Với những học sinh khuyết tật, cô giáo Vũ Thị Thu Phương, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên không chỉ là người truyền đạt kiến thức còn là một người mẹ hiền, mang đến cho các em sự giúp đỡ, sẻ chia. Tấm lòng nhân ái của cô giáo Phương là điểm tựa tinh thần, tạo động lực giúp các em vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập, vươn lên trong cuộc sống.
Đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh vào giờ ra chơi, chúng tôi thấy những em nhỏ khuyết tật đang nô đùa rất hồn nhiên. Thấy có khách lạ, lũ trẻ ngước đôi mắt trong veo nhìn chúng tôi nhoẻn miệng cười. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Phương vừa giới thiệu đây là em Nhi, tôi gặp em khi em mới 4 tuổi còn bé tí ti, nay đã 12 tuổi rồi; còn kia là Hùng, lúc mới vào trường mới 6 tuổi thôi, đến lớp lúc nào cũng khóc không muốn đi học, nay đều đã lớn như thanh niên…
Cũng bởi tình yêu thương dành cho trẻ khuyết tật mà chị đã nung nấu ý định gắn bó với công việc này ngay từ khi còn đi học. Bởi vậy, khi học đại học chuyên ngành Mỹ thuật tại Hà Nội, chị bắt đầu nghiên cứu làm sao để có thể giao tiếp với các em nhỏ khiếm thính. Chị say mê nghiên cứu các tài liệu tự sưu tầm được, tìm hiểu qua Internet để có thể biết giao tiếp ngôn ngữ ký hiệu. Năm 2009, tốt nghiệp ra trường, mặc sự ngăn cản của người thân, bạn bè chị quyết định xin vào làm giáo viên tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh.
Cô giáo Phương chia sẻ: Ngày đầu đứng lớp dạy trẻ em khiếm thính, tôi hồi hộp lắm. Vì đã tìm hiểu nên tôi biết rằng với những em nhỏ khiếm thính, hành động thay cho ngôn ngữ để diễn tả được lời nói, cảm xúc. Bởi vậy, tôi bắt đầu giao tiếp với các em bằng ngón tay, cử chỉ. Thấy cử chỉ của tôi còn vụng về, lũ trẻ cười ngặt nghẽo khiến tôi càng lúng túng. Lâu dần, tôi đã làm quen và gần gũi với các con nhiều hơn. Và từ đấy tâm hồn của mình thêm đồng điệu, gần gũi với bọn nhỏ.
Quan sát cô giáo Phương dạy các em học sinh, chúng tôi mới thấy sự tận tụy hết lòng mà cô đã dành cho các em. Hôm nay, cô giáo Vũ Thị Thu Phương dạy môn Đạo đức … 20 cặp mắt chăm chú từng cử chỉ của cô. Để hỏi học sinh trả lời câu hỏi, cô Phương gõ tay xuống bàn, để các em chú ý, rồi bắt đầu sử dụng hai tay để giao tiếp với học sinh. Các con cho cô biết những việc của học sinh ngoan khi ở trong lớp nào? Lần lượt từng em được cô gọi sử dụng các ngón tay của mình để trả lời câu hỏi.
Cô giáo Phương chia sẻ: Dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật càng khó hơn. Tôi cùng các cô giáo khác phải tự bày mẹo để các con hiểu bài giảng. Đối với mỗi học sinh khuyết tật lại cần phải có một phương pháp giảng dạy khác nhau. Như với các em khiếm thính thì dùng phương pháp trực quan là chủ đạo, mình dạy bằng các cử chỉ, ký hiệu, ngón tay, tạo sự giao tiếp cho các em. Đối với trẻ tự kỷ thì lại hay có những hành vi bất thường, phải tìm các giải pháp nhằm giảm thiểu hành vi, điều hòa cảm giác, tạo cảm giác cho các em. Còn đối với các em chậm phát triển thì phải dạy những từ ngắn gọn, đơn giản nhất để cho các em hiểu và lặp đi lặp lại nhiều lần. Các em đều chậm nhớ và rất mau quên nên tôi phải thường xuyên trò chuyện, trao đổi để cho học sinh có niềm tin tưởng ở cô, lúc đó các em mới hợp tác, mình mới dạy tốt được…
Ngoài việc dạy trên lớp, ở Trung tâm, mỗi tuần giáo viên phải luân phiên trực từ 17 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau để chăm lo cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ. Khác với các trường học bình thướng khác, cô Phương và các đồng nghiệp ở đây phải theo sát các hành động của học sinh. Cô giáo Phương nói: Nhiều học sinh còn nhỏ đã phải xa bố mẹ, sống tự lập tại môi trường mới nên lạ giường không ngủ được. Bởi thế, tôi phải bế lên vai, hát ru cho đến khi em ngủ mới yên tâm.
Sự gắn kết dài lâu đã khiến cô, trò ngày càng trở nên thấu hiểu và thương yêu nhau nhiều hơn. Với cô, sự tiến bộ của học sinh là nguồn động viên lớn nhất. Rồi cô kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của học sinh khiếm thính Tạ Văn Đức. Những ngày đầu đến lớn, Đức luôn sợ sệt mọi người xung quanh. Trong quá trình dạy, tôi phải giao tiếp thật nhiều với con. Tôi rất mừng khi dần dần, tôi đã thu hút được sự chú ý để Đức bắt đầu giao tiếp bằng ánh mắt với mình. Tiếp đó, biết đưa đồ vật cho tôi. Sau những ngày đầu gian nan, con dần dần bạo dạn hơn, biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Giờ con đã lên lớp 5, lớn và chững chạc hơn hẳn.
Trải qua 11 năm dạy học, với kinh nghiệm của bản thân, cô giáo Phương còn tham gia các dự án xã hội như dự án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học (QIPEDC) do Quỹ hợp tác toàn cầu theo kết quả đầu ra ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Cô giáo Phương chia sẻ: Trong những chuyến đi dạy học ở những tỉnh thành khác nhau, tôi thấy ấn tượng khi được gặp những ông bố, bà mẹ có con bị khiếm thính. Dù chưa biết mặt chữ, không biết tiếng Kinh vẫn cặm cụi đi học ngôn ngữ ký hiệu, để có thể giao tiếp với con, giúp con hòa nhập với mọi người.
“Tình cảm của trẻ khuyết tật mộc mạc, giản dị lắm. Ngày 20-11, có em tặng một bông hoa cho cô giáo, hay đơn giản là một lời chúc chân thành từ các em là các cô giáo đã cảm thấy hạnh phúc lắm. Nhiều năm gắn bó với nghề tôi hiểu được chỉ có những cô giáo giàu lòng nhân ái mới bám trụ được công việc nhiều gian khó này. Nếu các em nhận được một nền giáo dục, tình yêu thương ngay từ khi còn nhỏ thì dù có khiếm khuyết gì đều có thể vượt qua được. Tôi vẫn thường khuyên bố mẹ các em tin tưởng vào con của mình, rồi các con sẽ trưởng thành, kết hôn như những người bình thường, sẽ tự viết cho mình một cuộc đời tươi sáng hơn. Thực tế tại trường nhiều học sinh đã thành công với cuộc sống của mình” Cô giáo Phương chia sẻ.