Trăn trở nghề giáo hôm nay

07:19, 19/11/2018

Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức vào ngày 20-11 hàng năm không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học. Chính vì vậy, sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người. Công cụ lao động của nghề dạy học chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy. Phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo. 

Trong thực tế, nghề giáo đang là một trong những nghề chịu nhiều áp lực. Có thể nói nghề giáo khác hoàn toàn với những nghề khác trong xã hội, vì nghề này không xác định thời gian lao động trong một ngày. Nếu những nghề khác có quy định rõ thời gian làm việc trong ngày (ví dụ 8-9 giờ/ngày) thì nghề giáo lại không. Sau giờ đứng lớp, về nhà, người thầy còn phải làm rất nhiều việc khác như soạn giáo án, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, làm các loại sổ sách, thậm chí phải kết toán sổ sách (nếu họ bị buộc phải thu những khoản thu nào đó do trường quy định). Nhà giáo ở không đơn thuần là làm công việc giảng dạy, mà còn làm nhiều việc không tên khác, chưa nói đến việc phải tham gia các phong trào. Như vậy gần như nhà giáo chỉ nghỉ ngơi, tách khỏi công việc liên quan đến trường, lớp khi… đi ngủ mà thôi.

Khi mà xã hội tràn ngập những hiện tượng bạo lực, hàng loạt những thói hư tật xấu thì làm sao một mình nhà giáo có thể uốn nắn được học sinh? Lẽ ra gia đình, xã hội nên hỗ trợ, chung tay với giáo viên trong giáo dục học trò thì hình như chúng ta lại chỉ chăm chăm tìm cách đổ lỗi cho giáo viên mà thôi. Vấn đề kế tiếp mà giáo viên đang gặp phải, đó là thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Có thể nói hiện nay nhiều bậc phụ huynh gần như không cộng tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con em mình, mà chỉ chăm chăm vào việc bắt lỗi giáo viên khi giáo viên có một hành xử nào đó chưa đúng đối với con em mình. Xã hội cũng gần như luôn chực chờ lên án mỗi khi có một vụ việc sai phạm nào đó xảy ra nơi các giáo viên.

Môi trường sư phạm cũng chịu tác động mạnh bởi cụm từ “xã hội hóa”. Do sự hiểu biết và hành xử lệch lạc từ xã hội nên nhiều hoạt động giáo dục của nhà trường bị chi phối, thậm chí can thiệp quá sâu. Một trường công lập từ bậc tiểu học, phụ huynh sẵn sàng đề nghị đưa vào lớp học các thiết bị như điều hòa nhiệt độ, hoặc luôn yêu cầu con mình phải được ngồi cố định một vị trí tốt nhất…Với các gia đình kinh tế khó khăn thì làm sao có tiền đóng góp mua điều hòa cho con em mình ngồi học. Chính vì vậy, ngay trong một trường học, lớp có điều hòa, lớp không và học sinh vô hình bị đối xử mất công bằng. Và giáo viên chỉ còn biết chấp hành theo “nhu cầu tự nguyện” của xã hội. Học trò là vậy, giáo viên cũng từ đó nảy sinh những bất công. Lớp có phụ huynh làm mạnh thường quân khỏe thì giáo viên cũng được thơm lây, lớp không có điều kiện thì giáo viên cũng đành ngậm ngùi chấp nhận.  

Sự tôn sư trọng đạo, sự lễ phép đối với người lớn, đối với thầy cô ở học sinh dường như đang giảm đi. Tất nhiên đây không phải lỗi của các em, mà lỗi từ phía xã hội: Sống và được uốn nắn trong một bối cảnh nhiều bạo lực, nhiều ứng xử phi chuẩn mực thì làm sao học sinh không bị lây nhiễm được? Sự lây nhiễm này được các em mang vào và thể hiện trong trường học, giáo viên chính là người trực tiếp nhận những điều đó. Những áp lực nhọc nhằn mà người giáo viên đang gánh vác, dù muốn hay không cũng phải toàn tâm, toàn ý hết lòng với học trò và xứng đáng là kỹ sư tâm hồn. Có nhiều vui buồn gắn bó với nghề, tâm huyết với trò, nhưng sự tận tụy ấy đâu phải lúc nào cũng được đền đáp, ghi nhận?