Niềm vui từ những cây cầu

07:16, 31/08/2021

Thực hiện Dự án thành phần 6 và 7 thuộc Hợp phần cầu - Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương, từ tháng 8-2020 đến nay, Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông - Vận tải) đã đầu tư xây dựng 7 cây cầu dân sinh trên địa bàn huyện Đại Từ, với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng. Những cây cầu được xây dựng, đưa vào sử dụng giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân trên địa bàn được thuận lợi, an toàn hơn trước rất nhiều, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Đại Từ là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, với mạng lưới sông, suối trên địa bàn khá dày, lại do địa hình có độ dốc lớn nên vào mùa mưa bão dòng nước chảy xiết, rất nguy hiểm. Ở những nơi chưa có cầu kiên cố hoặc cầu xây dựng đã lâu, không bảo đảm an toàn thì việc đi lại, vận chuyển nông sản, giao thông của người dân gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy rình rập khi qua suối mùa lũ dữ. Tuy địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng do kinh phí lớn nên việc đầu tư xây dựng cầu, đường ở một số địa phương vẫn chưa như ý muốn. Trên cơ sở đó, từ tháng 8-2020 đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã thực hiện đầu tư xây dựng 7 cây cầu dân sinh trên địa bàn huyện Đại Từ với tổng kinh phí khoảng 18 tỷ đồng.

Cụ thể, có 5 cây cầu thuộc Dự án thành phần 6 được khởi công từ tháng 8-2020, đó là: Cầu Soi Chè, xã Tiên Hội; cầu Đồng Đa, xã Na Mao; cầu Bến Đình, xã Minh Tiến; cầu Vụ Tây, xã Quân Chu; cầu Xóm Mận, xã Phục Linh. Dự án thành phần 7 được khởi công cuối năm 2020, gồm 2 cây cầu là: Cầu Gò Thang, xã Khôi Kỳ và cầu Đầm Mua, xã Bản Ngoại. Theo thiết kế, các cây cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép có chiều rộng mặt cầu 3,5m, chiều dài từ 10-36m.

Những vị trí được chọn để xây dựng cầu đều thuộc các xóm đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng vượt suối có nguy cơ mất an toàn giao thông cao… Từ đây, người dân đi lại thuận lợi hơn, giảm nguy cơ tai nạn đuối nước, giúp giao thương hàng hóa, tạo đà phát triển kinh tế vùng...

Chính thức được bàn giao vào giữa tháng 8 vừa qua, cầu Soi Chè, ở xã Tiên Hội được đưa vào sử dụng trong niềm vui chung của hơn 200 hộ dân của xóm Đồng Mạc và chính quyền địa phương. Bởi từ đây, các đồi chè, vườn cây ăn quả sẽ có người vào tận nơi thu mua, việc vận chuyển hàng hóa qua hai đầu cầu sẽ không còn vất vả, nguy hiểm như trước.


Người dân địa phương rất phấn khởi khi cầu dân sinh ở xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại (Đại Từ) được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Ông Liễu Trần Khuyến, Trưởng xóm Đồng Mạc cho hay: Trước đây, bà con trong xóm từng cùng nhau góp công, góp của để làm cầu tạm bằng tre bắc qua sông, nhưng rồi qua mấy trận mưa lớn, nước lũ mấp mé mặt cầu, nhiều nhịp cầu bị sóng đánh xô lệch, không bảo đảm an toàn. Mỗi khi nước dâng lên là người dân phải đi tránh bằng những con đường khác, xa hơn gấp nhiều lần. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị lên các cấp có thẩm quyền thông qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri ở địa phương. Đến nay, nguyện vọng đó đã trở thành hiện thực. Từ khi cây cầu Soi Chè được đưa vào sử dụng thì bà con mừng lắm, không chỉ người dân Đồng Mạc mà người dân các xóm Phúc Lẩm, Phố Dầu qua lại, buôn bán cũng rất thuận tiện. Không những rộng rãi, chắc chắn, cây cầu còn được người dân khen ngợi về mặt mỹ thuật, là điểm nhấn trong hạ tầng giao thông địa phương.

Cùng từng gặp khó khăn như người dân ở xóm Đồng Mạc, từ lâu, xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại bị chia cắt bởi con suối Cái, chảy từ chân núi Tam Đảo. Con suối không chỉ gây trở ngại về giao thông mà còn là rào cản phát triển kinh tế - xã hội của nhiều hộ dân trong xóm và các khu lân cận. Ông Lê Quang Thịnh, Trưởng xóm Đầm Mua chia sẻ: Để sang bên kia suối, người dân địa phương không còn cách nào khác là lội bộ qua. Vì đường sá không thuận lợi, nhiều hộ trong xóm gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, hàng hóa làm ra khó tiêu thụ, bị ép giá, thương lái ngại vào mua. Nhiều hộ muốn sửa sang, xây dựng mới nhà ở cũng khá vất vả trong việc mua bán, vận chuyển nguyên vật liệu từ nơi khác về đây bởi nếu đi đường vòng thì xa gấp 3-4 lần, còn không thì phải thuê người gánh vật liệu qua suối. Những ngày nước lớn, trẻ em thường phải nghỉ học vì không ít trường hợp đã bị nước lũ cuốn trôi. Cũng vì lý do đó, nhiều hộ đã chuyển sang xóm kế bên hoặc tìm đến nơi ở khác thuận lợi hơn để sinh sống.

Sinh ra và lớn lên ở ngay bên dòng suối, ông Chu Văn Sằn (70 tuổi) không giấu được niềm vui khi cầu Đầm Mua được hoàn thành. Ông chia sẻ: Khi được biết chủ trương xây cầu qua suối, ai nấy đều phấn khởi, sẵn sàng hiến đất làm cầu nếu cần. Riêng gia đình tôi đã hiến trên 130m2 đất trồng chè, đoạn giáp cầu để bảo đảm mặt bằng cho đơn vị thi công. Vậy là từ nay, người dân trong xóm sẽ không còn nỗi lo tai nạn khi qua suối, trẻ em vẫn có thể tới trường mỗi khi mưa lũ về.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đại Từ đánh giá: Với đặc thù địa phương có nhiều sông, suối chia cắt địa hình như huyện Đại Từ, dự án xây dựng cầu dân sinh đã đáp ứng sự mong mỏi của người dân tại các địa phương. Đến nay, cơ bản các cây cầu đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.