Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Gắn với nhu cầu xã hội

Vũ Công 08:06, 24/09/2022

Mặc dù thời gian đào tạo chỉ dưới 3 tháng nhưng những lớp dạy nghề sơ cấp được tổ chức tại Thái Nguyên đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Thông qua học nghề đã giúp lao động nông thôn có thêm kiến thức, kỹ năng để ứng dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả lao động, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm.

Nhờ kiến thức từ chương trình đào tạo nghề, người dân xã Định Biên (Định Hóa) tự sửa chữa máy móc nông nghiệp cho gia đình và bà con địa phương.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là một trong những giải pháp nhằm tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Bởi vậy, dù Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ kết thúc cách đây 2 năm nhưng các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động này.

Tại Võ Nhai, trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng huyện vẫn tổ chức được 4 lớp đào tạo nghề sơ cấp về hàn điện, chế biến chè xanh, chè đen và may công nghiệp. Trong 9 tháng năm 2022, huyện đã mở được 3 lớp về: Sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Nghinh Tường; hàn điện tại xã Sảng Mộc và may công nghiệp đào tạo tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Ngoài ra, Trung tâm GDNN-GDTX huyện còn đào tạo hàng chục lớp nghề thường xuyên.

Ông Hà Việt Hồng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Võ Nhai, cho biết: Hằng năm, Trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn để điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, nhằm mở các lớp, ngành nghề đào tạo cho sát với thực tế. Sau khi học xong, học viên có thể áp dụng vào trong sản xuất ngay tại gia đình và đi làm việc luôn trong các doanh nghiệp. Đối với học viên, chúng tôi ưu tiên lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nữ và các đối tượng chính sách nhằm giúp họ có việc làm để nâng cao thu nhập.

Người dân xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) áp dụng kiến thức được đào tạo vào sản xuất, chế biến chè nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Còn tại huyện Đồng Hỷ, với lợi thế có gần 4.000ha chè, trong đó có trên 3.200ha chè kinh doanh, địa phương không chỉ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao giá trị cây chè mà còn đặc biệt quan tâm đào tạo nghề "làm chè" cho người dân.

Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã dành 279 triệu đồng hỗ trợ công tác đào tạo nghề. Theo đó, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã mở 3 lớp đào tạo nghề sơ cấp cho 100 học viên tham gia về chế biến chè xanh, chè đen tại 3 xã: Nam Hòa, Văn Hán, Văn Lăng.

Ông Hà Huy Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm, cho hay: Các lớp dạy nghề đều được Trung tâm phối hợp tổ chức ngay tại xã nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Trong 3 tháng, giảng viên sẽ cung cấp các kiến thức về: Tìm hiểu công nghệ chế biến chè, chế biến chè xanh bán thành phẩm, chế biến chè đen bán thành phẩm và phân loại, đóng gói chè. Nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành ngay tại các cơ sở sản xuất chè tiêu biểu ở địa phương, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm, cũng như kinh nghiệm của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Chị Triệu Thị Hoa, người dân tộc Nùng, ở xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán - học viên lớp dạy nghề chế biến chè, chia sẻ: Nhà tôi có gần 10 sào chè. Trước đây, do không có kỹ thuật chế biến chè khô nên tôi chủ yếu bán chè tươi, hiệu quả kinh tế chẳng đáng là bao. Sau khi học xong lớp đào tạo nghề, gia đình tôi đã đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất chè. Tôi áp dụng thành thạo từng công đoạn đã được giảng viên hướng dẫn, như: Làm héo chè, làm dập tế bào và tạo hình sản phẩm, lên men, làm khô, bảo quản... Nhờ đó chất lượng chè của gia đình tăng lên đáng kể, giá trị cây chè đem lại cao hơn hẳn so với trước đây. 

Theo kế hoạch, thời gian tới, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục mở 3 lớp sơ cấp nghề về: Trồng chè tại xã Văn Lăng; nuôi và phòng bệnh cho gà tại xã Tân Long và Cây Thị, với tổng số gần 100 học viên tham gia.

Ngoài ra, tại các huyện, thành phố khác trong tỉnh, cơ quan chuyên môn cũng tích cực đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ đầu năm đến nay, mỗi địa phương tổ chức khoảng 4-6 lớp đào tạo nghề sơ cấp cho lao động nông thôn, với nhiều nhóm nghề khác nhau (may công nghiệp, cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi..). 

Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh, thông tin: Riêng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số. Vì thế, Ban Dân tộc đã và đang phối hợp với các ngành chức năng, địa phương xây dựng các mô hình đào tạo nghề, giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn giải quyết việc làm và hiệu quả sau đào tạo. Đồng thời, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... với tổng kinh phí dự kiến thực hiện giai đoạn 2021-2025 là trên 249 tỷ đồng.


Từ khóa:

dạy nghề

việc làm

thu nhập