Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy, học tập trong các nhà trường là xu thế tất yếu. Những năm qua, ngành Giáo dục - Đào tạo luôn đi đầu xu thế này, tuy nhiên vẫn còn gặp khó.
Tiện ích trăm bề
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hưng cho hay, hiện nay, hầu hết các trường học (trừ một số phân trường lẻ vùng sâu, vùng xa) trên địa bàn tỉnh đều đã kết nối mạng Internet. 400 trường/gần 700 trường đã tích hợp liên thông với cấp phòng, cấp sở, Ngành cũng đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giáo viên, học sinh, kết quả học tập của học sinh… Hệ thống quản lý văn bản cũng kết nối liên thông từ Sở xuống đến cấp trường. Các trường đảm bảo trang bị từ 1-3 phòng máy vi tính có kết nối mạng Internet phục vụ công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
Nhờ ứng dụng nền tảng phần mềm CNTT, như: Phần mềm SMAS quản lý nhà trường của Viettel; một số phần mềm của VNPT về hỗ trợ học và thư trực tuyến Vnedu LMS; hệ thống phần mềm sổ liên lạc điện tử và tin nhắn điều hành vnEdu-SLL; hệ thống phần mềm thời khóa biểu vnEdu-TKB… Thông qua đó, nhà trường, phụ huynh, học sinh biết được kế hoạch giảng dạy, học tập, tu dưỡng, rèn luyện của học sinh qua online…
Học sinh Trường Tiểu học Lũng Luông lên núi dựng lán “canh sóng” điện thoại để học bài.
Có thể thấy, việc ứng dụng nền tảng CNTT trong quản lý giáo dục, giảng dạy trên môi trường mạng khá tiện ích so với cách thức quản lý giáo dục và giảng dạy truyền thống trước đây của ngành Giáo dục. Cô giáo Nguyễn Kim Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thành 1 (T.X Phổ Yên) chia sẻ: Việc chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm CNTT giúp công tác quản lý giáo dục, giảng dạy hiện nay hết sức thuận lợi, đặc biệt việc ứng dụng một số phần mềm do Viettel cung cấp được áp dụng trong quản lý nhà trường; phổ cập giáo dục, họp trực tuyến…
Đơn cử, 2 năm về trước, trong những tháng nghỉ Hè, tôi thường mất khoảng 1 tháng để tập huấn kiến thức triển khai nhiệm vụ năm học mới thì nay, thông qua hệ thống đào tạo giáo viên online tôi không phải học tập trung mà học qua online, kết qảu vẫn rất tốt.
Còn chị Nguyễn Thị Hà, có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (T.P Thái Nguyên) bày tỏ: Trước đây, muốn biết về tình hình học tập của con ở lớp, tôi phải đến tận Trường hoặc điện thoại để hỏi giáo viên, nhưng nay, nhờ vào cài đặt phần mềm theo dõi các con trên điện thoại, tôi biết được tình hình học tập của con mọi lúc, nên rất an tâm.
Vẫn còn gặp khó
Mặc dù đã có nhiều giải pháp đồng bộ trong cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, nhưng hiện nay, tại một số điểm trường vùng sâu, vùng xa mạng Internet, sóng điện thoại vẫn là thứ xa xỉ. Tôi còn nhớ, đầu năm 2020, hình ảnh các em học sinh Trường Tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) lên núi dựng lán để dò sóng điện thoại học bài được phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Chị Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lũng Luông chia sẻ: Thời gian vừa qua, do bùng phát dịch COVID-19, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Võ Nhai yêu cầu các trường dạy học theo hình thức trực tuyến, nhưng đối với Trường Tiểu học Lũng Luông thì không thể, vì không có mạng Internet. Để đảm bảo chương trình, chúng tôi phải giao bài cho các em học sinh theo nhóm (từ 3-5 học sinh), rồi nhờ các trưởng thôn thu bài, sau đó, chúng tôi kiểm tra lại. Còn đối với giáo viên, tất cả các buổi họp, tập huấn do Sở, Phòng Giáo dục - Đào tạo Võ Nhai triển khai, chúng tôi đều phải nhờ phòng họp của Trường Tiểu học Thượng Nung (cách 6km).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường Tiểu học Lũng Luông không phải là ngoại lệ, một số phân trường thuộc một số trường tiểu học khác trên địa bàn các huyện: Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương cũng trong tình trạng không có sóng điện thoại hoặc Internet. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục hiện nay chủ yếu vẫn đang ứng dụng phần mềm miễn phí, việc bảo mật không cao, việc hỗ trợ người dùng không được nhiều, đây cũng là một trong những khó khăn trong ứng dụng CNTT của Ngành hiện nay.
Trước thực trạng này, ông Vũ Hồng Quân, Giám đốc Viettel Thái Nguyên cho hay: Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện việc chuyển đổi số, ngành Giáo dục không nằm ngoài thực hiện nhiệm vụ này. Để thực hiện tốt, Ngành cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp về viễn thông, CNTT, dịch vụ số đồng bộ.
Để đồng hành cùng ngành Giáo dục, chúng tôi tiếp tục đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao tốc độ đường truyền Internet, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông để đưa Internet đến những vùng khó khăn. Còn theo đại diện VNPT Thái Nguyên, đợn vị sẽ tiếp tục đưa những giải pháp vượt trội để nâng cấp đường truyền, hệ thống phần mềm tối ưu để giáo viên có thể số hóa tài liệu, học liệu bản mềm thay bài giảng truyền thống, thiết lập giáo án điện tử và lưu hệ thống; dịch vụ quản lý nhà trường (vnEdu) để giảm bớt công việc thủ công, các thủ tục hành chính trong quản lý của nhà trường; ứng dụng VnEdu Connect dành cho các phụ huynh, học sinh giúp kết nối với nhà trường mọi lúc mọi nơi…