Hiện nay, mô hình nuôi bò 3B được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình áp dụng, bởi nhiều ưu điểm nổi trội như: Vật nuôi phàm ăn, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ thịt cao, phù hợp với việc nuôi nhốt. Những ưu điểm này đã và đang mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ chăn nuôi ở Phú Bình.
Anh Thiều Chí Điểm, ở xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt - người có 5 năm kinh nghiệm nuôi bò 3B, phấn khởi: Tháng 11-2021, gia đình tôi xuất bán 4 con bò thịt, tổng trọng lượng trên 2,5 tấn. Với giá bán 90 nghìn đồng/kg, gia đình thu về 225 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, mỗi con bò cho thu lãi khoảng 15 triệu đồng.
Theo lời kể của anh Điểm, năm 2017, gia đình anh nuôi thử 1 con bò 3B. Sau khi chăn nuôi thấy hiệu quả, ngay năm sau, anh đã dần mở rộng quy mô, lúc cao điểm gia đình nuôi tới 7 con. Anh Điểm nhận thấy, bò 3B là loại phàm ăn, tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ cao, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt loại bò này phù hợp với việc nuôi nhốt, nên không tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, thời gian nuôi khá dài. Trung bình, mỗi con bê cần chăm sóc, nuôi dưỡng trong vòng 15 tháng mới được xuất bán và với lượng khẩu phần ăn gồm: 50% thức ăn tinh, còn lại là thức ăn thô, xanh.
Bò 3B không chỉ là vật nuôi giúp nông dân giảm nghèo mà còn có thể làm giàu - đó là khẳng định của anh Nguyễn Thanh Tùng, ở xóm Ngò, xã Tân Khánh sau 6 năm nuôi bò 3B. Bắt đầu với 6 con bò nuôi vào năm 2017, đến nay, đàn bò 3B của anh Tùng đã lên tới 30 con, toàn bộ là bò thương phẩm. Tháng 2 vừa qua, anh xuất bán 20 con bò thịt, tổng trọng lượng đạt tới 12 tấn. Trừ mọi chi phí, anh Tùng thu lãi 250 triệu đồng. Ngoài ra, nhờ làm tốt công tác phòng bệnh cho đàn bò, cộng với nguồn thức ăn có sẵn, tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp, trung bình mỗi con bò anh Tùng thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Mặc dù vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi tương đối dài, nhưng loại vật nuôi này có giá bán ổn định và dễ tiêu thụ.
Trong khi nhiều người dân chú trọng mở rộng mô hình nuôi bò 3B thương phẩm thì anh Hoàng Văn Nam, xóm Đồng Quan, xã Bàn Đạt lại đầu tư mô hình nuôi bò 3B để bán giống. Liên tục từ năm 2017 đến nay, anh Nam duy trì nuôi 6 con bò nái, chủ yếu là bò lai Sind để phối giống với bò 3B. Từ đó đến nay, 6 con bò nái của gia đình anh đã sinh sản được 36 con bê giống. Mỗi con bê giống chỉ cần nuôi từ 6-8 tháng là có thể xuất chuồng. Mỗi con bê cái có giá bán khoảng 17 triệu đồng, bê đực có thể bán tới 25 triệu đồng.
Anh Nam chia sẻ: Nuôi bê giống không mất nhiều thời gian chăm sóc, lượng thức ăn tiêu tốn ít. Để giảm chi phí đầu vào, tôi dành 1 mẫu đất để trồng cỏ và tận dụng phụ phẩm từ dịch vụ xay xát gạo của gia đình làm thức ăn cho bò.
Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Mô hình chăn nuôi bò (chủ yếu là bò 3B) hướng thịt là một trong 9 dự án ưu tiên trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm có lợi thế của huyện Phú Bình, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Thực tế từ năm 2017 đến nay, đàn bò 3B được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đầu tư mở rộng quy mô. Hiện nay, đàn bò 3B của huyện đã đạt trên 18 nghìn con, chiếm 30% trong tổng đàn bò trên địa bàn.
Để đàn bò phát triển theo vùng quy hoạch, gắn chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm, các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Bình đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng ngô sinh khối, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho đàn bò; thực hiện mô hình chăn nuôi bò 3B an toàn sinh học, gắn với bảo vệ môi trường. Hiện nay, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đang triển khai Dự án Phát triển mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, gắn với liên kết chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm tại xã Thanh Ninh. Trong mô hình này, có 12 con bò 3B được hỗ trợ cho 3 hộ chăn nuôi của Hợp tác xã Hòa Bình. Trong đó, kinh phí Nhà nước hỗ trợ 312 triệu đồng (gồm: 70% giống; 50% chế phẩm vi sinh để xử lý phân), các hộ chăn nuôi đối ứng 134 triệu đồng.
Huyện Phú Bình phấn đấu đến năm 2025, đàn bò thịt tăng lên 28.500 con, sản lượng thịt đạt 3.483 tấn. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chăn nuôi bò theo chuỗi liên kết và chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để giúp việc tiêu thụ cho người chăn nuôi ổn định.