Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta được hun đúc từ bao đời nay đã tạo thành mạch chảy không ngừng nghỉ, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người. Nét đẹp truyền thống đó đã giúp các nhà giáo thật sự cảm thấy ấm lòng, như được tiếp thêm “lửa” để hết lòng vì học sinh thân yêu.
Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã hình thành, xây dựng và giữ gìn được nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có “Tôn sư trọng đạo”. Truyền thống đạo đức tốt đẹp đó đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng cho dân tộc Việt Nam. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) được tổ chức hằng năm không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính với thầy cô mà còn là dịp để toàn xã hội tỏ lòng tri ân những người thầy đã, đang gắn bó với nghề dạy học - Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Đó là nghĩa cử nhân văn, truyền thống cao đẹp của dân tộc ta - một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến.
Vậy nhưng, những năm gần đây, nhiều câu chuyện không vui liên quan đến truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã làm không ít người phải băn khoăn suy nghĩ. Nào là không nghe lời thầy cô, thậm chí có hành vi lăng mạ, sỉ nhục, cá biệt còn đánh đập thầy cô khi xảy ra mâu thuẫn; có khi do ông bà, cha mẹ vì quá nuông chiều con cháu, chỉ nghe phản ánh một chiều mà có những đối xử khiếm nhã với thầy cô... Năm trước, một cô giáo tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bị chính học sinh của mình bóp cổ trước sự chứng kiến của không ít học sinh và giáo viên. Ngay đầu năm nay, dư luận xã hội đã lên án mạnh mẽ hành vi của một số cha mẹ học sinh ở tỉnh Long An ép một cô giáo quỳ gối xin lỗi trong gần một giờ đồng hồ; các phụ huynh này cho rằng, làm như vậy mới công bằng đối với các học sinh đã bị cô phạt bằng hình thức quỳ gối trước lớp do vi phạm nội quy lớp học. Chỉ một vài hành vi nêu trên đã khiến dư luận lo lắng về vị thế của người thầy và sự tôn nghiêm nơi trường học. Cùng với đó, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giáo viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề Sư phạm. Có những thầy, cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật... làm ảnh hưởng đến truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, làm tổn thương đến bao nhà giáo chân chính.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn được nhân dân ta tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển hiện nay, Giáo dục và Đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là quốc sách hàng đầu. Những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, trong đó trọng trách lớn nhất được giao cho người thầy, những chiến sĩ cách mạng trong lĩnh vực giáo dục.
Để người thầy luôn gắn bó với sự nghiệp trồng người, mỗi chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ, làm sao để thổi bùng lên ngọn lửa đam mê nghề nghiệp trong mỗi thầy, cô. Để bảo vệ danh dự, uy tín các nhà giáo, trước hết, mỗi thầy cô cần trang bị cho mình phương pháp, kỹ năng sư phạm để giáo dục, rèn luyện học sinh; biết cách bảo vệ, giữ gìn hình ảnh, nhân cách của mình. Các bậc phụ huynh cũng cần ứng xử đúng mực với thầy cô, tạo khuôn mẫu hành vi để dẫn dắt con em mình ứng xử có văn hóa với mọi người. Cùng với đó, nhà trường, chính quyền địa phương cần ban hành quy chế, thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh; có các giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín cho nhà giáo.
20-11 đang đến gần. Mỗi chúng ta, từ các bậc phụ huynh đến các em học sinh hãy tiếp nối mạch nguồn truyền thống đạo lý “Tôn sư trọng đạo” của con dân đất Việt; hãy thể hiện lòng tôn vinh, sự tri ân tới các thầy, cô bằng chính tấm lòng trân trọng thành kính của mình. Nhất là đối với các em học sinh, sinh viên thì việc làm có ý nghĩa chính là biết nghe lời thầy cô, chăm chỉ học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi; không ngừng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, ý chí và năng lực; biết vượt qua mọi khó khăn để giành được kết quả cao trong học tập, công tác. Đó mới là những món quà có ý nghĩa, là những bông hoa tươi thắm nhất kính dâng lên thầy, cô.