Nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương, những năm qua, các cấp học, bậc học trong toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, thực hiện dạy học tích hợp, lồng ghép, kết hợp với các hoạt động giáo dục ngoài giờ, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Nội dung giáo dục lịch sử địa phương đã được cán bộ, giáo viên, học sinh đón nhận tích cực, tạo nên một không khí dạy học hết sức sinh động. Tiêu biểu trong công tác này phải kể đến Trường THCS Quang Trung T.P Thái Nguyên.
Lịch sử địa phương là một bộ phận cấu thành của lịch sử dân tộc. Dạy và học lịch sử địa phương giúp học sinh hiểu về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra và lớn lên, hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống... Vì thế, căn cứ vào tổng thể chương trình, ngoài những tiết giảng quy định cứng về lịch sử địa phương, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn khoa học xã hội lựa chọn các bài giảng phù hợp để lồng ghép nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy. Nội dung Bộ tài liệu lịch sử địa phương đã được giáo viên các môn khoa học xã hội tích hợp được những nội dung cơ bản nhất về giá trị văn hóa của địa phương, đồng thời đảm bảo sự ngắn gọn, khúc chiết giúp học sinh dễ tiếp thu. Cùng với giảng dạy trên lớp, Trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề lịch sử để học sinh chủ động sáng tạo dàn dựng thành các tiểu phẩm, kịch, vở diễn theo hình thức sân khấu hóa.
Bên cạnh đó, Nhà trường tổ chức cho học sinh các khối đi ngoại khóa các điểm di tích trong và ngoài tỉnh như: Đền thờ Đội Cấn, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng lực lượng vũ trang Quân khu I, Văn miếu Quốc Tử Giám, Đền thờ Chu Văn An, Khu di tích Côn sơn Kiếp bạc là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang; Đền Đô - Nơi đây thờ 8 vị vua nhà Lý đó là: Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028); Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1128); Lý Thần Tông (1128-1138); Lý Anh Tông (1138-1175); Lý Cao Tông (1175-1210) và Lý Huệ Tông (1210-1224)… Qua những buổi ngoại khóa, học sinh sẽ viết thu hoạch về kết quả chuyến đi, có rất nhiều bài viết sâu sắc từ chính sự tìm hiểu, cảm nhận của các em đã được nhà trường cho đóng quyển để tại Thư viện là nguồn tư liệu quý cho các em học sinh khóa sau” cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ.
Trực tiếp giảng dạy môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Bắc, Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội cho chúng tôi biết thêm: Học sinh ngại học môn Lịch sử có nhiều nguyên nhân, đó là môn học này khô khan. Các dữ liệu ngày/tháng/năm và nội dung dễ gây cảm giác buồn ngủ cho người nghe. Quá trình lịch sử Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung rất dài. Thật khó để thuộc nằm lòng ngần ấy thông tin, bởi não chúng ta còn phải dung nạp vô số kiến thức của những môn học khác. Bên cạnh đó, cũng do cơ hội để sau này tìm kiếm việc làm từ bộ môn này còn hạn chế, bản thân nhiều phụ huynh học sinh không muốn con em mình chuyên sâu học về lịch sử. Trước thực trạng học sinh có sự nhận thức, hiểu biết về văn hóa, lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương ngày càng hạn chế, thì việc đưa chương trình giáo dục lịch sử địa phương vào trong trường học là điều rất cần thiết. Chúng tôi luôn xác định việc giảng dạy Lịch sử địa phương luôn song hành cùng lịch sử dân tộc. Thông qua các tiết học lồng ghép trong các bộ môn này, kết hợp với chương trình ngoại khóa sẽ giúp các em học sinh có một sự nhìn nhận đúng về giá trị văn hóa, lịch sử địa phương. Để học sinh ngày càng yêu thích bộ môn này, các giáo viên trong Tổ khoa học xã hội luôn chủ động tìm tòi các tư liệu từ sách, báo, trên mạng Intenet để bổ sung vào bài giảng. Đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy; đưa ra nhiều câu hỏi để các nhóm học sinh tự tìm hiểu tư liệu trước khi bước vào bài học mới… Từ việc tự tìm tòi các kiến thức liên quan đến bài giảng này giúp các em khắc sâu kiến thức đã thu lượm được. Qua đó, khơi dậy, bồi đắp lòng tự hào truyền thống lịch sử quê hương, đất nước trong mỗi một học sinh.
Trực tiếp dự một tiết giảng môn Lịch sử bài 27 “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc 1953-1954”, của cô giáo Nguyễn Thị Bắc tại lớp 9A3, chúng tôi nhận thấy học sinh tham gia đóng góp ý kiến phát biểu xây dựng bài rất sôi nổi. Giáo viên là chủ thể tổ chức, điều kiển, sử dụng các câu hỏi gợi mở để học sinh tìm hiểu, hình thành kiến thức. Học sinh phát huy được sự chủ động, tích cực chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện tư duy, khả năng suy nghĩ độc lập, đây cũng là điều kiện để học sinh nâng cao khả năng trong giao tiếp. Lồng ghép trong nội dung bài giảng này, giáo viên nhấn mạnh những đóng góp của quân và dân Thái Nguyên trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại ATK Định Hóa, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã có nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước, vận mệnh của dân tộc. Đặc biệt là ngày 6/12/1953 tại Lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận đánh, quyết chiến, quyết thắng, kết thúc 9 năm trường kháng chiến lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Kết thúc bài học, cả lớp được nghe bài hát “Giải phóng điện biên” của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong khí thế hào hùng.
Em Phạm Minh Tuấn, lớp trưởng lớp 9A3 hồ hởi khi nói với chúng tôi: “Mặc dù lớp em chuyên về các môn tự nhiên, song mỗi giờ học Lịch sử như vừa rồi chúng em rất hào hứng. Cô giáo cho câu hỏi để chúng em tự tìm hiểu về bài giảng trước khi học. Chúng em vào mạng và khai thác được rất nhiều thông tin. Qua đó, em hiểu thêm những đóng góp của quân và dân Thái Nguyên trong chiến dịch Điện Biên Phủ là ngoài những quyết sách quan trọng được quyết định trên chính mảnh đất này, thì Thái Nguyên còn là hậu phương vững chắc, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm để đánh chắc, tiến chắc”. Cũng chính từ sự đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy, khơi gợi tình yêu đối với bộ môn Lịch sử, trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành, cấp tỉnh những năm qua, Trường THCS Quang Trung luôn trong tốp dẫn đầu các trường không chuyên về số lượng và chất lượng giải môn Lịch sử.
Lịch sử địa phương và một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc. Dạy và học lịch sử địa phương không chỉ giúp học sinh hiểu về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra và lớn lên, hun đúc niềm tự hào, giáo dục truyền thống...