Chơi mà học với phương pháp Montessori

07:58, 07/09/2017

Đó chính là phương pháp giáo dục mầm non khoa học, hiện đang được Trường Mầm non Hoa Tuổi Thơ (tổ 10, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) áp dụng. Theo đó, thay vì phải thụ động tiếp nhận những gì cô giáo truyền dạy, trẻ hoàn toàn tự do lựa chọn bài học đã được chia thành các góc trong lớp. Cô giáo sẽ là người quan sát, định hướng cho trẻ tự tiếp nhận kiến thức.

Montessori là phương pháp giáo dục trẻ em học tập thông qua các giáo cụ trực quan. Trẻ sẽ là trung tâm, còn giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn. Phương pháp này được sáng lập bởi nhà giáo dục, bác sĩ người Ý Maria Montessori (1870-1952). Đến nay, đã có rất nhiều trường ở các nước trên thế giới như: Mỹ, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản… áp dụng. Các chương trình dạy sẽ được phát triển dựa vào khả năng lĩnh hội của mỗi trẻ. Trước khi vào giờ học, dựa vào sự quan sát hoạt động mỗi ngày, giáo viên thiết kế bài học, chuẩn bị môi trường linh hoạt theo trình độ riêng của từng trẻ. Theo chuẩn của Hiệp hội Montessori thế giới, mỗi lớp chỉ có tối đa 25 trẻ và 3 cô giáo phụ trách. Đặc biệt, các lớp học luôn ghép theo từng độ tuổi (từ 0-3 tuổi, 3-6 tuổi, 6-12 tuổi). Vì thế, trong các buổi học, các cô sẽ định hướng cho trẻ chủ động lựa chọn giáo cụ hợp với từng khả năng, lứa tuổi.

Vào 9 giờ sáng hàng ngày, bé Đặng Khánh Đan (3 tuổi, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) cùng các bạn bắt đầu những bài học theo chương trình Montessori. Ba mươi phút đầu tiên là thời gian học nhóm. Theo sự chỉ dẫn của cô giáo, Khánh Đan và các bạn nhanh chóng cùng nhau bê bàn tròn gỗ ra giữa lớp học, ngồi ngay ngắn xung quanh, chăm chú nghe cô giáo trò chuyện các kiến thức về địa lý, lịch sử, văn hóa... Từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ là giờ học cá nhân. Bé Khánh Đan tỏ ra rất thích thú với phần học này vì sẽ được tự do khám phá tất cả các đồ dùng trong lớp. Đam mê Toán nên góc đầu tiên bé lựa chọn đó là giá có các giáo cụ về Toán học. Tuy nhiên, trước khi lấy đồ, bé đã lấy một tấm thảm nhỏ trải xuống đất, rồi mới đặt giáo cụ lên như lời cô giáo chỉ dạy, để không bị dính bụi bẩn. Sau khi hoàn thành xong bài học về lĩnh vực Toán học, bé lại chủ động cất đồ dùng ngay ngắn về chỗ cũ, rồi lại tiếp tục đến các góc khác để lựa chọn các bài học mới.

Cô Tường Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Tuổi Thơ cho biết: Lớp học theo phương pháp Montessori được tổ chức đặc biệt để đảm bảo phù hợp khả năng, tính cách của mỗi trẻ. Chúng tôi bố trí lớp học gồm nhiều góc: Toán học, Sinh học, Giác quan, Ngôn ngữ, Văn hóa, Kỹ năng. Tại mỗi góc, chúng tôi sẽ chuẩn bị các giáo cụ đẹp mắt, mang tính chuyên biệt để khơi gợi sự tò mò, khám phá, từ đó, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Ví dụ, tại góc Kỹ năng, có các giáo cụ để trẻ thực hành các hoạt động như: câu cá, đánh răng, nấu ăn, chia hạt, cài khuy áo, buộc dây giầy… Hoặc tại góc Giác quan, trẻ sẽ được học cách phân biệt độ nông sâu bằng các khối trụ có núm, không có núm; nhận biết mùi vị qua bộ nếm và bộ ngửi… Các bé hoàn toàn chủ động chọn khu vực học và theo đuổi hứng thú của mình đến khi trẻ muốn đổi qua hoạt động khác.

Cô giáo Võ Thị Huyền Trang, phụ trách lớp Montessori 3-6 tuổi cho biết:   Mỗi ngày đến lớp, trẻ được học phương pháp này trong vòng 2 tiếng vào buổi sáng. Giáo viên chỉ đứng theo dõi quá trình thay đổi nhận thức của trẻ, để có sự định hướng phát triển cho phù hợp. Và trẻ sẽ được hướng dẫn tự lập trong mọi hoạt động như: bắt đầu học phải tự bê bàn, trải thảm; học xong phải dọn dẹp, cất vào đúng chỗ đã lấy ra; trước khi ăn phải tự gấp khăn, xếp bát và tự xúc ăn.

Khác với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp giáo dục Montessori chú trọng đặc biệt đến tính chủ động, tự lập và khơi gợi tiềm năng, định hình nhân cách trẻ. Qua đó, các kỹ năng sống được hoàn thiện, để trẻ tự biết cách chăm sóc bản thân và giúp đỡ những người xung quanh. Đồng thời, tăng khả năng nhớ và tiếp thu nhanh kiến thức khi được tự tìm tòi, tiếp xúc trực tiếp với các giáo cụ trực quan. Chị Bùi Thị Xuân, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên, là mẹ của bé Khánh Đan cho biết: Chỉ mới sau 1 tháng học theo phương pháp Montessori, bé đã có sự thay đổi đáng kể về nhận thức. Ở nhà, sau khi chơi xong, cháu đã biết cất dọn đồ chơi vào chỗ quy định. Đến bữa ăn cơm, cháu tự xúc ăn, không làm nũng mẹ như trước nữa. Ngoài ra, cháu đã nhớ được các số đếm từ 1 đến 10 và làm các phép cộng trong phạm vi 10.

Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên, ngoài Trường Mầm non Hoa Tuổi Thơ thì còn có Trường Mầm non Sao Mai, Trường Mầm non DPA... cũng đang chuẩn bị thử nghiệm mở các lớp học theo phương pháp Montessori. Thực tế cho thấy, giáo dục mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc định hình, phát triển nhân cách cho trẻ. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp giáo dục trong các trường mầm non để phát huy hết tiềm năng của trẻ ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết hiện nay và trong tương lai.



Shop cơ bi a uy tínTường thuật xổ số miền bắc siêu nhanhCách viết bài luận xin học bổng