Thay vì học thuộc lòng các khái niệm, định nghĩa ở các môn khoa học tự nhiên, các thầy, cô giáo Trường THPT Định Hóa đã cho học sinh trải nghiệm và thực hành theo chủ đề môn học để tự phân tích, đánh giá, đưa ra những nhận định... Từ thực tế, các em đã tiếp nhận kiến thức sâu hơn, dễ nhớ và dễ liên hệ với các hiện tương, sự vật trong cuộc sống.
Ngay đầu năm học, Trường THPT Định Hóa đã tổ chức xây dựng chuyên đề học tập trải nghiệm, tích hợp liên môn. Mặc dù chưa thành chính khoá, nhưng đã cuốn hút đông đảo học sinh tham gia. Các em được chia nhóm và thỏa sức thể hiện kỹ năng chế tạo đầy cảm hứng sáng tạo.
Em Ma Đức Thái, học sinh lớp 11 A1 cùng nhóm trải nghiệm môn Vật lý và Toán học gồm 8 thành viên từ lớp 1 đến lớp 12 đang loay hoay tính toán chuyển khối bê tông nắp cống sang một vị trí khác. Thay vì hiệp lực bẩy, gánh hoặc bê đi, Thái đã đề xuất chế tạo con lăn di chuyển bằng sưu tầm nhiều vòng bi cũ gắn vào trục chuyển động. Công việc có vẻ khá cầu kỳ, những Thái chia sẻ: “Chúng em lấy ý tưởng từ bài học môn Vật lý về lực ma sát và chống ma sát. Để làm được việc này, mỗi thành viên theo cách hiểu biết của mình tính toán khối lượng, trọng lượng tấm bê tông, từ đó sưu tầm các vòng bi cùng cỡ và phù hợp với trọng lượng, tiếp diện của tấm bê tông. Làm sao đó có những thông số về lực, ma sát, nguyên lý chuyển động, gia tốc... giống như cách vận hành chuyển động của chiếc xe ô tô, hay như cánh cổng sắt của Trường hàng ngày vẫn đóng vào mở ra trơn tru...”.
Em Trần Xuân Tâm, lớp 10 A2, cho biết: “Em và các bạn cùng khối 10 sẽ tìm hiểu dựa trên nguyên lý chuyển động của chiếc cọn nước, vừa sinh ra lực khi đổ nước xuống mương để đưa về đồng, lại có thể làm chuyển động tua-bin cho máy phát điện.” Cô giáo Phùng Thị Minh Huệ cho biết: Các thầy, cô giáo bộ môn sẽ xây dựng giáo án phù hợp để giải thích cho học sinh từng chi tiết và lượng kiến thức liên quan ở từng cấp độ theo bài học. Còn nhóm tìm hiểu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của máy đo thân nhiệt tự động do Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên hỗ trợ Trường trong phòng, chống dịch COVID-19 đã khảo sát thiết bị sẵn có để phân tích theo chuyên đề bài học, như: Để trải nghiệm thực tế, các em học sinh đã vận dụng kiến thức nền môn Vật lý về đặc điểm tính chất của tia hồng ngoại (bài 27- Tia hồng ngoại và tia tử ngoại-Vật lý 12), mạch dao động, sóng điện từ, nguyên tắc thông tin liên lạc để biến tín hiệu thu được thành tín hiệu âm thanh (bài 22, bài 23-Vật lý 12); kiến thức nền về môn Kỹ thuật công nghiệp vi mạch bán dẫn (Công nghệ 11) tìm hiểu về nguyên tắc hoạt động của máy đo thân nhiệt, xử lý thông tin. Về kỹ thuật, các em được giáo viên hướng dẫn tìm hiểu cách lắp ráp mạch sao cho phù hợp (nhỏ, gọn); vẽ sơ đồ mạch điện, quy trình lắp ráp và thử nghiệm mạch. Môn Toán học được vận dụng kiến thức nền về xác suất, thống kê tính toán về vị trí đặt máy...
Trong môn học Giáo dục thể chất, có lẽ mối liên hệ về học liên môn lâu nay học sinh ít quan tâm hơn, song với các thầy, cô giáo bộ môn Giáo dục Thể chất đã đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình tập thể dục trong nhà khi thời tiết ngoài sân không thuận tiện. Tích hợp liên môn Vật lý bằng tận dụng lực vận động để tác động tua bin chuyển động phát điện đun nóng bình nước, hoặc tích điện cho ắc quy... dựa trên nguyên lý biến đổi cơ năng thành điện năng. Như vậy các em học sinh có thể vừa tập thể dục, vừa trải nghiệm kiến thức các môn Vật lý, Toán học...
Cô giáo Nông Thị Hảo, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trong học tập trải nghiệm, nội dung, ý tưởng hoặc khái niệm được học phải có sự liên quan đến cá nhân người học. Đây là tiền đề cho giáo dục STEM. Mục tiêu của Trường là học đến đâu chắc đến đó và học phải đi đôi với thực hành, liên hệ thực tiễn. Hiện nay, các mô hình học tập trải nghiệm liên môn đã được Nhà trường tổ chức theo nhóm sở thích và hình thành câu lạc bộ, tiến tới sẽ phân ban, phân loại theo năng lực, sở trường học sinh để có các loại hình học tập trải nghiệm sinh động hơn và thu hút nhiều học sinh tham gia.