Khi trường cũng là nhà

08:37, 20/09/2020

Không còn phải ở, học tập trong những khu nhà tạm, không còn phải mang theo thực phẩm, hàng chục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thần Sa (PTDTBT - Võ Nhai) hơn hai năm qua được ở trong ngôi nhà nội trú khang trang, sạch, đẹp do Nhà nước đầu tư xây dựng. Hằng ngày được thầy cô quan tâm chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ để tiếp thêm nghị lực giúp các em thực hiện ước mơ theo đuổi con chữ.

Thần Sa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai, với khoảng 2.800 nhân khẩu, trong đó 98% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số Dao, Mông, Tày. Xã có có 9 xóm, trong đó nhiều xóm nằm cách trường học trên, dưới 20 km như xóm Thượng Kim, Tân Kim, Hạ Sơn Tày, Hạ Sơn Dao..., học sinh đi lại vô cùng vất vả, nhất là vào mùa mưa, mùa đông.

Để thuận lợi cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2002, Trường PTDTBT THCS Thần Sa được thành lập trên cở sở tách ra từ Trường THCS Thần Sa. Từ đó đến nay, Nhà trường đã được các cấp, ngành của tỉnh, huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Đặc biệt, việc đưa vào sử sử dụng công trình nhà ở và bếp ăn nội trú từ năm học 2018-2019, đã đem lại niềm vui cho cô, trò và phụ huynh nơi đây.

Anh Đặng Nguyên Chu, xóm Thượng Kim nhớ lại: “Do nhà cách trường hơn 20km, giao thông đi lại khó khăn, cứ vào đầu mỗi năm học, tôi và người dân trong xóm có con em đang theo học tại Trường PTDTBT THCS Thần Sa lại mang tre, nứa, gỗ ra khuôn viên Nhà trường dựng những ngôi nhà tạm để các em ở, học. Nhưng các gia đình đều thuộc diện hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn vì thế những ngôi nhà tạm này chỉ được dựng sơ sài, nhanh xuống cấp, thường xuyên dột nát, không đảm bảo an toàn.

Còn em Đặng Quốc Khánh, học sinh lớp 9 cho biết: Do nhà ở xa nên từ năm học lớp 6, chúng em đã ở trong những ngôi nhà tạm do bố mẹ dựng ở gần trường. Mùa đông gió lùa rất lạnh, còn mùa hè thì nóng do nhà chật chội. Ngoài ra, chúng em còn tự mang đồ ăn ở nhà đi, hoặc hằng ngày phải tự đi chợ, mua thực phẩm về cùng nhau nấu ăn”.

Trước những khó khăn của học sinh nơi đây, năm 2018, công trình nhà nội trú 2 tầng, 8 phòng và bếp ăn rộng 100m2 đã được xây dựng do UBND huyện Võ Nhai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 5,2 tỷ đồng. Từ khi công trình được đưa vào sử dụng đã góp phần đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập cho học sinh trong Trường. Hiện nay, Nhà trường có 109 em học sinh, với 107 em là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 60 em học bán trú.

Em Triệu Thị Lê, lớp 6 vui vẻ cho biết: “Được ở trong nhà nội trú khang trang, sạch sẽ em cảm rất thích vì có nhiều thời gian học, vui chơi hơn và được thầy cô chăm sóc rất chu đáo, được ăn uống đầy đủ, không phải mang theo thực phẩm nữa”.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Thần Sa cho biết: “Hiện, Nhà trường có 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Do chưa có cán bộ quản lý khu nội trú riêng vì thế hằng ngày, ngoài giờ lên lớp Nhà trường còn cắt cử giáo viên quản lý khu nội trú và dạy các em kỹ năng sống kỹ năng sống, tự biết chăm sóc bản thân khi sống xa nhà. Còn đối với bữa cho học sinh bán trú từ tiền ăn, gạo được hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ giáo dục cho đồng bào DTTS, vùng DTTS và bố mẹ đóng góp thêm, Nhà trường sẽ cân đối chế độ ăn của các em, lên thực đơn, đơn giá để đảm bảo sức khoẻ cho các em”.

Những năm gần đây, nhờ có mô hình bán trú mà học sinh tại các xóm cách xa Trường đã tích cực đến lớp học, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Tỷ lệ học sinh xét tốt nghiệp đạt 100%, năm học 2018-2019, có 16/20 em học sinh lớp 9 học tiếp lên THPT, năm học 2019-2020, có 25/30 em.