Củ nghệ tươi và các sản phẩm từ nghệ đã được nhiều người biết đến với nhiều công dụng hữu ích trong đời sống, là một trong những dược liệu quý trong y học. Nắm bắt được điều đó, anh Hứa Văn Tiền, ở xóm 7, xã Tân Linh (Đại Từ) đã tự nghiên cứu, trồng nghệ dược liệu và sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.
Một ngày tháng 10, chúng tôi đến khu trồng nghệ của gia đình anh Hứa Văn Tiền. Để vào được nơi trồng nghệ, chúng tôi phải leo bộ 15 phút do đường lên khá nhỏ và nhiều đá lớn. Theo lời kể của anh Tiền, cũng theo lối mòn này, hơn một năm trước, máy xúc, máy ủi và hơn chục nhân công cùng anh khá chật vật để vào đây san gạt, làm mặt bằng trồng nghệ. Và quả thật sức người đã biến “sỏi đá thành cơm” khi giờ đây hơn 6ha đất đồi hoang hóa đã được anh Tiền cải tạo, trở thành vùng trồng nghệ tập trung, những ngọn đồi đã trở nên xanh biếc, mỡ màng.
Anh Tiền cho biết: Trước đây, cũng giống như đại đa số gia đình khác trong vùng, kinh tế gia đình tôi phụ thuộc chủ yếu vào làm ruộng và trồng chè. Với niềm đam mê trồng trọt, tôi đã nghiên cứu tài liệu, báo chí và đi nhiều nơi để tham quan, tìm hiểu về các mô hình. Nhận thấy cây nghệ có nhiều triển vọng phát triển và phù hợp với thổ nhưỡng quê mình, năm 2017, tôi đã trồng thử nghiệm hơn 360m2 các giống nghệ đỏ, nghệ lai, nghệ đen và quyết định chọn nghệ đỏ làm cây trồng chính rồi nhân rộng ra hơn 6ha. Đây là loại nghệ củ nhỏ, màu vàng đậm, thơm, chất lượng tốt, tuy năng suất thấp hơn so với nghệ lai nhưng lại cho hàm lượng curcumin, giá bán cao và được thương lái ưa chuộng mua về để làm tinh bột nghệ.
Cây nghệ được trồng từ tháng 2-3 âm lịch và được thu sau 9-12 tháng. Tuy nhiên, để có chất lượng tốt nhất, cây nghệ phải được thu hoạch sau 2 năm. Trung bình, mỗi ha trồng nghệ cho thu từ 20-23 tấn củ tươi/ vụ. Theo anh Tiền, cây nghệ là giống cây tương đối dễ trồng, chăm sóc và ít sâu bệnh hại, phù hợp nhất là trồng ở đất vườn, đồi tơi xốp. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn giống, củ giống thường chọn là củ cái, to, không bị thối và sứt sẹo. Khi nghệ lên được 5-6 lá thì người trồng cần bón thúc và vun gốc để củ phát triển tốt nhất. Do là cây lấy củ nên khi lá nghệ quá tốt cần tỉa bớt các lá ở gốc cây để dưỡng chất tập trung vào gốc nghệ. Khi thấy lá nghệ bắt đầu khô dần từ mép, ngả vàng, củ nghệ có màu vàng sẫm, bóng sáng là đã chuẩn bị đến lúc thu hoạch. Với mỗi ha nghệ, trừ chi phí về nhân công, phân bón, giống, anh Tiền thu lãi từ 100120 triệu đồng. Năm 2018, anh Tiền cung cấp khoảng 300kg củ giống với giá bán 18 nghìn đồng/kg.
Bên cạnh trồng nghệ tươi và bán củ giống, năm 2018, anh Tiền đã mạnh dạn đầu tư trên 450 triệu đồng để mua máy móc chế biến tinh bột nghệ, như: Máy bơm, rửa, máy nghiền, máy vắt li tâm, máy sấy lạnh… Nghệ sau khi thu hoạch được đưa vào lồng rửa để làm sạch đất cát bám trên bề mặt củ, đồng thời làm bong lớp vỏ lụa phía ngoài, giúp lược bớt tinh dầu và nhựa củ. Sau đó, nghệ được nghiền ly tâm để tách bã, tinh dầu và lắng lọc để thu tinh bột. Để có 1kg tinh bột nghệ cần khoảng 30kg củ nghệ tươi. Tuy nhiên, giá trị kinh tế lại cao gấp 2-3 lần so với bán củ nghệ. Hiện tại, mỗi kg tinh bột nghệ, anh Tiền bán ra với giá 900 nghìn đồng. Ngoài sản xuất tinh bột nghệ, anh Tiền còn làm viên nghệ mật ong với giá bán là 1 triệu đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm do cơ sở của anh Tiền sản xuất đều được đóng lọ thủy tinh, có đầy đủ nhãn mác, thông tin về sản phẩm, đồng thời, có mã QR để người tiêu dùng tiện tra cứu.
Với mong muốn mở rộng vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh sản xuất, anh Hứa Văn Tiền đã liên kết với 7 người dân trong xã để thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên do anh Tiền làm giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ là 300 triệu đồng với ngành nghề kinh doanh chính là trồng cây dược liệu, cây hàng năm, sản xuất tinh bột nghệ và các sản phẩm từ tinh bột. Ngoài trồng nghệ, hiện nay, HTX đang ươm giống để trồng một số loại dược liệu khác như: Đinh lăng, ba kích… Thời gian tới, anh Tiền dự định mở rộng vùng sản xuất thêm 4ha, đồng thời, đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng để mua máy sản xuất tinh bột nghệ liên hoàn và phát triển thêm sản phẩm nghệ thái lát sấy khô.
Đánh giá về mô hình trồng dược liệu của anh Hứa Văn Tiền, ông Trần Đình Đức, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Linh, cho biết: Anh Hứa Văn Tiền là một trong những hội viên nông dân mạnh dạn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Mô hình trồng nghệ dược liệu của anh Tiền đang cho thấy triển vọng khi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của đồng đất nơi đây, đồng thời, đem lại giá trị kinh tế cao. Chúng tôi luôn ủng hộ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi với hướng đi mới, cách làm sáng tạo của người dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.