Đưa ứng dụng khoa học vào cuộc sống

08:08, 19/02/2020

Nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Đại học Khoa học (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra là: Lựa chọn mục tiêu chiến lược đào tạo chuyên sâu, định hướng nghiên cứu và ứng dụng đáp ứng nhu cầu xã hội. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ luôn làm nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu. Để cụ thể hóa mục tiêu này, mỗi một giảng viên, mỗi nhà khoa học chính là hạt nhân tích cực đưa ứng dụng khoa học vào thực tế cuộc sống. 

Ứng  dụng khoa học từ thực tiễn

Cụm từ: “Lấy kiến thức, khoa học và công nghệ làm nền tảng cho phát triển” như là khẩu hiệu và cũng là “từ khóa” chỉ phương châm hành động cho tất cả các chi bộ trong Đảng bộ Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Vì vậy, môi trường hoạt động của Nhà trường không chỉ là hoạt động dạy và học thuần túy, mà là một môi trường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ bằng chính những sản phẩm được làm ra từ kết quả nghiên cứu khoa học. Đồng thời, kết quả nghiên cứu khoa học cũng là nguồn học liệu quý báu thiết thực phục vụ hoạt động đào tạo, giảng dạy. Xác định rõ mục tiêu và chiến lược đào tạo của Nhà trường mà Nghị quyết Đảng bộ đã đề ra, mỗi giảng viên sau giờ đứng lớp trên giảng đường, lại lặng lẽ với công việc thu thập dữ liệu, trải nghiệm và thực hành tại các phòng, Lab thí nghiệm. 

Giữa tâm điểm “nóng” về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các giảng viên của Trường đã nhanh chóng bắt tay vào công việc nghiên cứu để tìm ra những giải pháp phòng ngừa. Đỉnh điểm sự việc khi thị trường trở nên khan hiếm nước rửa tay sát khuẩn, có thời điểm giá thị trường lên đến 700.000 đồng/chai 500ml, khiến dư luận xã hội bức xúc và lo lắng. Trăn trở với những vấn đề thời sự mà cuộc sống đang đòi hỏi bức thiết, TS Nguyễn Phú Hùng và TS Trịnh Đình Khá cùng các kỹ thuật viên (Khoa Công nghệ Sinh học) đã “bám” phòng thí nghiệm và trực bên các Lab xét nghiệm để phân tích các thành phần sinh, hóa trong các chai nước sát khuẩn mà thị trường nâng giá gấp 3-4 lần “bắt bí” người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học dựa vào tài liệu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố về thành phần hóa học cơ bản của các loại nước sát khuẩn y tế thông dụng hỗ trợ phòng dịch COVID-19. Từ đó, các nhà khoa học đã quyết định pha chế dung dịch sát khuẩn hỗ trợ phòng dịch bệnh.

Sẵn có các sản phẩn tinh dầu nguyên chất chiết xuất từ thảo dược có nguồn gốc từ môi trường thiên nhiên hỗ trợ làm nguyên liệu dược phẩm như: Tinh dầu xả, tinh dầu bạc hà, tinh dầu hồi… do các nhà khoa học của Trường làm ra và đã được công bố chất lượng, bản quyền sở hữu tiêu chuẩn quốc gia; dựa trên các nguyên lý hoạt động hóa học các chất khi kết hợp với nhau và kết quả thí nghiệm, Khoa Công nghệ Sinh học đã chính thức cho ra mắt sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn y tế với công thức (Ethanol y tế 90 độ, phối hợp với nước oxy già 3%, Clycerine 98%, nước cất đun sôi, để nguội và tinh dầu thảo dược). Sau thành công từ việc cho ra đời sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn, các nhà khoa học đã tiếp tục điều chế và cho ra sản phẩm nước súc miệng Nano bạc thảo dược. Ngay sau đó, hàng nghìn chai nước sát khuẩn đã được sản xuất rộng rãi và phát miễn phí ở khu vực công cộng toàn Đại học Thái Nguyên và hỗ trợ các trường học miền núi, khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Trường sản xuất thêm hàng trăm lít để đóng chai và trực tiếp hỗ trợ miễn phí cho học sinh, trường học vùng dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc.

Sản phẩm công nghệ thu nạp năng lượng mặt trời tự động làm nóng hệ thống nước sinh hoạt hỗ trợ khu vực dân cư vùng sâu, vùng xa thay thế điện của sinh viên Đại học Khoa học.

Đầu năm 2020, tin vui đến với các nhà khoa học của Trường đó là đề tài “Ứng dụng màng sinh học chitosan - nano bạc nhằm kéo dài thời gian bảo quản quýt Lạng Sơn” do PGS TS Phạm Thế Chính (Khoa Hóa) chủ trì đã được UBND tỉnh Lạng Sơn ký kết hợp đồng và nghiệm thu nghiên cứu cơ bản. Đây là một trong những đề tài có tính ứng dụng cao, gắn liền khoa học công nghệ với thực tế, góp phần đưa khoa học đến gần hơn với người nông dân. 

Nghiên cứu khoa học là nòng cốt

PGS, TS Nguyễn Văn Đăng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Đặc thù là môi trường đào tạo, song định hướng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được xác định là nền tảng. Trong sinh hoạt Đảng, mỗi đảng viên, chi bộ, nhà khoa học hằng năm đều xây dựng cho mình một chương trình hành động sát với mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ. Vì vậy, đảng viên phải gương mẫu hành động “nói phải đi đôi với làm”. Đánh giá về công tác chuyên môn của Đảng bộ giai đoạn 2015-2019 có thể thấy những thành tựu nổi bật mà phía sau đó là sự cống hiến thầm lặng của các nhà khoa học tận tâm với chuyên môn và bám sát nhu cầu của đời sống xã hội, đồng thời là một trong những đơn vị dẫn đầu của Đại học Thái Nguyên về số lượng bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín ISI. Trường đã công bố 855 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, trong đó có 196 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI (17 bài Scopus, 55 bài quốc tế khác, 587 bài báo chuyên ngành khoa học, công nghệ trong nước). Điều đáng ghi nhận chính là các đề tài nghiên cứu khoa học đều được chuyển giao ứng dụng rộng rãi vào các lĩnh vực của đời sống như khoa học môi trường, y - sinh, khoa học xã hội, vật lý, hóa học… Đặc biệt, được các địa phương tín nhiệm “đặt hàng” chuyển giao công nghệ, giá trị kinh tế đạt hàng chục tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để sinh viên chủ động tham gia vào quá trình học tập, đồng thời là nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển giao công nghệ đến người dân.

Có thể nói, song song với việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, việc nghiên cứu khoa học đã và đang mang lại sức sống mới, góp phần không nhỏ khẳng định chất lượng đào tạo của Nhà trường. Những con số thống kê về kết quả hoạt động khoa học - công nghệ phần nào phản ánh tiềm năng, nội lực và niềm tin cho những bước đột phá mới trong những năm tiếp theo của Trường.

Trong giai đoạn 2015-2020, Trường đã thực hiện: 14 đề tài độc lập cấp Nhà nước (trong đó 12 đề tài thuộc quỹ Nafosted, 1 đề tài thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ và 1 đề tài thuộc Ủy ban dân tộc), 19 đề tài cấp bộ, 7 đề tài cấp tỉnh, 47 đề tài cấp đại học, 33 đề tài cấp cơ sở, triển khai thực hiện 299 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Về lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Nhà trường đã thực hiện 1 tiểu dự án quốc tế, 10 đề tài chuyển giao khoa học công nghệ với các địa phương, doanh nghiệp.