Rời bục giảng nhà trường về nghỉ hưu hoặc làm nhà nông, nhưng các thầy, cô giáo vẫn luôn giữ được phẩm chất cao quý của nhà giáo, được nhân dân tin yêu, không ít nhà giáo được tín nhiệm đề cử đảm nhận công việc xã hội tại địa phương. Với những kinh nghiệm từ quá trình hoạt động giáo dục, họ đã và đang góp phần quan trọng vào sự đổi thay của địa phương. Trong khuôn khổ loạt bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về những tấm gương cựu giáo chức ở hai địa phương điển hình là: Đại Từ và Phú Bình.
Bà Dương Thị Hiền, xóm Trại Cọ, xã Mỹ Yên (Đại Từ) về làm giáo viên tại xã Mỹ Yên từ những năm 1975-1976. Khi đó là giáo viên trẻ, đến nhận công tác mà cả xã chưa có đủ phòng học. Nhóm giáo viên trẻ lứa bà Hiền đã cùng phụ huynh học sinh phát cây, san đồi, đắp nền dựng lớp đón trẻ vào học mẫu giáo và làm quen chữ viết, tập đánh vần lớp vỡ lòng. Bà Hiền nhớ lại: Điều kiện khó khăn, tất cả mọi việc đều phải tự chủ động khắc phục. Hai bàn tay nhiều lúc phồng rộp vì san đất, chặt cây, nhưng mỗi sớm đón học sinh đến lớp, nghe tiếng nói cười trong trẻo của trẻ thơ mà ai cũng thấy vui, quên đi vất vả. Lứa này nối tiếp lứa khác, đám trẻ ngày ấy giờ đã thành đạt và ai cũng nhớ về lớp học đồng ấu dưới chân núi Tam Đảo...
Rời công việc đứng lớp, không còn làm cô giáo dạy trẻ đã tròn 30 năm và nay đã bước sang tuổi 61, nhưng bà Hiền vẫn luôn được bà con trong xã trìu mến gọi là bà giáo Hiền. Luôn gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động, nhất là góp công sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương, bà được nhân dân tin yêu, kính trọng. Năm 2012, khi địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, bên cạnh các nguồn lực Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp… xã miền núi như Mỹ Yên còn thiếu thốn rất nhiều. Khó nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. “Ngày nào tôi cũng thấy đám trẻ thơ phải men theo triền núi, bờ ruộng và lội mấy lần qua con suối Cái quanh co mới đến được lớp học, tôi thật sự thấy thương. Khi quy hoạch đường mở qua gần nhà, không đắn đo nhiều, gia đình tôi cắt liền hơn 400m2 đất để mở rộng đường, vừa là để học sinh đến trường thuận tiện và để thông thương phát triển kinh tế - xã hội vùng chân núi Tam Đảo”. Bà Hiền giải thích về việc hiến đất làm đường ở địa phương của mình.
Còn với bà giáo Dưỡng (Đặng Thị Dưỡng) ở xóm Lò Gạch thì chia sẻ: “Tôi nghĩ, cho đi là còn mãi, cái còn lại là lòng tốt ở trong tâm trí mọi người. Thấy trẻ em mỗi khi vượt suối Cái đến trường mà thương, nhất là vào mùa lũ. Tôi đã dành cả số tiền tiết kiệm 20 triệu đồng của mình hỗ trợ xã đổ bê tông làm cầu tràn cho các phương tiện đi lại dễ dàng và xóm nghèo heo hút cũng được thông thương với các tuyến đường lớn”.
Bà Trần Thị Năm, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Mỹ Yên hào hứng nói về phong trào cựu giáo chức địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới: “Giáo chức vốn nghèo, chỉ có lương là thu nhập chính, nhưng gắn bó với địa phương vài chục năm rồi, nên chúng tôi hiểu rõ điều kiện kinh tế và nhận thức sâu sắc về sức mạnh quần chúng, nhất là huy động sức dân. Những năm chiến tranh, nhân dân cũng đã gom gạo, công sức để đùm bọc và cùng xây dựng sự nghiệp giáo dục. Nay trước yêu cầu đổi mới, chúng tôi luôn sẵn lòng ủng hộ các phong trào xây dựng quê hương, với mong muốn giúp người dân thoát nghèo, cho cuộc sống tốt đẹp hơn”. Được biết, Hội cựu Giáo chức xã Mỹ Yên có 78 hội viên, trong đó có những hội viên như: bà Đặng Thị Mười, xóm Đầm Ghềnh đã hiến trên 2.000m2 đất đồi, vườn; các bà Nguyễn Thị Thùy hiến trên 345m2 đất, Cao Thị Anh, hiến trên 560m2 đất để thông tuyến giao thông liên xã Mỹ Yên - Lục ba, Mỹ Yên - Hoàng Nông… Tâm huyết với sự nghiệp trồng người, với sự phát triển của địa phương, cựu giáo chức xã luôn được nhân dân tin tưởng tuyệt đối. Trong 5 năm trở lại đây (2012-2017) hầu hết hội viên Cựu giáo chức xã được nhân dân tín nhiệm đề cử tham gia làm công tác xã hội ở các thôn, xóm, làm bí thư các chi bộ, trưởng xóm và các tổ chức chính trị ở cơ sở. Như lời bà Dương Thị Hiền tâm sự: “Chúng tôi dành hết tâm, đức cho hoạt động xã hội, cùng nhân dân thực hiện tốt những điều hay, lẽ phải. Chừng nào người dân còn tín nhiệm, chúng tôi còn sức khỏe thì sẵn sàng đồng hành phục vụ nhân dân”.
Theo nhà giáo Nguyễn Anh Từ, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ: Toàn huyện hiện có gần 1.000 hội viên tham gia sinh hoạt Hội Cựu giáo chức và 100% các xã, thị trấn đều có tổ chức Hội. Đặc biệt, hội viên luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở, là hạt nhân tích cực và là chỗ dựa tin cậy để tập hợp quần chúng, nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị.
(Còn nữa)