Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đã quyết nghị bãi bỏ Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 12/8/2016 về việc thông qua chủ trương đề xuất Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông và bãi bỏ Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 27/10/2017 về việc thông qua đề xuất chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông. Ngay sau khi HĐND tỉnh bãi bỏ 2 nghị quyết trên, có một bộ phận dư luận suy diễn dự án này đã bị “khai tử”, chấm dứt, thu hẹp…
Mỗi khi trên sông Cầu có lũ lớn thường gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân ở các xã, phường ven sông thuộc T.P Thái Nguyên.
Tầm nhìn chiến lược và đúng đắn
Năm 2016, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông (gọi tắt là Dự án) với tổng kinh phí trên 18.000 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là bảo đảm an toàn phòng, chống lũ lụt khu vực hai bên bờ sông Cầu thuộc địa bàn T.P Thái Nguyên và các huyện lân cận; phát huy khả năng tưới tiêu trong sản xuất và phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, Dự án còn tạo điểm nhấn cho đô thị của tỉnh; khai thác hiệu quả, phát huy được giá trị kinh tế ở khu vực hai bên bờ sông.
Việc Dự án được khởi công khiến người dân Thái Nguyên hết sức vui mừng, ủng hộ. Vì ngoài lợi ích về kinh tế là khai thác quỹ đất còn lớn ở các phường, xã: Cao Ngạn, Quang Vinh, Đồng Bẩm, Linh Sơn, Huống Thượng, Túc Duyên và Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), Dự án còn ý nghĩa lớn khi giúp hàng nghìn hộ dân có thể thoát khỏi tình trạng úng ngập mỗi khi nước sông Cầu dâng cao.
Nếu Dự án được triển khai thành công cũng giúp T.P Thái Nguyên phát triển “cân đối” giữa bờ tả và bờ hữu sông Cầu; phát triển đối xứng trục đô thị phía Tây và phía Đông của thành phố. Do vậy, khi triển khai Dự án này, rất nhiều học giả, nhất là các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc đô thị đã đánh giá cao, kỳ vọng vào sự phát triển đột phá của “thành phố Thép”…
Khát vọng chưa thành hiện thực
Với những ý nghĩa nêu trên, bộ phận chuyên môn của tỉnh và T.P Thái Nguyên được giao nhiệm vụ tham mưu, thực hiện đã nỗ lực làm việc để Dự án nhanh chóng được triển khai. Tuy nhiên, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới thấy nhiều khâu, nhiều bước triển khai thực hiện Dự án còn có chỗ chưa đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Và khi cơ quan có thẩm quyền chỉ rõ những chỗ sai phạm, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua nghị quyết bãi bỏ 2 nghị quyết đã ban hành trước đó về việc thực hiện Dự án.
Lúc này, dư luận đặt ra câu hỏi: Với việc bãi bỏ 2 nghị quyết trên thì dự án trị thủy và phát triển hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu sẽ chấm dứt? Câu trả lời của tỉnh chắc chắn là không.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Việc HĐND tỉnh tiếp thu các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ và thảo luận, thông qua nghị quyết bãi bỏ 2 nghị quyết đã ban hành thời gian trước về việc triển khai Dự án thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, sai đâu sửa đó của tỉnh. Nhưng phải khẳng định, Thái Nguyên không từ bỏ vấn đề trị thủy và phát triển hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu. Vấn đề này vẫn tiếp tục được cấp ủy giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện khi hội tụ đủ các điều kiện.
Một đoạn đê và đường ven sông Cầu trên địa bàn phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) đã được thi công theo Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông.
Hiểu thấu nỗi lòng của nhân dân
Từ chỗ mong chờ rồi quan tâm tới từng luồng thông tin liên quan đến vấn đề này, nhiều người dân thẳng thắn đóng góp ý kiến cho Dự án. Bà Bùi Thị Thủy, ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Sống ở ven sông Cầu, từng chứng kiến biết bao trận lũ khiến cây cối, hoa màu, nhà cửa bị thiệt hại nên tôi rất ủng hộ chủ trương xây dựng hệ thống chống lũ lụt cấp bách hai bên bờ sông. Bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi, tin tưởng rằng sẽ sớm có cuộc sống ổn định nhờ việc trị thủy, làm đường hai bên bờ sông Cầu…
Còn ông Nguyễn Văn Lực, Trưởng xóm Bến Đò, xã Linh Sơn giãi bày: Xóm Bến Đò có khoảng 150 hộ dân sống ở gần sông Cầu nên Dự án là niềm mong mỏi của chúng tôi từ nhiều năm nay. Chúng tôi đề nghị các cấp, ngành từ T.P Thái Nguyên, tỉnh đến Trung ương thấu hiểu những khó khăn của người dân để sớm tái khởi động Dự án.
Mặt khác, khi có quyết định phê duyệt đầu tư Dự án đồng nghĩa với việc người dân sinh sống ở vùng ảnh hưởng phải tạm dừng mọi hoạt động sản xuất, xây dựng mới hay cơi nới các công trình. Do vậy, khi Dự án tạm dừng không có kỳ hạn cũng khiến nhiều gia đình gặp khó khăn.
Chị Trần Thị Phượng, ở xóm Văn Thánh, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) bộc bạch: Do nhà tôi nằm cách sông Cầu chưa đầy 30m nên mỗi khi trời mưa lớn, nước dâng ngập vườn, sân, cao hơn nữa là đến tận nền nhà. Trước khi Dự án được phê duyệt, gia đình tôi chuẩn bị xây dựng ngôi nhà mới để tránh tình trạng ngập lụt nhưng phải dừng lại bởi công trình nằm trong vùng ảnh hưởng. Từ đó đến nay, Dự án chưa thấy triển khai, cán bộ cơ sở cũng trả lời không rõ nên chúng tôi rất lúng túng. Tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm có câu trả lời cho người dân để bà con yên tâm sản xuất, sinh hoạt.
Theo đề xuất của các chuyên gia kinh tế, với quỹ đất hiện nay ở hai bên bờ sông Cầu thì ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước có thể đấu giá đất để lấy kinh phí thi công tiếp. Cùng với đó, phương án giao cho một liên doanh nhà thầu thực hiện Dự án cũng nên được cân nhắc vì liên quan đến năng lực tài chính, chuyên môn. Đây là Dự án lớn và khả thi, rất cần thu hút được nhiều doanh nghiệp có năng lực ở trong và ngoài tỉnh cùng tham gia.