Tạo sự bình đẳng trong giáo dục

11:24, 03/11/2010

Giáo dục hòa nhập (GDHN) là phương thức giáo dục trong đó trẻ khuyết tật cùng học với trẻ bình thường trong lớp, trường phổ thông ngay tại nơi các em sinh sống theo chương trình chung được điều chỉnh đảm bảo điều kiện cần thiết để phát triển tốt nhất khả năng của trẻ. Tuy việc thực hiện chủ trương GDHN ở các nhà trường gặp không ít khó khăn do không có giáo viên đặc trách về vấn đề này...

Song, trong những năm qua, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tạo mọi điều kiện và cơ hội để trẻ khuyết tật được phát triển như mọi trẻ em bình thường khác.

 

Theo thống kê của Ngành, năm học 2009-2010, toàn tỉnh có 1.708 trẻ khuyết tật được học hòa nhập, đạt tỷ lệ 61,83% trong tổng số trẻ khuyết tật từ 6-14 tuổi. Để các trường thực hiện tốt nhiệm vụ GDHN, theo đồng chí Nguyễn Hà Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục & Đào tạo: “Hằng năm, vào đầu năm học, ngành đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở tiếp nhận trẻ khuyết tật vào học tại các nhà trường. Đồng thời, các phòng giáo dục phải báo cáo UBND cấp huyện để có sự chỉ đạo đối với cơ quan y tế địa phương giúp đỡ các nhà trường trong việc khám, phân loại tật cho trẻ, cũng như huy động nguồn lực hỗ trợ cho các nhà trường thực hiện nhiệm vụ GDHN trẻ khuyết tật. Đối với trẻ khuyết tật nặng, giáo viên chỉ cần lựa chọn một số môn học phù hợp với năng lực của các em để dạy. Các môn còn lại tổ chức cho các em tham gia và chỉ xem xét sự tiến bộ của học sinh. Tuyệt đối không được xem là ngồi “nhầm lớp” đối với đối tượng học sinh khuyết tật. Bên cạnh đó, trong những năm qua, ngành Giáo dục cũng phối hợp với Trung tâm Giáo dục khuyết tật thuộc Viện Khoa học Việt Nam tổ chức tập huấn những kiến thức sơ đẳng về đào tạo học sinh khuyết tật cho giáo viên cốt cán các nhà trường. Đồng thời, với vai trò là cơ sở giáo dục chuyên biệt trên địa bàn, Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh cũng đã bồi dưỡng cho giáo viên các nhà trường theo sự chỉ đạo của ngành Giáo dục, cũng như tư vấn cho các bậc phụ huynh học sinh về cách chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật.

 

Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Phó Hiệu trưởng Nhà trường: Là một đơn vị thực hành của Viện Chiến lược và phát triển chương trình giáo dục, cho Khoa giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được ngành Giáo dục giao nhiệm vụ, Trường trở thành trung tâm nguồn trong lĩnh vực giáo dục trẻ em khuyết tật. Riêng giai đoạn từ năm 1999-2003, Trường đã tổ chức được 12 lớp tập huấn cho gần 500 cán bộ quản lý, giáo viên các huyện, thành, thị trong tỉnh. Những năm gần đây, năm nào Nhà trường cũng tổ chức từ 2-3 lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên về những kiến thức mới trong giáo dục trẻ em khuyết tật hòa nhập.

 

Đến thăm lớp học cắt may, chúng tôi gặp lại 2 học sinh cũ khiếm thính của Trường là chị Nguyễn Thị Thủy, 37 tuổi ở phường Quán Triều và Nguyễn Thị Hậu, 40 tuổi ở phường Tân Long đang học theo chương trình GDHN. Theo cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà, chủ nhiệm lớp học nghề này bên cạnh dạy cho học sinh đang học chính khóa, Nhà trường thông báo cho các em học sinh cũ có nhu cầu học nghề đến học với mong muốn các em biết chuyên sâu 1 nghề để kiếm sống cho bản thân. Học ở đây, các em không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào. Được biết, cả Thủy và Hậu đều không có điều kiện để mở cửa hàng may riêng mà học về rồi nhận may gia công. Sau hơn 2 tháng học, Thủy và Hậu đã có thể may cơ bản và cắt được những bộ quần áo bình thường.

 

Như đã nói ở trên, ngoài những em khuyết tật nặng học tại cơ sở giáo dục chuyên biệt, thì toàn tỉnh còn hơn 3 nghìn em đang theo học hòa nhập tại các cấp học học, bậc học. Tại trường Tiểu học Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), năm học này có 6 học sinh học hòa nhập. Theo cô giáo Lê Thị Hoàng Thúy, Hiệu trưởng Nhà trường: Khi nhập học cũng có gia đình cho Nhà trường biết các dạng khuyết tật của con em mình, nhưng phần lớn các phụ huynh giấu, sau một thời gian dạy, các cô giáo thấy trẻ không tiếp thu được hoặc biểu hiện các dạng khuyết tật báo cáo Nhà trường mời cán bộ y tế về kiểm tra, phân loại tật để có biện pháp giáo dục phù hợp. Để quản lý tốt số học sinh này, cũng như có biện pháp giáo dục phù hợp, Nhà trường có sổ theo dõi học sinh học hòa nhập từng năm học. Tuy nhiên, những giáo viên phải đảm nhiệm các lớp có học sinh học hòa nhập gặp rất nhiều khó khăn.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Mai, chủ nhiệm lớp 3A và cô giáo Phạm Hồng Lam, chủ nhiệm lớp 3B (mỗi lớp đều có 1 học sinh học hòa nhập) cho rằng: Có lúc trong giờ học, học sinh lên cơn, ngất xỉu. Các em này tiếp thu rất chậm. Vì thế, các cô đều phải tranh thủ 15 phút đầu giờ hoặc lúc ra chơi, thậm chí cả thứ 7, chủ nhật để dạy cho các em. Nhưng các cô không được hưởng chế độ hỗ trợ nào từ việc kem thêm cho các học sinh này. Khá nhiều học sinh học hòa nhập bị lưu ban nhiều năm. Song nhà trường không tính đối tượng này vào chỉ tiêu thi đua của giáo viên.

 

Có thể khẳng định chủ trương GDHN mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm tạo sự công bằng và bình đẳng để mọi trẻ em đều được đến trường, được học hành, quan tâm, chăm sóc, vui chơi, phát triển như những đứa trẻ bình thường khác. Cũng thông qua GDHN, rất nhiều học sinh khuyết tật ngoài học văn hóa, các em còn học được nghề phù hợp để tạo dựng cuộc sống cho mình sau này.