Xung quanh quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học

18:27, 20/10/2020

Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể từ ngày 1-11-2020, học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp để phục vụ cho việc học, dưới sự quản lý của giáo viên. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, không ít giáo viên, phụ huynh đã bày tỏ lo lắng việc làm thế nào để quản lý học sinh chỉ sử dụng điện thoại di động để học tập một cách hiệu quả.

Hiện nay, tại hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh, sĩ số học sinh trong một lớp khá đông, từ 45-50 học sinh. Mỗi học sinh lại có ý thức tổ chức khác nhau, vì vậy để kiểm soát việc các em sử dụng điện thoại trong lớp vào lúc nào, mục đích gì là điều lo lắng của nhiều giáo viên. Cô giáo Trần Thị Tuyết, Trường THCS Độc Lập (Thái Nguyên) chia sẻ: Trong mỗi tiết học chúng tôi chỉ có 45 phút đối. Đối với những học sinh có ý thức sử dụng điện thoại để dùng cho mục đích học tập thì rất tốt, còn nếu sử dụng đại trà cho tất cả học sinh thì chúng tôi thấy rất băn khoăn. Chúng tôi là người trực tiếp đứng lớp và xử lý, nhắc nhở các trường hợp các em dùng điện thoại chưa đúng mục đích, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến thời lượng giảng dạy. Theo tôi thì các em không cần thiết phải sử dụng điện thoại ngay trong giờ học. Tại nhà trường cũng đã có những trường hợp các em học sinh vì chưa suy nghĩa chín chắn đã đưa những lời nói, hình ảnh phản cảm lên mạng xã hội và gây nhiều luồng dư luận không tốt.

Chị Phùng Thị Thu Trang, giáo viên Trường THCS Chu Văn An, cho hay: Phần lớn giáo viên chúng tôi sợ học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là vì không thể kiểm soát được nội dung, thời gian sử dụng điện thoại của các em.

Việc mang điện thoại tới lớp là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh. Một số nhà trường đã áp dụng biện pháp các em được mang theo điện thoại nhưng phải tắt nguồn, đến giờ tan trường mới được mang ra sử dụng hoặc liên lạc với người thân để đưa đón về nhà. Theo anh Vũ Ngọc Cường, tổ 9, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên): Việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học chưa thực sự cần thiết, vì các em lứa tuổi chưa có suy nghĩ chín chắn trong giao tiếp trên mạng xã hội. Tôi biết rằng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị điện thoại cho con em mình. Nếu trong một lớp học, học sinh này có điện thoại nhưng học sinh khác thì không sẽ dẫn đến sự so bì, phân biệt, mặc cảm, tủi thân giữa các em với nhau. Trong môi trường đầy rẫy rủi ro như mạng xã hội, các em có thể bị dụ dỗ, kích động, trêu chọc hoặc bị lôi kéo phạm tội bất cứ lúc nào.

Có thể thấy, việc thay đổi quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp học để phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin, không hạn chế những hoạt động dạy học nếu thầy cô thấy rằng học sinh sử dụng điện thoại thông minh để truy cập vào nguồn học liệu trên mạng sẽ hiệu quả hơn, giúp thúc đẩy đổi mới phương pháp tổ chức dạy và học. Nhưng việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại thế nào cho hiệu quả thì ngoài vai trò quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình cần tuyên truyền, giáo dục để các em học sinh có nhận thức đúng đắn và sử dụng điện thoại di động cho việc học tập, sinh hoạt, xây dựng cho các em ý thức sử dụng điện thoại di động một cách hợp lý và hiệu quả.