Phát huy dân chủ trong khối doanh nghiệp

08:49, 11/10/2019

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS) tại nơi làm việc trong các doanh nghiệp (DN) theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP (cũ) và mới đây là Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian qua các DN đã xây dựng môi trường làm việc cởi mở, thân thiện; khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến của người lao động đóng góp cho sự phát triển của DN.  

Có mặt tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) đúng giờ ăn ca trưa, chúng tôi cảm nhận được không khí bữa trưa ấm cúng của toàn thể công nhân lao động sau giờ làm việc ca sáng. Tại khu vực nhà ăn, thức ăn từng món được bày trên khay đựng inox có nắp đậy để người lao động thuận tiện lựa chọn món ăn mình yêu thích. Mọi người xếp hàng lấy đồ ăn rất trật tự, ai ăn gì tự chọn, chỉ lấy đủ phần ăn của mình. Đưa mắt nhìn qua các khay thức ăn, chúng tôi thấy có đầy đủ món mặn ăn cơm như thịt rang, cá kho, đậu sốt, lạc rang các loại rau củ quả được chế biến rất bắt mắt (ít nhất có 7 món ăn ngoài cơm, canh). Khi ăn xong mọi người đều ý thức để đúng vị trí để các chị nhà bếp dọn dẹp thuận lợi. Bát đĩa được rửa sấy, bàn ghế lau dọn sạch sẽ. 

Sau bữa trưa, tôi ra khu vực uống nước bắt chuyện cùng anh, chị em công nhân. Trò chuyện cùng tôi, anh Nguyễn Công Huân, Phân xưởng Cán vui vẻ nói: Tôi đã gắn bó với Nhà máy này được hơn 20 năm nay. Trước đây chúng tôi ăn ca chia theo suất, nếu ai ăn khỏe có thể ăn hết, còn không thì bỏ thừa. Trước thực tế đó, Công đoàn và lãnh đạo Nhà máy bàn bạc thống nhất tổ chức ăn ca tự chọn. Chủ trương này đều được xin ý kiến người lao động và chúng tôi thấy rất hợp lý bởi ai ăn ít, ăn nhiều có thể san sẻ cho nhau, đặc biệt có nhiều đồ ăn để mọi người có thể lựa chọn theo khẩu vị. Tình trạng thức ăn thừa không còn. Nhà máy còn đầu tư cả nhà tắm, phòng xông hơi, nhà giặt sấy liên hoàn… sau mỗi giờ tan ca, người lao động ra về quần áo không còn lấm lem bụi bẩn như trước. Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động ngày càng được cải thiện. 

Đúng như những chia sẻ của anh Huân, trò chuyện với lãnh đạo Nhà máy cũng như đại diện tổ chức Công đoàn chúng tôi được biết kết quả trên có được là do DN đã phát huy tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở đơn vị. Theo đồng chí Lê Mạnh Tiến, Chủ tịch Công đoàn Nhà máy: Ở đâu không thực hiện tốt QCDC, thiếu sự quan tâm, lãnh đạo thì ở đó sẽ có tình trạng cửa quyền, áp đặt, độc đoán, sẽ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ. Đối với đơn vị chúng tôi, mọi quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động đều được công khai để người lao động nắm được. Các chủ trương từ lớn đến nhỏ đều được công khai bàn bạc thông qua hội nghị người lao động. Chúng tôi tổ chức Hội nghị người lao động từ cấp phòng, ban, phân xưởng rồi tổng hợp ý kiến của người lao động tham gia vào dự thảo các báo cáo của người sử dụng lao động và của Ban Chấp hành Công đoàn, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của tập thể với người sử dụng lao động. Các ý kiến của người lao động góp ý vào nội dung dự thảo quy định, quy chế nội bộ và dự thảo thỏa ước lao động tập thể mới hoặc thỏa ước sửa đổi, bổ sung… Với cách làm trên, Nhà máy đã phát huy tốt dân chủ ở nơi làm việc, tạo không khí cởi mở để mọi người được sống trong một “ngôi nhà chung”, đóng góp ý kiến giúp nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ. 

Để thực hiện tốt QCDC, Công ty Xăng dầu Bắc Thái đã xây dựng hệ thống email cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. Qua kênh thông tin này, cán bộ, viên chức, người lao động được nhận và phản hồi toàn bộ các văn bản về cơ chế chính sách, lãnh đạo Công ty cũng luôn thực hiện phúc đáp kịp thời. Hằng năm, Công ty thực hiện nghiêm chế độ đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo với 100% đội ngũ người lao động để mọi người được bày tỏ ý kiến của mình. Tại các hội nghị đối thoại, lãnh đạo Công ty tuyên truyền, phổ biến các nội dung, như: Nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể; chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân; công tác đánh giá thành tích cá nhân; cơ chế, chính sách đối với người lao động; công tác đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động; chế độ tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình; chế độ thông tin, báo cáo. Công ty đổi mới phương pháp tổ chức hội nghị người lao động truyền thống theo cách chia các nhóm để thảo luận từng chuyên đề, như:  Đề án tiền lương; đề án đào tạo; nội quy lao động; phương pháp 5S… Sau khi các nhóm tự thảo luận, cắt cử người đại diện trình bày chuyên đề của nhóm; các nhóm khác có thể phản biện những nội dung chưa rõ, chưa sát thực để đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung từng chuyên đề. Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Công ty tổng hợp, giải đáp các thắc mắc và kết luận từng vấn đề cụ thể. Cùng với việc công khai các nội dung trên, Công ty còn vận động công nhân, viên chức, người lao động tham gia góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể; quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Giám đốc Công ty cũng như các quy chế, quy định khác, qua đó phát huy dân chủ, sáng tạo, trí tuệ của tập thể, nhận được sự đồng thuận cao trong toàn Công ty.

Thực tế tại nhiều DN, chúng tôi nhận thấy việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc được thực hiện khá bài bản. Mới đây, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã thành lập đoàn giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp và thực hiện QCDC tại 7 doanh nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Thái Bình, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Đối với nội dung thực hiện QCDC ở cơ sở đa số các đơn vị đã xây dựng hệ thống các văn bản, quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy chế tổ chức hội nghị người lao động, quy chế đối thoại định kỳ và nội quy lao động. Hầu hết các đơn vị đã tổ chức Hội nghị người lao động thường niên. Việc đối thoại được tổ chức bằng nhiều hình thức, kết hợp lồng ghép với các cuộc họp giao ban định kỳ hoặc dịp sơ kết, tổng kết năm của doanh nghiệp. Tính đến ngày 30/8/2019, trong tổng số 295 DN có tổ chức công đoàn (trong đó có 24 DN sử dụng dưới 10 lao động không phải mở hội nghị người lao động), có 218/271 DN, bằng 80,44% mở hội nghị người lao động. Việc đối thoại với người lao động được các DN tổ chức theo đúng quy định mỗi quý 1 lần. 9 tháng năm 2019, 218 DN tổ chức được 654 cuộc đối thoại với người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít DN nội dung thỏa ước lao động tập thể chủ yếu là sao chép luật, chưa có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Nội dung biên bản hội nghị người lao động và đối thoại định kỳ còn sơ sài, chưa thực hiện đầy đủ theo quy định tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP (cũ) và Nghị định số 149/2018/ NĐ-CP của Chính phủ. Đoàn giám sát đã yêu cầu các DN thực hiện nghiêm túc các quy định về QCDC trong các DN, hướng dẫn DN xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế Hội nghị người lao động, nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại định kỳ và thỏa ước lao động tập thể. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc thực hiện các quy định pháp luật, nhất là QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc đi vào nền nếp.