Nguồn lực mới đầu tư cho giáo dục

07:39, 02/10/2009

Sau 2 năm thực hiện Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh, các công trình đưa vào sử dụng đã giải quyết được những bức xúc về tình trạng thiếu phòng học, nhà ở cho giáo viên. Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là nguồn vốn đầu tư

 

Mục tiêu của Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 (xin gọi tắt là Đề án) là nhằm xoá bỏ phòng học ca 3, phòng học tạm, giải quyết đủ nhà công vụ cho giáo viên (GV) chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn để GV yên tâm công tác. Theo Đề án, giai đoạn 2008-2012, Thái Nguyên được đầu tư xây dựng 2.519 phòng học và 37.416m2 nhà công vụ. Đề án đã được HĐND tỉnh cụ thể bằng Nghị quyết số 09/2008/NQ-HĐND ngày 05/05/2008. Theo đó kế hoạch thực hiện là: Năm 2008, thực hiện 10% kế hoạch; 2009 thực hiện 40% kế hoạch, năm 2010 thực hiện 30% kế hoạch và 2011 thực hiện nốt 20% kế hoạch còn lại, phấn đấu về trước kế hoạch 1 năm. Sau 2 năm thực hiện Đề án Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, nhiều địa phương đã triển khai theo đúng kế hoạch, các công trình đưa vào sử dụng đã giải quyết được những bức xúc về tình trạng thiếu phòng học, nhà ở cho giáo viên. Tuy nhiên, các địa phương cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư.

 

Có 2 chủ đầu tư thực hiện Đề án này là: Đối với các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) do Sở làm chủ đầu tư; các trường mầm non, tiểu học, THCS do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Năm 2008, tổng số phòng học được khởi công xây dựng của toàn tỉnh là 687 phòng, so với kế hoạch tỉnh giao 444 phòng, số phòng thực hiện vượt kế hoạch là 243 phòng. Cũng trong năm này, đã khởi công xây dựng là 249 phòng, tương đương 8.059m2 nhà công vụ, so với kế hoạch tỉnh giao vượt 67 phòng. Năm nay, theo mục tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra là khởi công 40% khối lượng của Đề án. Theo đó, năm 2009 khởi công 1.007 phòng học. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã và đang xây dựng được 510 phòng học, bằng 50,6% kế hoạch giao. Đối với nhà công vụ cho giáo viên cũng chỉ khởi công được 165 phòng, tương đương 5.943m2, đạt 39,7% kế hoạch giao. Như vậy, sau 2 năm thực hiện Đề án, số phòng học đã và đang xây dựng là 1.197 phòng, đạt 82,5% kế hoạch giao; tổng số phòng ở công vụ đã và đang xây dựng là 389 phòng, đạt 65% kế hoạch giao. Có thể nói, mặc dù tiến độ khởi công chung của toàn tỉnh tuy chưa đạt kế hoạch theo tinh thần của Nghị quyết của HĐND tỉnh, nhưng về tiến độ xây dựng và giải ngân của Thái Nguyên là 1 trong 13 tỉnh, thành của cả nước có kết quả cao nhất.

 

Rất nhiều địa phương đã có sự nỗ lực vượt bậc trong thực hiện Đề án, tiêu biểu là huyện Phổ Yên. Theo đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện: “Phổ Yên coi việc thực hiện tốt Đề án chính là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Về nguyên tắc xây dựng, ưu tiên đầu tư trước đối với những trường ở các xã thuộc vùng khó khăn trước. 2 năm qua, huyện Phổ Yên đã khởi công xây dựng 52% số phòng học và 40,66% kế hoạch xây dựng nhà công vụ theo đề án được phê duyệt. Kết quả đầu tư trên đã góp phần nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học của các cấp học trong toàn huyện. Trước khi thực hiện đề án, toàn huyện có 31 trường đạt chuẩn Quốc gia, đến nay con số này đã tăng lên 37 trường. Số phòng học được thay thế là 143 phòng, trong đó thay thế phòng học bán kiên cố đang xuống cấp nặng là 140 phòng và 3 phòng học tạm”.

 

Ngoài Phổ Yên, Phú Bình cũng được đánh giá cao về cách triển khai dự án, đặc biệt là trong công tác giám sát xây dựng. 2 năm qua, Phú Bình đã khởi công xây dựng 178 phòng học và 10 gian nhà công vụ cho GV. Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, UBND huyện đã thành lập Ban điều hành và Ban quản lý thực hiện Đề án. Phát huy tốt vai trò nòng cốt của Ban giám sát cộng đồng tại các địa phương có công trình đầu tư. Ban giám sát cộng đồng đã giám sát khá chặt chẽ nguyên vật liệu mà các nhà thầu đưa vào công trình, cũng như nghiệm thu theo giai đoạn, góp phần đảm bảo chất lượng công trình. Nhiều nhà thầu sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, kém chất lượng đã được các Ban giám sát cộng đồng kiên quyết không cho đưa vào thi công như: Nhà thầu xây dựng Trường tiểu học Kha Sơn lúc đầu sử dụng gạch chưa đảm bảo, Ban quản lý và giám sát kỹ thuật A và địa phương đã nhắc nhở, yêu cầu điều chỉnh đúng chủng loại theo quy định. Nhà thầu xây dựng Trường Mầm non Tân Hoà sử dụng một xe gạch không đạt loại 1, Ban quản lý, giám sát kỹ thuật A và Ban giám sát cộng đồng xã đã kiên quyết không chấp nhận và yêu cầu chuyển đi. Hay như nhà thầu xây dựng Trường THCS Trần Phú sử dụng phần thép không ở một số hố cột chưa đảm bảo đã được nhắc nhở kịp thời và điều chỉnh theo đúng thiết kế...

 

Tuy nhiên, qua gần 2 năm thực hiện Đề án vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần nhanh chóng khắc phục đó là: Tiến độ thực hiện theo Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh về xây dựng phòng học và nhà công vụ cho GV chưa đạt kế hoạch. Đáng lưu ý là nhu cầu xây dựng nhà công vụ cho GV ở các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn rất bức xúc nhưng một số huyện vẫn chưa tập trung chỉ đạo thực hiện. Cụ thể như huyện Võ Nhai mới khởi công xây dựng được 780m2/2.456m2, đạt 31,7%; huyện Đại Từ xây dựng 1.088m2/3.407m2, bằng 32% kế hoạch. Theo thống kê đến hết năm 2009, tất cả các công trình xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng có tổng giá trị xây lắp khoảng 400 tỷ đồng. Trong khi đó nguồn vốn hiện nay mới cân đối được 159 tỷ đồng (140, 127 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ và 19 tỷ đồng vốn đối ứng ngân sách địa phương). Như vậy, tỉnh sẽ nợ các nhà thầu xây dựng khoảng 240 tỷ đồng, sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng (chủ yếu trên địa bàn tỉnh) và việc triển khai kế hoạch năm 2010 sẽ trở nên lúng túng.Tại cuộc họp giao ban trực tuyến tổ chức ngày 25/9 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xem xét cho ứng vốn khoảng 30% so với dự kiến kế hoạch năm 2010 đối với những tỉnh đã triển khai xây dựng được 70% số phòng học so với kế hoạch năm 2008-2009 và có tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện năm 2008 đạt trên 95% và năm 2009 trên 80% so với vốn trái phiếu Chính phủ giao đợt 1. Với những tiêu chí trên thì Thái Nguyên hoàn toàn đủ điều kiện để được ứng vốn. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, các địa phương có được ứng vốn hay không vẫn còn chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thì phấn đấu đến năm 2010, toàn tỉnh có 50% số trường đạt chuẩn Quốc gia. Đến thời điểm này mới có 234 trường đạt chuẩn Quốc gia, bằng 36,56% kế hoạch. Theo đánh giá của ngành GD&ĐT, các trường chưa đạt chuẩn chủ yếu do thiếu cơ sở vật chất. Nếu địa phương nào trong tỉnh cũng xác định rõ mục tiêu như huyện Phổ Yên là coi thực hiện tốt Đề án là điểm mấu chốt đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia thì việc thực hiện Đề án sẽ tiến hành đúng tiến độ, mang lại hiệu quả thiết thực. Chúng tôi xin lấy lời đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Vượng tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 28/9 vừa qua thay cho lời kết của bài: “Trong khi điều kiện đất nước ta còn nghèo, nhưng Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến GD&ĐT. Bằng nguồn vốn vay của nhân dân thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nơi ăn chốn ở cho các thầy cô giáo ở vùng khó khăn. Vụ động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã cho chúng ta bài học nhãn tiền đó là các công trình của nhân dân hư hỏng rất ít, nhưng các trường học thì sập đổ rất nhiều. Tôi yêu cầu các ngành tham mưu cho tỉnh tổ chức triển khai tốt Đề án, cũng như tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát để công trình đảm bảo chất lượng. Đối với đơn vị chủ quản là Sở GD&ĐT, chỉ đạo các nhà trường quản lý và sử dụng thật tốt cơ sở vật chất đã được đầu tư nhằm phát huy hiệu quả trong giảng dạy và học tập. Năm 2010, UBND tỉnh tiếp tục ghi vào kế hoạch cân đối ngân sách đầu tư đối ứng thực hiện tốt Đề án, cũng như phát huy mọi nguồn lực ở các địa phương, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra”.