Khó khăn trong triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục quốc dân

17:27, 22/09/2013

(TN) - Mục tiêu của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" là triển khai dạy chương trình tiếng Anh 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến hết THPT. Năm học 2012-2013, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai thực hiện thí điểm ở 3 trường THCS, năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT có kế hoạch triển khai tiếp cho 4 trường THCS và 3 trường THPT. Tuy nhiên, việc này không thực hiện được theo lộ trình đề ra …

Để tổ chức giảng dạy, học tập môn tiếng Anh theo lộ trình của Đề án thì phải có ba yếu tố bắt buộc, trong đó hai yếu tố quyết định là đội ngũ giáo viên (GV) phải đạt chuẩn về trình độ và học sinh (HS) phải có năng lực tiếng Anh nhất định theo từng cấp học. Về đội ngũ, mặc dù ngành Giáo dục đã rất nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng GV đạt chuẩn để tổ chức dạy học theo đúng lộ trình đề ra, song việc này vẫn chưa thực hiện được. Từ năm 2011 đến nay, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên và các đơn vị đào tạo khác tổ chức tập huấn ngắn hạn, dài hạn, cử GV đi du học nước ngoài… được trên 900 lượt cán bộ, GV. Qua mỗi đợt học tập đều tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực GV. Tuy nhiên số GV đạt chuẩn để dạy ở các cấp học, bậc học rất thấp.

Cụ thể, năm 2011 qua khảo sát năng lực tiếng Anh theo Chương trình First Certificate in English (FCE) của Cambridge University trong số 54 GV tiểu học, chỉ có 4 người đạt trình độ B1; 30 GV THCS có 8 người đạt trình độ B1 và 2 người đạt trình độ B2. Năm 2012, trong số 82 học viên tham gia thi chỉ có duy nhất 1 GV THCS đạt B2 đủ điểm để dạy cấp học hiện nay đang đảm nhiệm; 1 GV THPT đủ điểm dạy cấp THCS và 3 GV THPT đạt điểm số để dạy cấp tiểu học. Với GV tiếng Anh dạy các trường THPT phải đạt trình độ tương đương bậc 5 (C1), nhưng hiện nay chưa có GV nào đạt trình độ này ở cấp THPT. Vì thế, mặc dù theo lộ trình năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT đưa 3 trường THPT là Chuyên Thái Nguyên, Chu Văn An và Lương Ngọc Quyến vào lộ trình dạy tiếng Anh từ lớp 10 theo Đề án, song không triển khai được do chưa có GV đạt chuẩn để tổ chức giảng dạy, các trường này vẫn phải dạy tiếng Anh theo chương trình hiện hành.


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đội ngũ GV tiếng Anh chưa đạt chuẩn là do phần lớn được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau (giáo viên dạy tiếng Nga sau đó đi học chuyển sang dạy tiếng Anh; học qua các lớp đào tạo liên kết với Đại học mở; Đại học tại chức; Đại học Sư phạm chính quy chuyên ngành tiếng Anh...). Chất lượng đội ngũ không đồng đều giữa các vùng miền. Có tới 2/3 số giáo viên tiếng Anh học hệ cao đẳng, đại học không chính quy. Qua khảo sát của các đơn vị phối hợp với ngành Giáo dục để bồi dưỡng, tập huấn GV thì trong 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết thì GV yếu nhất là 2 kỹ năng nghe và nói. Cô giáo Ngô Thị Tuyết Anh, Trường THCS Chùa Hang 1 cho biết: "Tôi học hệ đại học tại chức tập trung, sau đó có học thêm chứng chỉ Apollo. Trong quá trình học chúng tôi được đào tạo theo chuẩn ra của Việt Nam và ra trường cũng dạy theo chuẩn đọc, viết là chính, ít có cơ hội được tiếp xúc với người bản xứ, bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Vì thế, kỹ năng nghe, nói kém là tất yếu và không dễ gì khắc phục trong thời gian ngắn".


Ngoài khó khăn về đội ngũ giáo viên, thì chất lượng HS cũng là một vấn đề đáng bàn. Trường THCS Chùa Hang 1 là một trong bốn trường THCS của tỉnh được đưa vào lộ trình dạy tiếng Anh ở lớp 6 năm học 2013-2014. Tuy nhiên, năm học này Trường không thể thực hiện được kế hoạch vì chất lượng HS không đảm bảo để tổ chức dạy học. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: "Trường có 2 giáo viên (GV) đã được Sở GD & ĐT bồi dưỡng và kết quả thi một cô đạt trình độ theo yêu cầu tối thiểu tương đương bậc 4 (B2) Khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ chung Châu Âu (CEFT) đủ tiêu chuẩn để dạy theo chương trình Đề án. Tuy nhiên, để tổ chức dạy học được theo chương trình mới thì HS phải đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu, tương đương bậc 1 (A1) thì HS của trường không đáp ứng được. Năm học này, Trường có 3 lớp 6, 118 HS, chúng tôi đã chọn ra 90 em có học lực khá hơn để khảo sát năng lực tiếng Anh thông qua 2 bài thi nghe và đọc, viết, song cũng chỉ có 4 em đạt 6,5 điểm, số còn lại điểm rất thấp. Với số HS ít ỏi trên chúng tôi không thể tổ chức lớp  dạy học được". Các trường THCS Hùng Sơn và thị trấn Đại Từ cũng nằm trong tình trạng trên. Kết quả khảo sát, mỗi trường chỉ có 4 HS đủ trình độ tối thiểu để tổ chức dạy học tiếng Anh theo chương trình mới, nên các trường cũng lực bất tòng tâm mặc dù đã có GV đạt trình độ theo yêu cầu để giảng dạy. Qua khảo sát của 4 trường THCS nêu trên, chỉ có duy nhất Trường THCS Chu Văn An chọn được 3 lớp để dạy theo chương trình.

Trao đổi với cán bộ quản lý một số trường THCS chúng tôi được biết, bộ môn tiếng Anh là môn học tự chọn ở cấp tiểu học do phụ huynh có nhu cầu thì đóng tiền để nhà trường hợp đồng giáo viên dạy. Vì là môn tự chọn nên bản thân nhà trường, phụ huynh cũng chưa chú trọng quan tâm, vì thế, chất lượng vẫn còn nhiều vấn đề.


Để thực hiện được kế hoạch dạy tiếng Anh theo Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" như lộ trình, giải pháp mà ngành Giáo dục đề ra trước mắt cũng như lâu dài chính là phải tiếp tục đào tạo lại, bồi dưỡng cho đội ngũ GV tiếng Anh hiện có cũng như xây dựng cơ chế tuyển dụng được đội ngũ GV tiếng Anh đạt chuẩn theo yêu cầu đề ra. Trên cơ sở nắm chắc thực trạng, hàng năm Sở xây dựng kế hoạch đào tạo lại, cũng như tạo điều kiện để những GV tiếng Anh có nhu cầu đi học nâng chuẩn theo các lớp học nâng cao. Bản thân mỗi cán bộ, GV dạy tiếng Anh ở các cấp học, bậc học cần thay đổi nhận thức để việc tự học, tự bồi dưỡng và đổi mới phương pháp giảng dạy. Coi việc học tập, trau dồi không chỉ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc mà còn là nhu cầu tự thân của mỗi người trong sự vận động phát triển không ngừng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Theo Quyết định 149/QĐ-UBND ngày 8-2-2012 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Quyết định số 1400 của Chính phủ thì: sau 4 năm kể từ ngày ban hành kế hoạch dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, GV đã tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nhưng vẫn không đạt yêu cầu thì cấp có thẩm quyền sắp xếp, bố trí cho làm việc khác; nếu không sắp xếp, bố trí được thì giải quyết theo quy định hiện hành.