Bước vào năm 2019, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tập trung vào các nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học và tăng cường công tác hậu kiểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm…
Năm 2019 sẽ có hai đề án được Bộ GD-ĐT xây dựng và đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm; Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, trong năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo xây dựng và trình Thủ tướng trong năm 2020 về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 – Thứ trưởng GD-ĐT Lê Hải An cho biết về những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học tại Hội nghị Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm năm 2018 diễn ra hôm 28-12.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh một trong số những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong năm 2019 là công tác chuẩn bị khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. Để chuẩn bị cho thực thi bộ Luật, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học; Nghị định quy định cơ chế tự chủ - được coi sẽ cởi trói cho các trường để có thể thực hiện tự chủ.
Thứ trưởng cho biết thêm, Chính phủ sẽ sớm phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học. “Đây là định hướng tốt cho các cơ sở giáo dục đại học để xác định cho mình định hướng phát triển trong những năm tới” – ông nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng Lê Hải An lưu ý, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác hậu kiểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm. Kiên quyết dừng tuyển sinh những cơ sở giáo dục đại học vi phạm các quy định, các cơ sở không bảo đảm các điều kiện tối thiểu…
Liên quan đến những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo năm 2019 của các cơ sở giáo dục đại học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết tiếp tục đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh tự chủ để nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện các giải pháp quản lý và nâng cao tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm; Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ , công bố quốc tế, tăng cường kết nối doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, tạo ra môi trường thực nghiệp, môi trường quốc tế ngay trong trường đại học; Tiếp tục phát triển chương trình đào tạo, triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam; Tiếp tục nâng cao chất lượng giảng viên, đặc biệt là giảng viên sư phạm; Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đào tạo, các chương trình đào tạo…
Theo Báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2018, giáo dục đại học đã tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ thể hiện trong công tác bảo đảm chất lượng đào tạo: Giảng viên, cơ sỏ vật chất, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm, thư viện được tăng cường; các tiêu chuẩn về mở trường, mở ngành được nâng cao; một số cơ sở đào tạo đã tăng cường sáng lọc trong quá trình đào tạo; văn hoá chất lượng, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong dần hình thành…
Từ chú trọng nâng cao chất lượng, giáo dục đại học đã đạt được một số thành tựu trong đó, nổi bật là đã tiếp cận các chuẩn mực của quốc tế về kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xếp hạng đại học. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, vào năm 2018 có hai đại học vào danh sách xếp hạng 1.000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS là Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (mức thứ hạng thuộc nhóm 701-750) và Đại học Quốc gia Hà Nội (mức thứ hạng thuộc nhóm 801-1.000).