Định Hóa: Nỗi lo thiếu và xuống cấp phòng học

08:40, 03/12/2017

Thiếu phòng học, học sinh phải học nhờ nhà văn hóa xóm, học luân phiên… là tình trạng mà nhiều trường học trên địa bàn huyện Định Hóa đang gặp phải. Không chỉ vậy, cơ sở vật chất của các trường còn đang bị xuống cấp, gây khó khăn cho việc dạy và của học sinh, giáo viên các nhà trường.

Tính đến tháng 11-2017, huyện Định Hóa có 71 trường thuộc sự quản lý của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Định Hóa, với 857 phòng học (khối mầm non là 218 phòng, khối tiểu học là 389 phòng và khối THCS là 250 phòng). Trong đó, 201 phòng học đã bị xuống cấp; 25 phòng học nhờ và 1 phòng phải bố trí học 2 ca (học luân phiên). Chúng tôi đến Trường Tiểu học xã Linh Thông để tìm hiểu về vấn đề này. Đây là trường tiểu học duy nhất trên địa bàn huyện đến nay chưa được công nhận trường chuẩn Quốc gia do cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Trường hiện có 204 học sinh với 10 phòng học cấp bốn, xây dựng từ năm 2003. Quan sát bên trong các phòng học, chúng tôi thấy nhiều mặt tường đã bị bong tróc, vách tường rạn nứt, trần nhà bị thấm dột, ố vàng và rêu mốc. Đáng nói, trong các phòng học đã xuống cấp có 4 phòng nằm dưới chân taluy đồi cao 10m.

Cô Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Nhà trường nói: Hiện có 90 học sinh vẫn phải học trong 4 lớp học không đảm bảo an toàn, bởi taluy đồi phía sau có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Nhưng nếu đóng cửa các phòng này, chúng tôi buộc phải học thành 2 ca hoặc đi học nhờ nhà văn hóa xóm. Tỉnh cũng đã có chủ trương đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống kè đá taluy phía sau Nhà trường, sẽ hoàn thiện trước năm học mới, nhưng đến nay, dự án đã chậm tiến độ gần 3 tháng. Chúng tôi rất mong tỉnh tiếp tục quan tâm, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để thầy, trò Nhà trường yên tâm dạy và học.

Trường Tiểu học Trung Lương (xã Trung Lương) cũng đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu phòng học. Hiện, tại điểm trường xóm Hồng Lương có 4 lớp nhưng chỉ có 3 phòng học, vì thế, học sinh phải học theo hình thức luân phiên. Cô giáo Đinh Thị Lá, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 giọng buồn rầu nói: Học sinh chỉ được học 5-7 buổi/tuần, trong khi nếu đủ phòng sẽ được học 10 buổi/tuần. Vì thế, số buổi học chỉ đáp ứng đủ cho các bài học mới mà không có thêm tiết ôn luyện. Ngoài ra, trường không có phòng chờ cho giáo viên khiến nhiều thầy, cô phải đứng chờ ngoài lớp học hoặc nhà xe khi chưa đến giờ dạy. Lịch học trái buổi giữa các lớp còn ảnh hưởng đến việc đưa đón của phụ huynh. Đối với điểm trường trung tâm, còn thiếu các phòng học ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc. Để khắc phục, Nhà trường đã bố trí cho học sinh học tại những phòng học cấp bốn được xây dựng từ năm 1990.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lương cho biết: Tỷ lệ học sinh của Trường Tiểu học Trung Lương là con hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 60% nên công tác xã hội hóa giáo dục rất khó khăn. Trong khi địa phương còn hạn chế kinh phí nên nhiều năm qua, Trường chưa thể khắc phục được tình trạng thiếu phòng học.

Tương tự tại Trường Tiểu học Phượng Tiến (xã Phượng Tiến) hiện cũng có 4 lớp đang phải học cố định tại các phòng tạm bợ, được xây dựng cách đây hàng chục năm. Nền phòng học hầu hết đã bị lún, nứt; tường bong tróc, bảng đen, bàn ghế, cửa lớp học đều đã cũ kỹ, một lớp  phải học nhờ Nhà văn hóa xóm Hợp Thành. Để có phòng học Tiếng Anh, Tin học, Nhà trường phải ghép lớp học với các phòng chức năng, nên rất chật chội và bất tiện. Hiện nay, trên địa bàn huyên còn có 9 phòng học của khối tiểu học, trung học và 16 phòng học của khối mầm non cũng đang phải học nhờ các phòng chức năng như vậy.

Giải thích với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cương, Phó Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện nói: Khó khăn lớn nhất của huyện là thiếu nguồn kinh phí. Với số trường học bị xuống cấp như hiện nay, mỗi năm huyện cần khoảng 40 tỷ đồng để phục vụ cho công tác sửa chữa, bổ sung các hạng mục trường lớp. Về giải pháp, trong thời gian từ 2016-2020, UBND huyện xây dựng kế hoạch đầu tư 60 dự án công trình cho các trường với tổng nhu cầu vốn trên 126 tỷ đồng. Tuy nhiên, hằng năm, nguồn kinh phí của huyện mới chỉ đáp ứng khoảng 30% để thực hiện; bởi thế để đảm bảo công tác này huyện vẫn phảỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương và các tổ chức từ thiện…