Trường học cũng là nhà, thầy cô giáo như thể mẹ cha, bạn học là anh em. Từ bản làng xa xôi, học trò mỗi người một nơi hội tụ trong một mái trường để học chữ, rèn người dưới sự dìu dắt tận tình của các thầy, cô giáo. Xa thành gần, lạ thành thân, trường nội trú, bán trú như thể một mái ấm đại gia đình học sinh các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao.
“Bao nhiêu thế hệ học sinh như tôi đã sinh hoạt, học tập, tốt nghiệp và trưởng thành từ mái trường thân thương ấy, để rồi mỗi khi nhớ lại một thời thanh xuân đã qua vẫn không thể nào quên được mái ấm thứ hai mà đặc biệt này. Với mỗi cô, cậu học trò là con em DTTS như chúng tôi, khi đến với mái ấm nội trú sinh hoạt và học tập gặp biết bao điều bỡ ngỡ. Xa nhà, xa vòng tay yêu thương chở che của bố mẹ, người thân để hòa nhập với một môi trường hoàn toàn xa lạ tưởng chừng sẽ chẳng thể nào thích nghi được... Sự ân cần của các thầy, cô giáo đã vỗ về cho chúng tôi yên giấc ngủ, vượt mọi khó khăn để thực hiện thành công hoài bão của mình... Và sẽ còn thêm nhiều thế hệ học sinh con em vùng đồng bào DTTS như chúng tôi được học tập, trưởng thành từ mái ấm thân thương này”.
Đó là những dòng lưu bút tại Trường Phổ thông DTNT THCS Định Hóa của bác sĩ Trần Thị Thùy Linh (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên), học sinh niên khóa 2003-2007 về mái trường - nơi chị từng được nuôi dưỡng, học tập, rèn luyện trước đây.
Ký ức về mái ấm trường DTNT là lời tri ân của các thế hệ học sinh đã trưởng thành và cũng là nguyện vọng được học tập của người dân vùng đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ 8% học sinh người DTTS, vùng khó khăn được học trong các trường phổ thông DTNT. Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng và thực hiện Đề án mở rộng và nâng cấp các trường phổ thông DTNT với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện 6 trường phổ thông DTNT tại các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ và Trường THPT DTNT tỉnh, trong đó nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh đầu tư gần 180 tỷ đồng.
Nhờ sự đầu tư tập trung từ năm 2016, đến nay đã hoàn thành cơ bản hệ thống trường lớp và khu ở nội trú, bếp ăn tập thể, nhà công vụ cho giáo viên cùng với các thiết chế văn hóa, thể thao khép kín đảm bảo cho trên 2.300 học sinh theo học từ lớp 6, đến hết lớp 9 và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ.
Có môi trường học tập, rèn luyện tốt chất lượng giáo dục được nâng lên, đời sống vật chất và cả tinh thần của đồng bào vùng DTTS được cải thiện tích cực. Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Tổng phụ trách Đoàn, Đội Trường Phổ thông DTNT Đồng Hỷ cho biết: Trường có 11 lớp học với 347 học sinh nội trú, chủ yếu là dân tộc Nùng, Sán Dìu, Dao, Mông... thuộc các xóm, xã vùng khó khăn của các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Bình. Tại đây, học sinh được thụ hưởng đầy đủ các chế độ nội trú và hằng ngày được các thầy, cô giáo dạy học, chăm sóc chu đáo từ sáng đến tối, do đó chất lượng cuộc sống được cải thiện và năng lực học tập được nâng lên. Nhiều em học sinh mới vào lớp 6 chỉ nặng từ 18-19kg, nhưng được sinh hoạt đúng chế độ và an tâm học tập nên sức khỏe, thể trạng được nâng lên. Sau 1 học kỳ, mỗi em đều tăng từ 6-8kg. Đặc biệt, học sinh đến trường nội trú, các em được tiếp cận với nếp sinh hoạt tập thể văn minh, hiện đại, các em biết tự tăng gia trồng rau, chăn nuôi để tạ cải thiện cuộc sống hằng ngày. Các bậc phụ huynh vừa yên tâm về môi trường giáo dục của các cháu vừa giảm bớt được nỗi lo đưa, đón, chăm sóc con hằng ngày.
Có được điều này có phần công sức lớn và cả sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo trực tiếp công tác tại các trường nội trú. Thầy Nguyễn Đức Lợi, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Đồng Hỷ chia sẻ: “Hầu hết các học sinh vùng DTTS có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên việc phụ huynh đến trường hỗ trợ chăm sóc các em khi ốm đau là rất khó. Những lúc đó, các thầy, cô giáo thay nhau đến bệnh viện chăm các em. Nhiều em mới đến gần như không giao tiếp, tâm lý lúc nào cũng muốn bỏ về nhà... Chính vì vậy, mỗi tối, các thầy, cô giáo đến từng giường vừa kiểm tra, vừa vỗ về động viên các em an tâm. Có không ít học sinh không còn cha, mẹ hoặc gia đình đông anh em... nên thiếu hụt tình cảm. Do đó, phòng ngủ ký túc xá lúc nào Trường cũng cắt cử giáo viên “trực đêm” bên các con”.
Với quan điểm: Dạy chữ đi đôi với rèn người, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thân thiện nhất về môi trường nội trú để học sinh và gia đình an tâm thì mới có thể nâng cao chất lượng dạy học. Nhờ đó, chất lượng học tập của các em hàng năm được nâng lên. Tỷ lệ học sinh các trường phổ thông nội trú đạt học lực khá và giỏi tăng từ 40% khi học hết lớp 6 lên 60% lớp 7 và đạt 70-80% lớp 9. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt từ 98-100%, trong đó trên 70% đủ điều kiện vào học các trường đại học.
hầy giáo Phùng Đức Lai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Định Hóa xác định: Hai nhiệm vụ trọng tâm là mỗi thầy, cô giáo vừa là tấm gương về giáo dục, người truyền đạt kiến thức, đồng thời phải đảm đương hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm lo đời sống tinh thần cho các em học sinh. Nhà trường phải thực sự là mái ấm, là ngôi nhà thứ hai nuôi dưỡng chắp cánh cho tương lai mỗi học sinh.
Năm học mới 2020-2021 đã bắt đầu, những khoảnh khắc bỡ ngỡ ban đầu của hơn 600 học trò mới rời làng đến nhập trường chắc chắn sẽ mau chóng qua đi trong môi trường giáo dục nội trú bằng cả kỷ cương, tình thương, trách nhiệm của các thế hệ thầy, cô giáo. Bởi chính mái ấm trường nội trú đã cho các thế hệ học sinh những tình cảm đặc biệt và thầy, cô như thể người cha, người mẹ thứ hai của các em.