Học mà chơi, chơi mà học

05:48, 01/12/2020

Mỗi môn học dành từ 15-20% thời gian trong phân phối chương trình để học sinh học tập thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế. Mỗi môn học đều có sự tích hợp liên môn để giải quyết các vấn đề từ thực hành đến lý thuyết - Đó là cách tổ chức dạy và học đổi mới sáng tạo trong các trường THCS ở T.P Thái Nguyên.

Đối với các em học sinh bậc THCS trên địa bàn T.P Thái Nguyên, việc làm quen và sử dụng các thiết bị điện tử, cảm ứng điện tử đã không còn xa lạ. Hàng ngày, các em đều được tiếp xúc, hoặc được vận hành một số dụng cụ điều khiển từ xa một cách thuần thục. Đơn giản như điều khiển đóng mở cửa nhà, điều khiển TV, đo thân nhiệt bằng thiết bị cảm biến tự động, hay như bóng điện tự động sáng khi có người qua để tiết kiệm điện...

Cô giáo Trần Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TH&THCS 915) nhận thấy phương pháp dạy và học thuần túy theo sách giáo khoa nhiều khi học sinh trở nên mệt mỏi, giáo viên thì luôn tư duy máy móc chạy theo phân phối chương trình trong sách. Chính vì vậy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã phát động chương trình dạy học sáng tạo và trải nghiệm thực tế trong toàn trường. Mỗi bộ môn một sản phẩm và mỗi sản phẩm là sự kết hợp liên môn để giảm áp lực cho học sinh, đồng thời khai thông tư duy sáng tạo cả giáo viên và học sinh.

Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật bậc THCS của T.P Thái Nguyên mới đây, Ban Tổ chức đã nhận được gần 100 đề tài, dự án, trong đó có 46 đề tài, dự án được chọn vào chung khảo. Hai dự án “Nghiên cứu thiết bị đo và cảnh báo vật cản cho người khiếm thị” tích hợp trên kính che mắt và Chế tạo “Thiết bị cảnh báo trẻ em trước màn hình tivi” của Trường TH&THCS 915 đã giành giải Nhất. Mặc dù các sản phẩm dự thi và sản phẩm đoạt giải đều không phải những phát minh hay tạo ra những đột phá trong chế tạo và phát kiến, nhưng hầu hết các sản phẩm đều hướng đến tính tiện ích và ứng dụng cao dựa trên nền tảng các ứng dụng, vật dụng công nghệ khác đã có sẵn trong cuộc sống hàng ngày. Lý Dương Khánh và Nguyễn Ngọc Linh Anh, lớp 9A1, đã đưa ra ý tưởng bảo vệ sức khỏe về mắt cho trẻ em, cũng như quản lý trẻ em khi xem TV.

Linh Anh chia sẻ: “Thời gian tạm nghỉ học phòng, chống dịch COVID-19, em vừa học trực tuyến, vừa phải trông em nhỏ khi cậu ta luôn bám lấy màn hình TV xem hoạt hình... Rất khó kiểm soát và bản thân em bị phân tán nhiều khi đang học trực tuyến. Mỗi lần cậu em bật TV gần như bám sát màn hình, xem xong rất mệt mỏi, thậm chí có biểu hiện rối loạn thị giác, trong khi TV không hề có thiết bị cảnh báo về khoảng cách an toàn cho người xem trước màn hình. Từ suy nghĩ đó, em đã bàn với bạn Lý Dương Khánh đề xuất với thầy giáo dạy Lý và tìm hiểu cách thức chế tạo ra thiết bị này, để không cho trẻ đến quá gần màn hình khi ánh sáng xanh phát ra ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe về mắt”.

Thầy giáo Bùi Ngọc Viễn là người hướng dẫn các em thực hiện đề tài nghiên cứu nhận xét: “Thực chất chỉ là ứng dụng công nghệ, nhưng để làm việc gì và làm thế nào, tại sao lại như vậy?... là những câu hỏi mà giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh tìm hiểu để tính toán cho đúng khoa học. Các em đã vận dụng kiến thức về mạch điện, kiến thức về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các loại thiết bị điện: Cảm biến phát hiện vật cản, thiết bị đóng ngắt, mạch điện, nguồn điện... được học và nghiên cứu trước trong chương trình Vật lí 7, Vật lí 9, Công nghệ 8. Cùng với những kiến thức về mắt trong môn Sinh học... Từ những kiến thức đã học, tôi hướng dẫn các em sưu tầm thiết bị cho phù hợp và thiết kế chuyển động theo góc người ngồi trươc màn hình TV, để có khoảng cách an toàn, đồng thời tự động ngắt nguồn khi đến gần. Điểm mới chính là thiết bị này chưa được tích hợp trong các thiết bị TV hay máy tính hiện đang lưu hành”.

Còn Lê Tiến Hoàng Minh lớp 8A1 lại đam mê các trò chơi điều khiển điện tử, tự động. Minh đã nghĩ ra thiết kế thiết bị cảnh báo vật cản tích hợp ngay trên kính mắt dành cho người khiếm thị. Chỉ bằng ngòn tay, gắn lên gọng kính, tích hợp tai nghe đeo vào mắt, rồi ứng dụng công nghệ kỹ thuật laser để cảm biến khoảng cách chính xác về vật cản phía trước rồi báo lại cho người sử dụng phóng tránh tai nạn. Tia laser sẽ cho phép người khiếm thị hình dung không gian xung quanh tốt hơn, làm tăng khả năng chủ động của người sử dụng. Minh tâm sự: “Em thấy trên mạng có nhiều thiết bị rất hiện đại hỗ trợ cho người khiếm thị, nhưng đa số là các đồ vật khá cồng kềnh, trong khi kính là vật dụng thường xuyên gắn với người khiếm thị, nên em đã tìm ra giải pháp tiện ích hơn...”.

Học đi đôi với thực hành, trải nghiệm thực tế để giải thích bằng kiến thức trong sách giáo khoa chính là một trong những yêu cầu đổi mới hoạt động dạy và học trong các nhà trường. Thực tế từ những sản phẩm tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh cho thấy ứng dụng khoa học và công nghệ trong cuộc sông rất phong phú, nhưng để vận dụng tạo ra những sản phẩm sáng tạo phù hợp với thực tiễn rất cần sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong hoạt động trải nghiệm mà ở đó giáo viên là người dẫn dắt. Học mà chơi, chơi mà học chắc chắn sẽ tạo ra không gian mở để phát huy tối đa năng lực sáng tạo cho học sinh. Hy vọng những ý tưởng sáng tạo sẽ không dừng lại ở các cuộc thi, mà chính là định hướng tương lai cho học sinh về lâu dài.