Kỳ 2: Nhiều “rào cản” phải vượt qua Từ nay đến năm 2025, ngành Y tế đã đưa ra những mục tiêu cụ thể như: 100% các đơn vị y tế thực hiện chuyển đổi số; 100% các cơ sở y tế công lập, bệnh viện tư nhân được tích hợp, đồng bộ dữ liệu y tế lên trục tích hợp dữ liệu ngành Y tế; duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử kết nối với phần mềm tại các cơ sở khám, chữa bệnh… Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành Y tế sẽ phải vượt qua rất nhiều “rào cản” khi mà hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin CNTT chưa đồng bộ; nguồn nhân lực và vật lực còn thiếu…
Hiện nay, Bệnh viện C Thái Nguyên đã triển khai được kỹ thuật can thiệp tim mạch trên hệ thống máy DSA.
Khó khăn hiện hữu
Vẫn biết chuyển đổi số là ứng dụng CNTT một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được mục tiêu đề ra lại không hề giản đơn khi ngành Y tế vẫn gặp không ít khó khăn.
Bác sĩ CKII Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên: Dù đã cố gắng huy động các nguồn lực đầu tư nhưng hạ tầng khám, chữa bệnh của đơn vị mới đang ở mức 4. Do đó, để phát triển công nghệ thông tin y tế số thông minh, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều. |
Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Khó khăn hiện hữu đó là nguồn lực y tế còn nhiều hạn chế, hệ thống y tế cơ sở chưa được đầu tư phù hợp về cơ sở vật chất và con người trong khi các bệnh viện tuyến trên vẫn còn tình trạng quá tải. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại tuyến xã và tại cộng đồng còn thiếu năng lực, hệ thống bác sĩ gia đình và phòng khám gia đình đã hình thành nhưng chưa có đủ nguồn nhân lực hỗ trợ và chưa có cơ chế thích hợp.
Trong khi đó, kinh phí đầu tư mua sắm, trang bị và duy trì các phần mềm, hệ thống máy móc, công nghệ bảo quản, sao lưu dữ liệu và lưu trữ số… còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị, chi phí cho CNTT chưa được tính vào giá dịch vụ y tế. Hệ thống máy móc, các loại phần mềm cũng chưa được trang bị đầy đủ, chưa đảm bảo được yêu cầu của công nghệ số trong cập nhật và chuyển giao dữ liệu.
Đặc biệt, chế độ, chính sách đãi ngộ cho cán bộ chuyên trách CNTT còn thấp, chưa thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Nhiều đơn vị chưa quan tâm đến kiện toàn tổ chức lực lượng chuyên trách CNTT; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ chuyên trách CNTT, cán bộ viên chức tại nhiều đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đang đứng trước nhiều thách thức lớn như: Thay đổi xu hướng dịch tễ học, gia tăng các bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ; xu hướng già hóa dân số; các bệnh dịch mới nổi hoặc tái xuất hiện, các vấn đề sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu... Với tổng dân số khoảng 1,3 triệu người thì các vấn đề nêu trên cũng đang tạo nên một áp lực không nhỏ đối với ngành Y tế Thái Nguyên, đòi hỏi việc phát triển hệ thống y tế số cần được đẩy nhanh hơn nữa.
Hạ tầng kỹ thuật CNTT chưa đồng bộ
Một buổi hội chẩn khám bệnh từ xa với bệnh viện tuyến trên của Bệnh viện A Thái Nguyên.
Trước yêu cầu mới của quá trình chuyển đổi số về mặt công nghệ trong công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ứng dụng CNTT trong ngành Y tế vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, trong khối dự phòng có 3 cơ quan, đơn vị: Trung tâm Kiểm soát dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và thiết bị y tế; Trung tâm Pháp y; Trung tâm Giám định y khoa chưa có hệ thống hạ tầng CNTT thống nhất và đồng bộ. Hệ thống mạng LAN chưa hoàn chỉnh do thực hiện cách đây nhiều năm (giai đoạn 2005-2010) nay đã xuống cấp; thiết bị CNTT như máy tính, máy in... còn thiếu hoặc thiết bị đã lạc hậu.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Bình: Hạ tầng CNTT của đơn vị đang ở cấp độ 2, cấp độ 4, nhưng chúng tôi quyết tâm đến năm 2022 sẽ nâng một số tiêu chí lên cấp độ 4, cấp độ 6; đến năm 2025, sẽ cố gắng đạt cấp độ 7 và triển khai bệnh án điện tử hoàn toàn. Chúng tôi mong muốn được trang bị thêm các thiết bị hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực. |
Một khó khăn nữa là ngành Y tế chưa có các phần mềm quản lý chuyên ngành trong hành nghề y - dược, hoạt động thanh tra y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý và phê duyệt danh mục kỹ thuật… Tất cả các dịch vụ hành chính công trực tuyến do Sở Y tế cung cấp hiện đều phải thông qua Trung tâm Hành chính công của tỉnh và Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói: Trong lĩnh vực y tế dự phòng, ngành chưa áp dụng CNTT trong theo dõi, thu thập, phân tích và cảnh báo dịch bệnh, quản lý vệ sinh lao động, y tế học đường, vệ sinh môi trường, chất thải y tế, quản lý vận hành hệ thống trả kết quả xét nghiệm theo tiêu chuẩn… Thực tế này cũng gây khó cho quá trình chuyển đối số của ngành Y tế.Theo đó, các đơn vị khám chữa, bệnh trên địa bàn cũng có mức hạ tầng CNTT thấp.
Tại 17 đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế có 14 đơn vị ở mức 2 (mức thấp), 5 đơn vị ở mức 4 là các bệnh viện: A Thái Nguyên, C Thái Nguyên, Gang Thép, Đại Từ, Phú Bình) và không có đơn vị đạt mức cao hơn (mức 5, 6, 7). Đáng nói là phần mềm, cơ sở dữ liệu, định dạng dữ liệu… cũng chưa hoàn toàn đồng nhất giữa các đơn vị và hầu hết chưa đáp ứng các quy định về chuẩn HL7.
Do đó, chưa tạo dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung, đặc biệt là LIS, PACS và triển khai bệnh án điện tử. Hơn nữa, việc đảm bảo an toàn thông tin cũng chưa được các đơn vị chú trọng đúng mức.
Riêng với các trạm y tế, còn nhiều phần mềm, module riêng lẻ, chưa bao phủ toàn bộ các nghiệp vụ, hoặc chưa liên thông được lên tuyến trên; việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân chưa được thực hiện đồng bộ toàn tỉnh…
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số theo đúng lộ trình đã đề ra.
(Còn nữa)