Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, đạo đức và lịch sử địa phương

10:50, 08/11/2017

Giáo dục lý luận chính trị, giáo dục công dân, đạo đức và các môn lịch sử địa phương là một môn học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hệ thống các môn khoa học xã hội, bởi chúng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết, góp phần hình thành, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh con người. Xác định tầm quan trọng đó, các địa phương, nhà trường trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị, giáo dục công dân, đạo đức và lịch sử địa phương.

Thực tế một tiết giảng lịch sử địa phương bài “Thái Nguyên từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV” của cô và trò lớp 7A2, Trường THCS Độc Lập T.P Thái Nguyên chúng tôi nhận thấy các em rất hào hứng. Mở đầu tiết học, học sinh được xem một đoạn video ngắn về Di tích lịch sử đền Đuổm giúp các em nhớ lại sự kiện lịch sử mà bài học đề cập đến. Tiếp đến, thay vì cô giáo truyền đạt một chiều, lớp học được chia theo 2 nhóm và các em đã có sự chuẩn bị kiến thức từ trước để trình bày tại tiết học. Nhóm thứ nhất trình bày hiểu biết về Dương Tự Minh và công lao của ông đối với quê hương, dân tộc; nhóm thứ hai trình bày về lễ hội Đền Đuổm và sự thay đổi địa danh Thái Nguyên thời Lý - Trần, công lao của nhân dân Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống quân Tống và Nguyên Mông xâm lược. Thông qua hoạt động nhóm giúp học sinh tự tìm hiểu, khắc sâu kiến thức, đặc biệt rèn cho các em kỹ năng quan sát, miêu tả lịch sử, nhận xét nhân vật lịch sử. Về kiến thức, các em nắm được những nét cơ bản về tiểu sử của Dương Tự Minh và công lao to lớn của ông đối với quê hương, dân tộc; biết được vị trí, thời gian, kiến trúc đền Đuổm cũng như nghi lễ, trò chơi, văn nghệ dân dan tổ chức tại lễ hội đền Đuổm hằng năm.

Từ tiết học của lớp 7A2 cho thấy việc lồng ghép kiến thức lịch sử địa phương được đội ngũ giáo viên đặc biệt quan tâm thông qua các bài giảng tích hợp, liên môn. Thông qua những tiết học như thế này, lịch sử địa phương trở thành kiến thức cầu nối mang tính thực tiễn và có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Anh, trực tiếp dạy tiết học này cho biết: Để tiết giảng hiệu quả, giáo viên phải chọn ra những hoạt động nhóm phù hợp với năng lực của các em. Và thậm chí nếu nguồn tư liệu ít thì bản thân giáo viên phải là người định hướng, kiểm chứng, giúp các em có những bài viết tốt và nhận xét trong quá trình học sinh chuẩn bị nhiều thì mới có tiết học hay được.

Tham dự một tiết học về chủ đề đường lối cách mạng của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược 1965-1975 của Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính Thái Nguyên, thuộc các môn lý luận chính trị nhưng lại chứa đựng nhiều kiến thức lịch sử. Với hệ thống từ ngữ chuyên ngành nên để tạo sự hứng thú, tích cực cho sinh viên, giảng viên đã sử dụng phương thức lấy người học làm trung tâm.Theo giảng viên Phan Thị Thu Trang: Trong quá trình giảng dạy giáo viên luôn luôn cho các em hoạt động theo nhóm, phát biểu, phát huy khả năng lập luận, suy nghĩ, trao đổi lẫn nhau giúp các em tự tin hơn, cũng như tự mình tìm ra lý giải cuối cùng thì các em sẽ khắc sâu ghi nhớ hơn là nghe một phía từ cô giáo truyền đạt.

Còn đối với Giáo dục công dân, môn học đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi được đưa vào là 1 trong 3 môn thi của tổ hợp khoa học xã hội tại kỳ thi quốc gia THPT năm 2017. Theo cô giáo Nguyễn Thị Luyến, Trường THPT Gang thép: Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả tiết học, giáo viên có thể sử dụng phương pháp phát vấn thông qua việc đặt những câu hỏi mang tính thăm dò, đánh giá, đòi hỏi học sinh phân tích tổng hợp, đồng thời tăng thời gian thảo luận nhóm, tính phản biện trong các giờ giảng nhằm tạo sự chủ động, hứng thú, tích cực trong học sinh. Có thể cho học sinh thảo luận theo nhóm hoặc ra bài tập về nhà, cũng như đưa những chuyên đề nào đó để học sinh chuẩn bị về nội dung kiến thức trước để có thể trình bày trên lớp học. Theo học sinh Nguyễn Thị Minh, lớp 12A9, Trường THPT Gang thép: Khi thầy cô giáo giao bài tập về nhà để chuẩn bị cho tiết học sau, chúng em thường chuẩn bị theo nhóm hoặc cá nhân, sau đó tổng hợp lại để trình bày trước lớp hoặc để trình bày cho nội dung bài học ngày hôm đó.

Có thể nói trong giai đoạn hiện nay, trước những tác động của công nghệ thông tin và mặt trái của nền kinh tế thị trường thì việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị, giáo dục công dân, đạo đức và lịch sử địa phương là hết sức cần thiết, góp phần quan trọng trong định hướng tư tưởng, nhân cách và lối sống của các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Hà Minh Lợi, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị, giáo dục công dân, đạo đức và lịch sử địa phương. Mỗi thầy cô giáo ngoài việc có kiến thức sâu, phương pháp tốt, thì phải thực sự là một tấm gương để học sinh, sinh viên noi theo. Đối với người học cần có định hướng để có ý thức, trách nhiệm trong việc học tập. Còn đối với tài liệu giảng dạy, các cơ quan quản lý giáo dục phải quan tâm thường xuyên trang bị, hướng dẫn, để các nhà trường đưa vào giảng dạy kịp thời.

Việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị, giáo dục công dân, đạo đức và lịch sử địa phương ở các trường học trong giai đoạn hiện nay chính là sự cụ thể hóa thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 10/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”.