Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm vừa qua, tập thể, cán bộ giáo viên Trường Mầm non Văn Lăng, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) luôn cố gắng về mọi mặt. Nhà trường được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua. Nhắc đến ngôi trường này, các thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây còn tự hào khi Nhà trường có 2 cô giáo trẻ tuổi nhưng hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Người chúng tôi muốn nhắc đến là cô giáo Chu Thị Dung và Đỗ Thị Tình, cùng sinh năm 1986, vừa được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sinh ra và lớn lên tại xã nghèo Văn Lăng nên ngay từ nhỏ, ước mơ làm cô giáo để giúp các em nhỏ ở địa phương thoát cảnh mù chữ luôn đau đáu trong cô nữ sinh Chu Thị Dung. Tốt nghiệp THPT, cô Dung đã thi vào Khoa Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Tốt nghiệp từ năm 2008, đến nay cô Dung đã dạy hợp đồng nhiều trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2012, cô thi công chức và đã được phân công giảng dạy tại Điểm trường Liên Phương, Trường Mầm non Văn Lăng.
Với đặc thù là Điểm trường có gần 100% trẻ em dân tộc Mông nên thời gian đầu vào giảng dạy ở Liên Phương, cô giáo Dung không tránh khỏi bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn. Cô Dung chia sẻ: Thời gian đầu, mình được giao dạy các cháu lớp 3 tuổi, là lứa tuổi bé nhất của Điểm trường này. Vì các con còn nhỏ, nói chưa thạo tiếng bố mẹ đẻ nên khi thấy cô giáo nói tiếng Việt thì ngơ ngác. Cô không hiểu trò muốn gì và ngược lại trò cũng không biết cô nói gì nên rất khó khăn trong giảng dạy và chăm sóc các con. Tuy nhiên, về lâu dài, mình quan tâm, chăm sóc và gần gũi nên các con dần mạnh dạn hơn, cô trò hiểu nhau, biết nghe và hiểu những gì cô giáo nói. Càng về sau, các con rất thích đến lớp học, phụ huynh học sinh cũng vì thế mà chăm đưa con đến trường.
Nhờ sự tận tâm, yêu thương các trẻ như con cô Dung đã chiếm trọn được cảm tình, sự tin tưởng của các bậc phụ huynh khi gửi con em mình đến trường. Đó chính là động lực giúp cô vượt qua khó khăn và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong công việc. 8 năm liền cô đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến. Ngoài ra, mới đây, cô còn được Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương vì sự phát triển các dân tộc; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ; được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng là người dân tộc thiểu số đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh tại các vùng biên giới và vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Có chung niềm đam mê với nghề như cô Dung, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, năm 2016, cô giáo Đỗ Thị Tình đã được phân công giảng dạy tại Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng. Đây là điểm trường xa nhất ở xã Văn Lăng, đường sá đi lại rất khó khăn. Vậy nhưng, với niềm đam mê nghề, tình yêu thương trẻ, cô Tình không quản ngại khó khăn nhận công công tác tại đây.
Giống như ở Liên Phương, học sinh ở Bản Tèn đều là đồng bào dân tộc Mông, không biết tiếng Việt. Đây cũng là khó khăn với cô giáo Tình khi mới nhận công tác. Tuy nhiên, với tư duy nhanh nhạy, sáng tạo trong cách dạy, cô Tình đã có nhiều cách tiếp cận, giảng dạy bằng tiếng Việt giúp các em có niềm đam mê, thích thú khi đến trường. Từ một cô giáo không biết tiếng dân tộc Mông nhưng giờ đây, cô Tình có thể dạy các em học sinh bằng phương pháp song ngữ, thậm chí có thể hát được tiếng dân tộc Mông rất hay. Năm 2020, cô Tình vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích trong thực hiện Đề án “Tăng cương tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” giai đoan 2016-2020.
Nhận xét về cô Tình và cô Dung, cô giáo Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn Lăng cho biết: Bản Tèn và Liên Phương là hai điểm trường nằm cách xa trung tâm xã. Hiện nay, ở hai điểm trường này có 135 cháu, độ tuổi từ 3-5 tuổi. Trẻ em ở đây phần lớn nhút nhát, rụt rè, vốn tiếng Việt của trẻ rất ít nên ngại giao tiếp. Đây là khó khăn với các cô giáo khi giảng dạy tại đây. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cô giáo, đặc biệt là cô Tình và cô Dung, có nhiều ý tưởng, sáng tạo trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số nên kết quả mà Nhà trường có được là tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đến trường đạt cao. Với sự đóng góp của cô giáo Tình và cô Dung cùng các cô giáo khác nên những năm qua, Nhà trường luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp trên giao.