Luôn tự “làm mới” mình trước yêu cầu đổi mới giáo dục

08:26, 19/11/2021

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, nghề giáo và sự nghiệp giáo dục có những yêu cầu khác nhau. Đặc biệt là hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số có những tác động quan trọng, mạnh mẽ, đặt ra những yêu cầu mới đối với sự nghiệp giáo dục… Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), chúng ta cùng nhau suy nghĩ về nghề nghiệp để có những hành động thích hợp trong bối cảnh mới, cùng nhau bước tiếp trên con đường vinh quang nhưng cũng có nhiều thách thức phải vượt qua.

Nhà giáo phải chủ động thích nghi với 2 sự thay đổi lớn

Về mục tiêu giáo dục, trong Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ban hành năm 2019 đã có sự thay đổi rất quan trọng: "Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam…". Đây là điểm rất khác biệt với mục tiêu cũ là "đào tạo con người toàn diện". Sự thay đổi lớn này đã tiếp cận xu hướng quốc tế - giáo dục khai phóng, đề cao giá trị con người, là thực hiện lời dạy của Bác Hồ từ năm 1945: "Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em".

Với tư tưởng phát triển toàn diện con người, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường. Giáo dục nhà trường không thể đơn độc trong việc quyết định chất lượng con người. Nhà trường là nơi tạo môi trường sáng tạo, nhân cách phải do chính con người quyết định.

Cách hiểu cũ về giáo dục chỉ trong phạm vi nhà trường (một chương trình, một sách, một giáo viên, một cách chấm điểm và trong một không gian cụ thể…), vì thế người dạy sẽ giữ vị trí độc tôn, nội dung phải đủ đầy "toàn diện" dẫn đến quá tải, phải giống nhau ở đầu ra. Trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, thay đổi đầu tiên là giáo dục mở, trước hết xuất phát từ con người, cho con người và vì con người. Giáo dục mở tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không hẳn là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không cần đồng nhất trong không gian, thời gian cụ thể…

Quan niệm về việc học cũng phải thay đổi, chẳng hạn, tại sao chỉ khi đến trường mới là đi học? Ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud) cùng trí tuệ nhân tạo (AI)… sẽ giúp chúng ta có câu trả lời. Trong xã hội số, cũng xuất hiện quan điểm quá đề cao yếu tố kỹ thuật công nghệ, xem nhẹ yếu tố con người. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng khái niệm công nghệ, chỉ gồm 1 yếu tố kỹ thuật (Technology), còn 3 yếu tố là: Nguồn lực người (Human), nguồn lực thông tin (Information), nguồn lực tổ chức (Organization). "Công nghệ - đó là quá trình mà trong đó, khoa học và công nghệ được truyền bá thông qua hoạt động của con người " (H.Brooks).

Như vậy, nhân tố con người, nguồn lực con người trong cấu trúc năng lực kỹ thuật vẫn là trọng tâm. Trong quãng thời gian giảng dạy trực tuyến vừa qua, liệu chúng ta có tìm thấy cơ hội gì trong đó, liệu có nên đặt ra nhu cầu tiếp cận giáo dục quốc tế từ chuyển đổi số? Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp sinh viên học hỏi từ bất cứ nơi nào trên thế giới…

Mô hình góc học tập trải nghiệm và sáng tạo tại Trường Tiểu học số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ) thu hút đông đảo học sinh tham gia. 

Tuyển dụng nhân viên quản lý có cần nữa không khi AI sẽ hỗ trợ giảng viên chấm điểm, dạy kèm, phần mềm giáo dục, cải thiện tình hình học tập theo tốc độ riêng của mình, theo dõi sự tiến bộ của người học. Đây là cơ hội lớn mà chúng ta không thể bỏ qua. Như vậy, giảng viên đại học cần nhận diện đúng bản chất của 2 vấn đề trên để tăng sự tự tin và thích nghi với sự thay đổi ấy…

Trách nhiệm của nhà giáo

Trong khuyến nghị của UNESCO đã nhấn mạnh sự thay đổi của người thầy tập trung vào 8 vấn đề năng lực, trong đó nhấn mạnh: Phải đảm nhận nhiều chức năng khác hơn so với trước, có trách nhiệm nặng hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục; tổ chức việc học của học sinh; coi trọng hơn việc cá biệt hóa học tập; sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy học hiện đại; hợp tác rộng rãi với các giáo viên, cha mẹ học sinh; hoạt động xã hội trong và ngoài trường…

Đồng thời, trách nhiệm của người thầy thể hiện ở 5 lĩnh vực: Trách nhiệm với học sinh, với xã hội, với nghề nghiệp, với việc hoàn thành tốt công việc và trách nhiệm đối với các giá trị cơ bản của con người. Những tổng kết của UNESCO từ vài chục năm trước, đến nay vẫn nguyên giá trị bởi dù thay đổi bối cảnh, thách thức lớn, đặc trưng văn hóa các quốc gia dân tộc khác nhau về điều kiện, về sắc thái nhưng kết đọng lại ở những vấn đề sau: Năng lực cống hiến, sức sáng tạo và trách nhiệm của người thầy…

Môi trường giáo dục sẽ ra sao nếu không có nhiều người thầy có trách nhiệm? Quản trị đại học hiện đại phải có trách nhiệm khai phóng người thầy bằng các chính sách, đặc biệt là chính sách nhà giáo; xây dựng và phát triển môi trường giáo dục để từng giảng viên có trách nhiệm cao với công việc của mình. Có như vậy, mới duy trì được niềm cảm hứng bất tận của người thầy đối với sự nghiệp trồng người. Chúng ta tự hào vì có nhiều thầy cô tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng phẩm chất cống hiến đã trở thành lẽ sống tự nhiên.