Nghề cao quý

08:52, 20/11/2020

Ngày 20-11 hàng năm không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học. Chính vì vậy, sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người. Công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy. Phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm, tri thức của mình… để tạo ra “sản phẩm” vừa uyên thâm về tri thức, vừa thấu hiểu đạo lý làm người. Sản phẩm đó không giống như chiếc áo của anh thợ may, chiếc ghế gỗ của anh thợ mộc hay một vật dụng cụ của một người thợ nào khác mà chính là con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo.

Dân tộc ta có truyền thống quý báu là tôn sư, trọng đạo. Trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy giáo, cô giáo không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn thể hiện lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực. Vì thế, các thầy, cô giáo luôn có quyền tự hào về nghề dạy học của mình.

Trong số hơn 20.000 nhà giáo đang công tác tại các trường học trên địa bàn tỉnh, có gần 1.000 giáo viên hằng ngày vẫn miệt mài trên những chặng đường vượt núi từ 20-40km rời nhà đến với lợp học vùng sâu, vùng xa. Công việc của giáo viên vùng cao mỗi buổi sáng thường bắt đầu từ 5h30 và kết thúc trở về gia đình khi đã tối trời. Những ngày mưa lũ, trường học thành nơi tạm trú cho cả giáo viên và học sinh vùng sâu, vùng xa. Khó khăn là vậy, nhưng các thầy, các cô vẫn kiên trì tạo dựng cho trường lớp ngày một khang trang và để học trò mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Đó cũng chính là mục tiêu mà toàn ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học tập và sáng tạo” trong suốt 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020).

Thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch, cô và trò Trường THPT Định Hóa tham gia hoạt động trải nghiệm môn Lịch sử tại Di tích Lịch sử Nhà tù Chợ Chu (Định Hóa). 

Tổng kết phong trào thi đua lao động sáng tạo toàn ngành đã nhận được gần 130 nghìn sản phẩm đồ dùng dạy học cải tiến, sửa chữa và sáng chế của chính các thầy, cô giáo đang trực tiếp dạy học. Đặc biệt, toàn ngành đã có trên 15 nghìn sáng kiến trong hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh những năm qua. Vừa dạy học, vừa thiết kế, chế tạo đồ dùng dạy học, lại vừa chủ động tự học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức để bắt kịp xu hướng phát triển khoa học và công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bởi lẽ, các thầy cô giáo luôn biết: Không nâng cao, thiếu cập nhật kiến thức là sẽ lạc hậu và đồng nghĩa sẽ kéo sự nghiệp giáo dục tụt hậu. Chính vì vậy, chất lượng đội ngũ giáo viên luôn bảo đảm đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, trong đó, giáo viên bậc mầm non đạt vượt chuẩn gần 82%, bậc tiểu học vượt chuẩn trên 98%, THCS gần 89% và THPT vượt chuẩn gần 40%. Đây cũng là những nhân tố quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng các bộ tiêu chuẩn về trường học và trường chuẩn quốc gia.

Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 572/683 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm gần 84%. Thành tựu đó đều do chính đội ngũ giáo viên các nhà trường tự chủ động học tập nâng cao vì một mục tiêu duy duy nhất: Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh. Để hỗ trợ một phần khó khăn cho đội ngũ giáo viên tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người, trong những năm gần đây, mỗi năm, Thái Nguyên dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ để bảo đảm chương trình giáo dục, chống quá tải, duy trì quy mô trường, lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn ngành những năm qua đã hỗ trợ trên 2 tỷ đồng sửa chữa nhà công vụ cho giáo viên, hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Đặc biệt, Công đoàn ngành đã phát động cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn” bằng sách, vở, đồ dùng sinh hoạt... trị giá trên 8,6 tỷ đồng; hỗ trợ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống với số tiền trên 9 tỷ đồng... Mặc dù còn nhiều khó khăn trước áp lực về biên chế, cơ chế tuyển dụng và thu nhập so với mặt bằng chung các loại hình lao động khác trước sức ép tăng trưởng “nóng” tại các khu công nghiệp, nhưng giáo viên đa số vẫn gắn bó với sự nghiệp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, xã hội biến chuyển nhanh chóng, yêu cầu đối với giáo dục ngày càng cao, nghề giáo đang đứng trước nhiều áp lực. Khác hoàn toàn với những nghề khác trong xã hội, vì không xác định thời gian lao động trong một ngày. Sau giờ đứng lớp, về nhà các thầy, cô còn phải làm rất nhiều việc khác như soạn giáo án, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, làm các loại sổ sách... Nhà giáo không đơn thuần là làm công việc giảng dạy, mà còn phải tham gia các phong trào. Khi mà xã hội tràn ngập những hiện tượng bạo lực, hàng loạt những thói hư tật xấu thì đều hướng đến trách nhiệm giáo dục. Lẽ ra gia đình, xã hội nên hỗ trợ, chung tay với giáo viên, với nhà trường, thì hình như dư luận lại chỉ tìm cách đổ lỗi cho giáo viên mà thôi. Những áp lực vất vả mà người giáo viên đang gánh vác, dù muốn hay không cũng phải toàn tâm, toàn ý hết lòng với học trò và xứng đáng là kỹ sư tâm hồn.

Cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, trong đó vị trí thầy, cô giáo được coi là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy. Sứ mệnh của nhà giáo hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam. “Sản phẩm” của các thầy, cô giáo làm ra cũng chính là nhân tố trọng yếu, cơ bản để bảo đảm an ninh, chính trị quốc gia trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy, PGS, TS Toán học, thầy giáo Văn Như Cương từng viết: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ..., nhưng trước hết phải là những người tử tế”. Và chỉ có giáo dục mới tạo ra những con người như vậy.



Tìm hiểu điểm sat là gì