973 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Nhâm Tý), Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết, cũng là lúc Tết cổ truyền của dân tộc chỉ còn một tuần lễ.
Đường phố TP. Thái Nguyên những năm 2000. Ảnh: Khắc Thiện |
Sau nhiều năm chiến tranh và chịu đựng 12 ngày đêm bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá khốc liệt, người dân thành phố Thái Nguyên vỡ òa niềm vui vô bờ bến. Hệ thống loa công cộng mở hết công suất, truyền dẫn liên tục chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về ký kết hiệp định Paris và bài hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi”.
Tết Quý Sửu 1973 thực sự là cái Tết của hòa bình, của hồi sinh và hy vọng, một cái Tết kỳ diệu, ấn tượng và ý nghĩa. Miền Nam còn bị chia cắt, nhiều người con của quê hương lên đường ra trận chưa trở về, nhưng niềm vui chiến thắng tràn ngập khắp mọi nhà.
Mới cách đó chưa lâu, đạn bom kẻ thù gây tang tóc, không khí đón Xuân trên thành phố vẫn ngập tràn. Từ mọi ngả đường nơi sơ tán tại các huyện, nhiều cơ quan và các gia đình lũ lượt trở về thành phố mang theo những cành đào rực rỡ trên ô tô, xe trâu, xe cải tiến và cả xe đạp thồ. Một số đơn vị quân đội, công nhân, thanh niên xung phong được điều tới “vá" vết thương chiến tranh, dựng lại nhà cửa tạm, dọn dẹp vệ sinh nhiều tuyến đường, sửa chữa, dựng nhà cửa tạm… làm thành phố trở lên nhộn nhịp, đông vui ồn ã.
Bố tôi ngoài giờ làm việc tại nhà máy cũng cùng các chú, các bác mang xô, chổi đi quét vôi ở khu vực nào đó, hoặc sang hàng xóm giúp dựng cây nêu, treo cờ…
Hồi ấy, tôi còn bé, những ngày đó cũng là thời gian tôi biết đi xe đạp. Phần thưởng bố dành cho tôi là được dùng xe qua Tết. Ngay buổi đầu tiên, tôi đã đạp xe tới giúp ông bác thu dọn đồ đạc từ khu sơ tán Chùa Hang về nhà tại xóm Đầm Xanh. Cũng bởi nhiệt tình thái quá, tôi nhận chở rổ bát đĩa, ấm chén và bị ngã xe do bóp phanh quá mạnh, cũng may mọi thứ chưa vỡ hết.
Một sáng ra phố, tôi bất ngờ khi thấy khu trung tâm thành phố Thái Nguyên đã được trang hoàng lộng lẫy với nhiều băng rôn, pa nô, áp phích và cờ hoa rực rỡ. Tại các ngã ba, ngã tư, hình ảnh Bác Hồ và dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do” nổi bật bên nhiều tấm pa nô “Năm mới, thắng lợi mới!”. Con đường từ Bảo tàng Việt Bắc đến chợ Bến Tượng dòng người qua lại mua bán tấp nập. Các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, lương thực, bách hóa đông kín người xếp hàng…
Những ngày sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom, bạn bè theo người nhà mỗi đứa một nơi, giờ tha hồ tụ tập. Tôi cùng đám bạn leo lên cây nhãn cổ thụ trước cửa chợ Bến Tượng ngắm phố, ngắm người. Trong dòng người tấp nập sắm Tết, thi thoảng có người trên đầu mang vành khăn trắng. Ngồi mãi chán, chúng tôi lại lang thang khắp các ngõ phố xem mua bán.
Tôi ấn tượng nhất là quầy bán tranh ảnh Tết phía trước cửa hàng bách hóa. Tranh ảnh chủ yếu là các cuốn thư và tranh dân gian, câu đối. Các cuốn thư đều lớn như bức hoành phi chạm khắc trên đồ gỗ, đồ đồng hiện nay, nhưng vẽ trên giấy bằng mực màu rực rõ, hầu hết là hình ảnh Bác Hồ và dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc Lập - Tự Do”.
Các tranh dân gian đủ loại, màu sắc cũng rực rỡ không kém, tôi thích nhất là mấy bức “Cá chép trông trăng”, “Hứng dừa” “Đám cưới chuột”. Có lẽ năm ấy là Tết Quý Sửu nên tôi thấy nhiều người chọn mua tranh “Chăn trâu thổi sáo” “Tát nước đêm trăng”…
Càng những ngày áp Tết, không khí càng thêm nhộn nhịp nao nức. Từ sáng sớm, tiếng lợn bị bắt thịt kêu eng éc, thi thoảng, pháo nổ đì đùng. Bọn chúng tôi được giao nhiệm vụ dậy sớm ra mậu dịch mua hàng Tết. Tôi cùng mấy thằng bạn xách làn tới địa điểm. Trời còn tối đen như mực, dòng người đã xếp hàng trước ô cửa nhỏ đóng kín treo bóng đèn điện đỏ quạch. Chúng tôi kiếm gạch đặt chỗ và kéo nhau ra gốc cây đốt lửa ngồi tán gẫu. Mua xong hàng cũng đã trưa muộn.
Ngày 28 Tết, nhà tôi mổ lợn cùng ba nhà khác ăn đụng. Sau khi thịt, lợn được chia đều mỗi cho nhà một đùi, chiếc thủ và bộ lòng được chế biến để bốn nhà cùng trải chiếu ăn bữa cơm chung. Chiều đó nhà tôi gói bánh chưng. Không hẳn đã đói, nhưng mùi bánh chưng gạo nếp mới thơm lừng làm mấy anh em bóc ngay, vừa ăn vừa thổi.
Đêm 30 Tết, thành phố có rất nhiều điểm liên hoan văn nghệ. Chưa có nhiều đèn trang trí, nhưng các sân khấu thật lộng lẫy và đông nghịt người xem. Tôi cùng bọn bạn ra sân khấu rạp ngoài trời. Trên sân khấu, ban nhạc có bộ trống, hai cây đàn ghi ta và chiếc ắc-coóc-đê-ông. Nhiều tiết mục trên sân khấu hát, người xem cũng vỗ tay hát theo. Chưa đến giờ giao thừa, tiếng pháo khắp nơi đã nổ ran.
Trò chuyện với bố tôi bên tách trà Xuân, mấy bác đồng đội từng chiến đấu tại mặt trận Điện Biên năm xưa, dù vui trong không khí của ngày đầu Xuân vẫn tỏ ra thận trọng: “Hòa bình mới được lập lại ở miền Bắc, đất nước chưa liền. Kẻ thù sẽ ngoan cố chống phá. Để đi đến trận cuối cùng, còn nhiều máu xương đổ xuống. Nếu Tổ quốc cần, chúng ta phải tiếp tục cầm súng…”.
Mấy mươi năm trôi qua, thành phố Thái Nguyên đã mang vóc dáng một đô thị văn minh, hiện đại. Nhịp sống mới và sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố làm niềm vui từ lòng người sáng lên trên nụ cười ánh mắt. Mỗi khi gửi lòng mình về một miền ký ức, tôi như lại sống giữa ngày Xuân tươi đẹp ấy và thấy cuộc đời như càng thêm Xuân!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin