Trong xã hội còn không ít định kiến về phụ nữ, như khó có thể trở thành lãnh đạo; không thể tự mình gây dựng sự nghiệp... Nhưng, nhiều người phụ nữ đã chứng minh điều ngược lại, họ dám sống hết mình với đam mê và thành công trong nghiên cứu khoa học. Họ là những “bông hồng” của khoa học và công nghệ (KH&CN)trong nền kinh tế tri thức.
Ðam mê, nhiệt huyết, nhưng từ gia đình đến với các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là con đường không dễ dàng. Những công việc gia đình, nội trợ, chăm sóc con cái gần như chiếm hết quỹ thời gian của phụ nữ. Điều đó khiến những phụ nữ làm nghiên cứu khoa học càng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, chất "xúc tác" để làm sống lại những đam mê mà các chị từng ấp ủ thời son trẻ đó chính là những người thân trong gia đình, nhất là người chồng đã hết lòng ủng hộ để các chị thực hiện hoài bão của mình.
PGS,TS.Nguyễn Thị Hiền Lan, Trưởng Khoa Hóa (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên), chia sẻ: “Khi đứng trên bục giảng là giảng viên ngay ngắn và mô phạm, nhưng hết giờ là vận ngay đồ bảo hộ để túc trực bên phòng thí nghiệm với những chai, lọ, hóa chất... Nhiều khi, tôi ăn cơm tại phòng thí ngiệm vì không kịp về ăn cùng chồng và các con. Đặc thù của nghiên cứu thực nghiệm đôi khi chỉ là những thí nghiệm nhỏ, nhưng gác lại là đồng nghĩa bỏ lỡ cả một đề tài khoa học, hay một phần việc để thực hiện cả một dự án... Ngày còn trẻ, nhiều lúc, tôi định buông bỏ bớt công việc nghiên cứu, nhưng dường như là nghiệp rồi. Sự bận rộn mà tạo nên những thành công, dù là nhỏ cũng là động lực để tôi theo đuổi. Đã không ít lần, một tay tôi ẵm con đứng cả buổi trong phòng thí nghiệm để theo dõi các phản ứng hóa học...”.
Sự đam mê đã giúp nhà khoa học Nguyễn Thị Hiền Lan gặt hái được những thành công trong sự nghiệp. Liên tục từ năm 2018 đến nay, mỗi năm, PGS,TS. Nguyễn Thị Hiền Lan cho công bố gần 100 bài báo khoa học trên các diễn đàn, trong đó có 15 bài công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục Scopus và ISI, gần 100 bài báo khoa học quốc gia.
Sự cần mẫn, trách nhiệm của chị đã góp phần đưa chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Hóa học của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đạt chuẩn chất lượng các trường đại học Đông Nam Á năm 2021 và trong năm, PGS,TS.Nguyễn Thị Hiền Lan vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
PGS,TS.Nguyễn Thị Hiền Lan (ngoài cùng bên phải) và cộng sự làm việc tại phòng thí nghiệm sau đứng lớp trên giảng đường.
TS.Nông Thị Anh Thư (Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên) thì đến với NCKH bắt đầu từ hoa, lá, cỏ, cây làm dược liệu. Những bài thuốc gia truyền, bản địa của đồng bào dân tộc Nùng các tỉnh phía Bắc đã được các bậc tiền bối truyền lại cho cha, mẹ để lưu giữ đã được TS.Thư đưa vào phân tích và nghiên cứu sâu bằng kỹ thuật y - sinh hiện đại, kết hợp khoa học ngành Dược và Y học cổ truyền để bào chế, chiết suất thành dược phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn cao.
TS.Thư chia sẻ: “Công việc của tôi gần như hoạt động độc lập, khi lên rừng, lúc vào phòng thí nghiệm để tìm ra những thành phần hóa dược và các hoạt chất trong thảo dược để phục vụ chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiệm vụ NCKH còn làm sáng tỏ những điều mà thuốc gia truyền từ xưa để lại khi chưa có đủ các thuyết minh, phân tích khoa học, đồng thời góp phần gìn giữ và phát triển, không bị thất truyền”.
Năm 2020, tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên, sản phẩm ứng dụng công nghệ “Sản xuất gel bôi nhiệt miệng VIMIGEL từ dược liệu Pác lừ ” của TS.Thư cùng các cộng sự đã vượt qua 123 ý tưởng và giành giải Nhất.
Sau đó, TS.Thư đã bắt tay vào nghiên cứu sâu các loại thảo dược đem lại nhiều kết quả hữu ích cho lĩnh vực Dược phẩm. Đến nay, TS.Nông Thị Anh Thư đã tham gia 12 đề tài NCKH các cấp, trong đó có 2 đề tài NCKH cấp Bộ và có hàng chục bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành cũng như các tạp chí khoa học công nghệ trong nước. Thành công mà TS.Thư đạt được là từ sự đam mê, sự hậu thuẫn, cảm thông của gia đình và chấp nhận những thiệt thòi cho bản thân.
Vẫn cơm ngon, canh ngọt, thường xuyên quây quần với chồng, con mỗi khi rời công việc, nhà khoa học trẻ, ThS.Dương Thị Hồng (Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên) đến với hoạt động NCKH là để phục vụ giảng dạy đại học. Mới bước qua tuổi 30, nhưng chị đã có một bản thành tích rất ấn tượng trong lĩnh vực Toán học: Công bố 6 bài báo khoa học, trong đó có 5 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI; là phản biện cho tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI: Transactions of Institute of Measurement and Control; báo cáo viên tại nhiều hội thảo khoa học cấp quốc gia; Chủ nhiệm 1 đề tài KH&CN cấp Đại học Thái Nguyên; thành viên chính của 1 đề tài KH&CN cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời chuẩn bị hoàn thành nghiên cứu sinh Toán học.
Năm 2021, chị vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam giành được học bổng sau đại học của Hội Liên hiệp Toán học quốc tế (IMU).
ThS.Dương Thị Hồng tâm sự: “Càng học càng thấy mình thiếu hụt, càng nghiên cứu, càng thấy bản thân non nớt mà tri thức thì bao la... Cũng vui là mỗi hoạt động đều được thầy giáo, các nhà khoa học quốc tế, đồng nghiệp đánh giá tốt nên tôi có thêm động lực tiến xa hơn. May mắn nhất và hạnh phúc nhất với phụ nữ NCKH là có chồng, gia đình đồng cảm, ủng hộ, nên tôi đã có thêm nghị lực để vươn lên. Chính vì vậy, sau giờ làm việc, lúc nào tôi cũng thích dành thời gian cho nội trợ, chung vui với gia đình”.
Được biết, trong số gần 4.000 cán bộ, giảng viên và người lao động của Đại học Thái Nguyên, hiện có gần 60% là nữ. Đặc biệt, nữ cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ chiếm gần 50% trong số gần 800 tiến sĩ toàn Đại học, trong đó có 61 tiến sĩ là người dân tộc thiểu số. Nữ cán bộ có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm tỉ lệ 30%... Có thể nói những người phụ nữ này đã xóa bỏ định kiến lạc hậu về giới bằng nỗ lực không ngừng để gặt hái thành công từ chính đam mê của mình.