Nhiều SV ĐH Nông lâm TP.HCM phải chạy ngược xuôi giữa trường và NH chính sách địa phương xin xác nhận vay tín dụng.
Việc chậm công bố mức vay vốn khiến nhiều sinh viên lao đao khi chọn trường học cho vừa sức.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) vừa có công văn đến các Sở GD-ĐT, học viện, các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước về việc “Triển khai tín dụng đối với HSSV năm học 2008-2009”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay công tác triển khai vay vốn còn một số hạn chế, bất cập, cần khắc phục để thực hiện tốt hơn chính sách tín dụng đối với HS-SV.
Mẫu giấy xác nhận: Mỗi nơi một kiểu!
Theo ông Trịnh Thanh Toàn, phụ trách chương trình vay vốn tín dụng sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM, mẫu giấy xác nhận vay vốn được trường áp dụng theo quy định của Bộ GD-ĐT, kèm theo giấy cam kết trả nợ. Nhưng một số địa phương như các huyện ở tỉnh Bình Định, Bến Tre... lại không chấp nhận mẫu giấy xác nhận này, đồng thời họ còn quy định theo một mẫu xác nhận khác của Ngân hàng Chính sách. “Điều đáng nói, mỗi địa phương làm một mẫu khác nhau, thông tin thì sơ sài, mơ hồ. Sinh viên phải năm lần bảy lượt chạy đi chạy lại xin làm xác nhận. Nhiều trường hợp quá nản nên bỏ luôn việc vay vốn” - ông Toàn nói.
Nguyễn Thị Tuyết Mai sinh viên năm thứ tư ngành công nghệ thông tin tại ĐH Nông lâm TP.HCM băn khoăn: “Em đem mẫu xác nhận của trường về địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày-Bến Tre không chấp nhận. Họ cấp mẫu mới và yêu cầu em về trường xác nhận lại. Vậy mẫu nào đúng?”.
Còn sinh viên Lê Thị Hạnh bức xúc: “Quy định của Bộ có ghi năm học của sinh viên nhưng Ngân hàng Chính sách huyện Đất Đỏ-Bà Rịa-Vũng Tàu thì cho là sai, rồi bắt em chạy ngược về trường xác nhận lại”.
Trước những bất cập về quy định mẫu giấy xác nhận, ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV (Bộ GD-ĐT) cho biết: ”Để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi tín dụng đối với HS-SV, trong năm học 2008, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành giấy xác nhận mới (mẫu 01/TDSV) thay thế mẫu xác nhận cũ. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường xác nhận cho HS-SV theo mẫu mới này”.
Mức vay cũng lạc hậu!
Trong những ngày này, không ít trường hợp thí sinh vừa trúng tuyển vào ĐH, CĐ đang phải tính toán phương án chọn lựa trường nhập học sao cho phù hợp với khả năng chi phí của gia đình.
Theo quy định hiện hành, Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn cho vay tối đa 800.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức vay này đã không còn phù hợp với các khoản chi phí của đời sống sinh viên hiện nay. Hiện có nhiều trường hợp tân sinh viên ngần ngại chọn trường nhập học do chưa biết được khả năng vay vốn học tập của mình để trang trải mức học phí cao.
Tại ĐH Hồng Bàng, tân sinh viên Trần Nhật Hồng, quê ở Nha Trang, Khánh Hòa, vào trường làm thủ tục nhập học đã bị “choáng” khi nghe thông báo học phí lên đến gần chục triệu đồng/năm học. Hồng cho biết: “Gia đình định cho em học ĐH vì hy vọng vào việc vay vốn của nhà nước. Nhưng nghe mức học phí quá cao so với mức vay tín dụng nên chắc em về học tại CĐ Sư phạm Nha Trang cho đỡ tốn chi phí”.
Được biết, mức vốn vay sẽ được nâng lên trong thời gian tới nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cụ thể về mức vốn vay mới. Tiến sĩ Nguyễn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Văn Lang đề nghị: “Bộ GD-ĐT sớm có chính sách quy định mức vay để những tân sinh viên có thể lo liệu trong việc chọn trường”.