Về Phúc Thuận xem dân lập trại nuôi trâu

10:51, 22/12/2008

Dịp cuối năm chúng tôi về Phúc Thuận, xã miền núi phía tây của huyện Phổ Yên, nghe dân làng kháo nhau:“Trâu đổi ngôi!”; “chủ nuôi trâu, giàu mấy chốc!’’, khẳng định lại vị trí “đầu cơ nghiệp” cho con trâu do Dự án “Chọn lọc, cải tạo và phát triển đàn trâu” của Khuyến nông Phổ Yên triển khai thực hiện gần 2 năm nay…

Thư ký Dự án Trần Tuấn Sang (cán bộ Trạm Khuyến nông huyện) giải thích, đường vào Động (khu vực chăn nuôi trâu tập trung) rất khó khăn, phải liên hệ trước thì mới tiếp cận được. Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận (Phổ Yên), ông Vũ Thanh sôi nổi thông báo, Dự án phát triển đàn trâu đã làm sống lại tiềm năng lâm nghiệp, khẳng định thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc của địa phương. Ông Thanh muốn chúng tôi vào ngay khu Động vì các chủ chăn nuôi thông tin ra xã rằng trâu đang phá chuồng, đòi đi ăn. Từ trụ sở UBND xã đến khu vực Động 1, xóm Coong Lẹng (Xóm có 3 động) ước chừng 5 km nhưng chúng tôi phải mất cả giờ đồng hồ đánh vật với con đường đá suối gập ghềnh, ngoắt ngoéo. Anh dự án Trần Tuấn Sang đưa  đến thăm mô hình trang trại nuôi trâu của gia đình ông Trần Ngọc Thanh. 

 

Ở giữa vùng rừng núi còn đậm nét hoang sơ dưới chân dãy Tam Đảo hùng vĩ, ngôi nhà 2 tầng khang trang của nhà ông Thanh đánh dấu cuộc sống trù phú, bền chắc của con người. Ông Thanh bày tỏ, hầu hết đều từ trâu mà có các anh ạ. Ông kể, với trên 20 ha đất vườn rừng, việc chăn nuôi trâu đã được gia đình ông thực hiện từ nhiều năm truớc. Tuy nhiên, để xác định chắc chắn và đầu tư mạnh vào nuôi trâu thì gia đình ông chỉ làm từ 2 năm nay, khi nhận được sự hỗ trợ về các mặt của Dự án. Nuôi trâu ngoài việc tận dụng điều kiện chăn thả mà từ khi được nhân giống theo Dự án, trâu có tầm vóc rất lớn, tỷ lệ thịt xẻ đạt cao, bán được giá. Quan trọng hơn cả là ông Thanh còn chủ động áp dụng được các kỹ thuật chăn nuôi. Đến nay, đàn trâu của gia đình ông Thanh đã có 58 con.

 

Đưa chúng tôi đến bên chuồng trâu, đàn trâu không thừng thấy người lạ nghênh sừng với ánh mắt dò xét. Ông Thanh nói, chỉ có chủ thì mới gần được chúng. Ông tháo cửa chuồng, đàn trâu thi nhau lao ầm ầm và giông thẳng lên đồi. Ông Thanh bảo, đến tối, chúng sẽ tự động về chuồng, nuôi trâu rất đơn giản, chẳng mất gì ngoài chút ít công sức. Theo hạch toán của ông Thanh, với, nếu giữ nguyên tổng đàn thì hàng năm vẫn có khoảng 20 nghé con 3 tuổi được bán. Thu nhập có thể đạt 250 – 300 triệu đồng/năm. Đến thời điểm này năm sau, đàn trâu của gia đình sẽ lên đến trên dưới trăm con.

 

Lật qua Động 1 là khu 9 suối, vị trí có nhiều đàn trâu của người dân thuộc xóm Quân Cay. Đàn trâu của gia đình ông Nguyễn Thanh Tần có 27 con, ông Nguyễn Đức Tấn có 39 con, ông Lâm Văn Hai 18 con, ông Hoàng Văn Lại, ông Lục Minh Lý, mỗi gia đình có 15 con...

 

Theo thống kê, đến nay xã Phúc Thuận chiếm 8 trên tổng số 10 trang trại nuôi trâu tại tỉnh Thái Nguyên có quy mô 10 con trâu nái trở lên. Dẫn lên đồi thăm đàn trâu của gia đình, ông Nguyễn Thanh Tần đi nhon nhón, phía sau, chúng tôi phải đi như chạy mới theo kịp. Vừa đi ông Tần vừa trò chuyện: Khu vực 9 suối có nhiều nhà nuôi trâu nên các hộ đã cắt cử nhau luân phiên trông nom, chăm sóc cho trâu.

 

Gọi là trông nom nhưng chỉ phải thả cho chúng đi ăn vào buổi sáng rồi kiểm đàn cho đủ vào buổi chiều thôi. Các chủ nuôi trâu thỉnh thoảng lại lên xịt ve, giận cho trâu. Qua việc tham gia Dự án các hộ dân đã nắm bắt kỹ thuật chăm sóc và nuôi trâu. Với tổng số 27 con trâu hiện có, ông Tần vui vẻ cho biết, nuôi trâu hiện nay là hướng phát triển kinh tế số 1 của gia đình. Ông cho rằng; nuôi trâu còn mang lại hiệu quả kinh tế hơn cả nghề vận tải mà gia đình ông đang làm. Theo Tần, trước đây, mỗi nghé con 1 năm tuổi chỉ cho 60 – 70 kg thịt với giá 5 - 6 triệu đồng thì nay nghé lai F2 Murrah cho tới 100 đến 120 kg với giá bán đạt trên dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu nuôi đến năm thứ 2, thứ 3 thì trọng lượng của trâu sẽ đạt từ 17 - 20 triệu đồng. Ông Tần bất ngờ dừng lại và chỉ tay về phía trước mặt, một đàn trâu đang nằm phơi mình bên dòng suổi lổn nhổn những viên đá cuội. Thấy người, đàn trâu nhớn nhác. Ông Tần tự hào nói: Các anh thấy không, nhìn chúng thật sướng mắt, con nào cũng nung núc. Trâu được chọn lọc và nhân giống mới bây giờ to béo hơn hẳn giống trâu trước đây người dân vẫn nuôi. Về kinh nghiệm chọn trâu thì hầu như người dân địa phương ai cũng sành. Trâu được chọn lọc phải trường thân, mông vai nở, móng tròn, mặt hách, thuần trâu, tránh phê phai, tránh các khoáy kỵ như tóc tang, hàm sà, thiên giáng, hạ địa, lộ cốt... Người em trai của ông Tần là Chủ tịch xã Phúc Thuận Nguyễn Đức Tấn.

 

Đàn trâu của gia đình ông Tấn có 39 con. Ông Chủ tịch xã cho biết, với lợi thế về điều kiện chăn thả, nuôi trâu ở Phúc Thuận đang là hướng phát triển kinh tế hộ được ưu tiên. Khi nhu cầu sản phẩm thịt trâu ngày một cao trên thị trường, Dự án Chọn lọc, cải tạo và phát triển đàn trâu do Trạm Khuyến nông huyện triển khai đã mang lại hiệu quả rất lớn. Lãnh đạo địa phương cũng như các hộ tham gia chương trình đều mong muốn, Dự án sẽ có bước đi tiếp theo sau khi kết thúc vào năm 2009.

 

Về triển vọng đó, bà Nguyễn Thị Chín, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên, Chủ nhiệm dự án chọn lọc, cải tạo và phát triển đàn trâu) cho biết, đến nay, dự án đã tạo ra một đàn trâu chất lượng. Để duy trì hiệu quả, Trạm Khuyến nông đang xây dựng một chương trình nhằm phát triển và mở rộng Dự án trên một số địa bàn của huyện Phổ Yên.