Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới: Thiếu phòng học, thiếu cả giáo viên

10:11, 02/10/2020

Năm học 2020-2021 là thời điểm học sinh lớp 1 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) T.X Phổ Yên đang trong tình trạng thiếu phòng học thiếu cả giáo viên, đây là những khó khăn, thách thức đặt ra với các nhà trường khi dạy học sinh lớp 1. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học được thiết kế thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết. Năm học 2020-2021 toàn thị xã cấp tiểu học thiếu 31 phòng học. Điển hình như các trường tiểu học: Trung Thành I, Tân Hương, Tiên Phong II, Nam Tiến I, Phúc Thuận I, Đắc Sơn II, Đông Cao, Hồng Tiến I… Việc  tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày đến hết năm học 2019-2020, Phổ Yên mới thực hiện được ở 25/27 trường. Khảo sát biến động về dân số và công tác phổ cập tiểu học hàng năm trong 4 năm trở lại đây cho thấy mỗi năm học, bậc tiểu học T.X Phổ Yên tăng từ 600 đến 700 học sinh, tương đương với 20-25 lớp. Trong 5 năm tới (2020-2025) thực hiện chương trình sách giáo khoa mới đối với cấp tiểu học, Phổ Yên sẽ thiếu 100 đến 125 phòng học. Thiếu phòng học sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học, mỗi nhà trường có 4 phòng học bộ môn. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới bậc tiểu học toàn thị xã thiếu 115 phòng học bộ môn. Đặc biệt, bậc tiểu học thị xã có 27 trường, trong đó có 26 điểm trường lẻ nằm tại các cụm dân cư, mỗi điểm trường có từ 3 đến 13 lớp học. Tại các điểm trường lẻ có số lượng lớp lớn như Điểm trường Trại Cang, thuộc Trường Tiểu học Vạn Phái 13 lớp; Điểm trường Yên Thứ, thuộc Trường Tiểu học Ba Hàng 13 lớp, Điểm trường Má Cả, thuộc Trường Tiểu học Tiên Phong II 9 lớp; Điểm trường Thanh Xuân, thuộc Trường Tiểu học Đồng Tiến 8 lớp... đều cần có nhu cầu trang bị phòng học bộ môn như đối với điểm trường chính. Bởi nếu bố trí thời gian để di chuyển học sinh đến các trường chính học các bộ môn này sẽ rất khó tổ chức do khoảng cách xa và ảnh hưởng lớn đến phân phối chương trình.

Thầy giáo Đồng Duy Đăng, cán bộ Phòng GD&ĐT T.X Phổ Yên, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Vạn Phái chia sẻ: “Trong chương trình giáo dục hiện hành, nhiều trường học, đặc biệt ở các xã nghèo vẫn chưa đủ phòng học, thiết bị dạy học và thậm chí thiếu không gian trải nghiệm. Trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu phải có các loại phòng chức năng riêng biệt như: Phòng Giáo dục Nghệ thuật, Phòng Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ… các trường khó có thể chuẩn bị được phòng học này”.

Ngoài nỗi lo phòng học, thiếu và mất cân đối cơ cấu giáo viên cũng là thực trạng lâu nay của ngành GD&ĐT thị xã Phổ Yên. Năm 2020, bậc tiểu học được giao 791 biên chế, trong đó biên chế giáo viên là 642, đến năm 2021 biên chế giáo viên giao còn 622 biên chế. Hiện tại toàn cấp tiểu học của thị xã có 650 giáo viên trong đó giáo viên được đào tạo chuyên ngành Giáo dục tiểu học là 516 người, giáo viên đào tạo các môn chuyên là 134 người và mới chỉ đạt tỷ lệ 1,2 giáo viên/lớp. Số giáo viên này chưa đáp ứng để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học theo quy định Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Không chỉ thiếu giáo viên dạy học theo chỉ tiêu biên chế giao hàng năm,  Phổ Yên còn thiếu trầm trọng giáo viên các môn: Tiếng Anh, Tin học, Thể dục. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu tiếng Anh và Tin học là môn bắt buộc (từ năm học lớp 3), tạo áp lực lớn đối với thị xã trong việc đáp ứng đủ số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên. Cụ thể, môn tiếng Anh thiếu 22 giáo viên, Tin học thiếu 27 giáo viên, Thể dục thiếu 24 giáo viên.

Năm 2020, T.X Phổ Yên được cấp 230,25 định mức khoán phục vụ công tác giảng dạy bậc tiểu học, tuy nhiên, việc thuê khoán giáo viên giảng dạy theo định mức là hết sức khó khăn do tính chất công việc chưa ổn định, thu nhập chưa đảm bảo mức sống và còn 2 tháng giáo viên không được thực hiện hợp đồng (hợp đồng thuê khoán áp dụng cho mỗi định suất tại nhà trường là 10 tháng/năm). Chính vì vậy, năm học 2019-2020 bậc tiểu học chỉ thuê khoán được 89 giáo viên/200 giáo viên thiếu, đồng thời dự báo năm học 2020-2021 chỉ thuê khoán được khoảng 50 giáo viên/197 giáo viên thiếu.