Cho em niềm vui đến trường

19:34, 03/09/2020

Những ngày đầu tháng 9 này, dù mỗi người đều có nhiều việc cần làm, nhưng với các bậc phụ huynh sẽ thật sự hạnh phúc khi đưa con đi sắm sanh sách, bút, quần áo mới để đón ngày tựu trường. Nhìn các bé em ríu rít nhảy chân sáo bên cha mẹ, chị Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh lại chạnh lòng nghĩ đến các “thiên thần không may mắn”, phải chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn. Chị nói lời gan ruột: Dù sao thì những đứa con của Trung tâm cũng có một mái nhà yên ấm. Nhưng không chỉ để có chỗ ở, chỗ ăn, các con cần được đi học. Và chúng tôi luôn cố gắng mang lại cho các con một nụ cười trọn vẹn, đó là niềm vui đến trường... 

Chị Trịnh Thị Lan Phương, Phó phòng Quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng, thuộc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, cho biết: Năm học 2020-2021, Trung tâm có 9 cháu đi học ở các cấp, trong đó có 3 cháu bậc mầm non, 1 cháu bậc tiểu học, 2 cháu bậc THCS, 2 cháu bậc THPT và 1 cháu học ở Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) năm thứ hai. Tất cả các cháu đều được mua sắm trang phục mới, có đầy đủ sách, vở, bút, mực và cặp đựng sách sạch đẹp. Dù không nói ra, nhưng từ đáy lòng mình, chúng tôi luôn coi các cháu như người ruột thịt. Chăm lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, dỗ dành khi đau ốm, đưa đón đi học và hằng đêm nhìn các cháu ngủ, vô tư, đẹp như bao thiên thần được sinh ra trên đời… Tôi cũng nghĩ như chị. Bởi ngay ở Trung tâm còn có những em bé phải chịu thiệt thòi ngay từ khi được sinh ra. Một số em mắc các chứng bệnh về tinh thần và thể xác, sống ngơ ngác không biết thế nào là vui, là buồn. 

Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm nơi ăn ở, học tập của các cháu, anh Nguyễn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Ở đây có 10 cháu không thể đi học vì các chứng bệnh liên quan đến tâm thần. Có cháu quá yếu, trước cho đi học, song không theo được, đành phải để nghỉ hẳn… Tôi thấy trên chiếc giường ở một góc phòng ở, một cháu bé ít nói, ít cười, nằm ngả dài đang chăm chú đọc truyện cổ tích.

Anh Nguyễn Đức Dân, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh hướng dẫn các con ôn lại bài học.

Cháu Nguyễn Văn Khánh, 12 tuổi. Từ khi cất tiếng khóc chào đời, Khánh đã bị cha mẹ chối bỏ. Rồi có người hiếm khó nhận Khánh về làm con nuôi. Những tưởng số phận đã mỉm cười, nhưng chỉ ít tháng sau đó, cha mẹ nuôi từ chối trách nhiệm, chính quyền địa phương đành giao cháu cho Trung tâm nuôi dưỡng. Năm đó Khánh 2 tuổi. Vì bị mắc thứ bệnh nền y học thế giới chưa tìm được thuốc chữa, nên những trận ốm “thập tử nhất sinh” làm cậu bé không đủ sức theo học. Cảm thương, cán bộ Trung tâm thường mang sách, truyện đến cho cháu đọc. Khánh nói: Giá như có bà tiên ban cho điều ước như trong truyện cổ tích, cháu chỉ xin một điều ước là được ngủ một giấc thật ngon trong vòng tay âu yếm của cha mẹ.

Tôi dỗ dành: 10 năm nay cháu được các bố mẹ ở Trung tâm bón cho từng thìa sữa. Rồi mỗi đêm, khi bóng tối bao trùm, các bố mẹ ở Trung tâm thay nhau ngồi bên, canh cho cháu ngủ ngon… Khánh cười hiền lành như bao đứa trẻ, rồi ấp cuốn truyện cổ tích vào ngực mình. Tôi bước ra ngoài hành lang ngôi nhà, gặp ở đó các bé hiếu kỳ đang ngó nghiêng vì người lạ.

Anh Dân cho biết thêm: Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 14 cháu bị khuyết tật ở nhiều dạng khác nhau, 10 cháu còn lại thì 7 cháu là con của phạm nhân đang chấp hành cải tạo… Vào thăm phòng ở của các cháu, tôi thấy giống như ký túc xá của một trường học nội trú: Ngoài giường nằm, chăn đắp, áo quần gấp gọn còn có góc học tập, tủ sách. Các cháu đang háo hức chuẩn bị sách, vở, bút, mực và đồng phục cho ngày khai trường. Vui nhất là mẹ Nguyễn Thị Tuyết Nhung và các con Hà Ngọc Ánh, Bùi Dương Bảo Minh và Nguyễn Phương Thảo. Mẹ Nhung đang ướm thử đồng phục cho từng con. 

Chị Nhung chia sẻ: Ánh, Minh, Thảo năm nay đi học ở Trường Mầm non Quang Trung. Các con còn nhỏ, nhưng đã quen sống với nếp sống tự lập. Bên bàn học, bé Tô Đinh Diệu Anh đang lóng ngóng với bộ cánh và cặp sách mới. Năm nay, Diệu Anh vào học lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (T.P Thái Nguyên). Dù còn nhỏ tuổi, nhưng bé biết được những ân tình các cha, mẹ ở Trung tâm dành cho. Tôi cảm nhận được điều đó vì thấy giọt nước mắt chợt lăn dài từ đôi mắt thơ trẻ. Đó là giọt nước mắt mang niềm vui rạng ngời được ánh lên. Và đó cũng là khoảnh khắc Diệu Anh và các bé được vô tư, hồn nhiên như những đứa trẻ háo hức ngày đến trường.
Có lẽ các con đều hiểu được hoàn cảnh không may mắn của mình, nên nhiều lúc thút thít khóc, mẹ hỏi đã biết bảo: Vì bị bụi rơi vào mắt… Một phản xạ tự nhiên, tôi nhìn lên trần nhà, trắng, sạch, không có mạng nhện và bụi bẩn. Chợt có gì đó dâng lên, lồng ngực nghẹn lại, tôi cố gắng kiềm chế cảm xúc khi nghe “mẹ con nhà chị Nhung” cùng hát câu: “Ba là cây nến vàng / Mẹ là cây nến xanh / Con là cây nến hồng…”. Tiếc là ngọn nến vàng và ngọn nến xanh ấy đã không có mặt bên con ngày khai trường. Và để các con được cắp sách đến trường như bao chúng bạn cùng trang lứa, Ban Giám đốc Trung tâm đã đến các trường trên địa bàn để làm hồ sơ xin nhập học cho từng con. Rồi mỗi ngày, các cán bộ của Trung tâm lại thay nhau làm cha, làm mẹ đưa các con đến lớp, đi họp phụ huynh, bênh vực các con khi bị chúng bạn chọc ghẹo…

Chị Hường tâm sự: Chúng tôi lo cho các con ở Trung tâm được ăn, học như lo cho chính con đẻ của mình. Sáng đưa các con đi học đúng giờ, chiều đón về Trung tâm bảo đảm an toàn. Đến giờ ngủ, điểm danh lại lần nữa, thấy đầy đủ các con thì những người làm cha, làm mẹ chúng tôi mới dám trở về phòng nghỉ ngơi. Chúng tôi xác định phải luôn quan tâm, chăm lo cho các con được đến trường, bởi trường học sẽ là nơi mở ra cho các con một chân trời tươi mới…