Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức được coi như “cái gốc của cây” trong quá trình hình thành nhân cách và năng lực của con người. Theo Người, “có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đức và tài liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung lẫn nhau cho con người toàn diện. Tư tưởng của Bác đã soi sáng “sự nghiệp trồng người” và được ngành Giáo dục (GD) cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp rèn đức, luyện tài, giúp học sinh (HS) phát triển toàn diện.
Mỗi trường một thông điệp
Tôi rất ấn tượng khi đến làm việc tại một số trường học trên địa bàn tỉnh, khi vào các lớp học, cả lớp đứng lên chào khách rất lễ phép. Các lớp học được trang trí bảo đảm thẩm mỹ, GD. Ảnh Bác Hồ được treo ở nơi trang trọng nhất. Đặc biệt, các trường tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, qua đó GD đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS; đổi mới phương pháp giảng dạy các môn đạo đức, GD công dân theo hướng tiếp cận tự nhiên, tránh giáo điều, cứng nhắc…
Từng nhà trường, bằng những việc làm cụ thể đều xây dựng thông điệp phù hợp với các đối tượng HS. Đơn cử như Trường Tiểu học Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) tổ chức lồng ghép những câu chuyện về Bác Hồ vào các tiết học, hoạt động ngoại khóa, từ đó đặt ra nhiều câu hỏi để các em tự rút ra bài học cho mình. Điều này đã tạo sự phấn khích và là động lực để HS vươn lên trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Năm học 2021-2022, HS toàn trường đã tham gia chương trình “Hũ gạo tình thương” để giúp đỡ các bạn nghèo được 324kg gạo; mua tăm ủng hộ người mù với tổng số tiền trên 6 triệu đồng…
Trường Tiểu học Khôi Kỳ (Đại Từ) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới môn học Đạo đức, tổ chức các hoạt động giáo dục nhân cách cho học sinh.
Đối với Trường THPT Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên), Nhà trường đã lồng ghép vào các hoạt động với bộ tiêu chí 21 nội dung về GD lễ phép, thân thiện, trung thực, trách nhiệm. Đồng thời, vấn đề phòng ngừa bạo lực học đường và tệ nạn xã hội trong nhà trường được đặc biệt chú trọng. Theo thầy giáo Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Nhà trường: Không chỉ duy trì thực hiện tốt nội quy nền nếp, rèn luyện kỹ năng sống cho học trò, các thầy, cô giáo còn thường xuyên gần gũi nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh để động viên, giúp đỡ HS, đặc biệt là với những em có hoàn cảnh khó khăn.
Được biết trong những năm qua, ngành GD tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng “thông điệp nhà trường”. Mỗi trường học đều xây dựng thông điệp phù hợp với đối tượng HS theo từng cấp học. Thông điệp phải hàm chứa những nội dung cốt lõi nhằm GD các em HS về sự lễ phép, thân thiện, trung thực, trách nhiệm, như: “5 xin” trong giao tiếp (xin chào, xin phép, xin lỗi, xin góp ý, xin cảm ơn), “5 luôn” khi tiếp xúc (luôn dạy tốt, học tốt, luôn mỉm cười thân thiện, luôn nhẹ nhàng, lịch thiệp, luôn thấu hiểu, chia sẻ, luôn nhiệt tình, giúp đỡ). Cùng với đó là thông điệp “5 không” và “3 nhớ” để HS nắm bắt thực hiện nghiêm túc.
Phát hiện, bồi dưỡng nhân tài
Thời điểm này là giữa học kỳ II năm học 2021-2022, song ngành GD tỉnh đã giành được nhiều “trái ngọt”. Trong cuộc thi chọn HS giỏi Quốc gia năm học 2021-2022, lần đầu tiên Thái Nguyên có số HS đoạt giải Nhất đứng thứ 9 toàn quốc và thứ 11 về số lượng giải. Đặc biệt, trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp Quốc gia, Thái Nguyên “ẵm” 2 giải Nhất. Đây là kết quả tốt nhất mà đội tuyển của tỉnh đạt được trong 10 lần dự thi sáng tạo KHKT cấp Quốc gia từ trước đến nay. Đối với cuộc thi nghiên cứu sáng tạo quốc tế ICPC, đoàn của ngành GD tỉnh đoạt 1 Huy chương Vàng... Không phải ngẫu nhiên ngành GD tỉnh có những bước tiến vượt bậc trong đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi, bởi chiến lược này đã được ngành triển khai bài bản, có kế hoạch, dành sự quan tâm đầu tư, khích lệ kịp thời.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho rằng: Nhìn vào cơ sở vật chất của Trường THPT Chuyên là thấy sự quan tâm đầu tư đúng mức cho GD mũi nhọn của tỉnh. Trường có cả khu ký túc xá dành cho HS trong đội tuyển có thể lựa chọn ở để tập trung học, ôn tập. Để phát huy năng lực của giáo viên (GV) trong đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi, Trường mạnh dạn giao trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển cho các GV trẻ. Nhà trường còn phối hợp với các trường chuyên trong khu vực tổ chức các cuộc thi giữa GV với GV và giữa các đội tuyển HS giỏi để tập dượt, cọ sát, từ đó nhìn nhận rõ những điểm mạnh để phát huy, điểm yếu cần bổ trợ. Mặt khác, Nhà trường cũng đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác bồi dưỡng các đội tuyển, với mức từ 3-5 triệu đồng/HS. Năm học 2021-2022, mỗi đội được đầu tư trên 140 triệu đồng.
Không riêng trường chuyên biệt, các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh đều có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng GD mũi nhọn. Đơn cử như Trường THPT Phú Bình phát động các tổ chuyên môn và các đoàn thể cùng cán bộ, GV, HS đăng ký thi đua bằng các chỉ tiêu, phần việc cụ thể. Các tổ chuyên môn tập trung thi đua đổi mới phương pháp dạy học, trong giờ học trên lớp lấy HS làm trung tâm trong việc tìm hiểu, chiếm lĩnh tri thức. Nhờ vậy, chất lượng GD của Trường ngày càng được nâng cao, thi HS giỏi cấp tỉnh luôn nằm trong tốp 10 trường có thành tích tốt nhất của tỉnh…
Với những giải pháp cụ thể, chất lượng GD toàn diện trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tại các kỳ thi HS giỏi Quốc gia, thi KHKT, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, “màu cờ, sắc áo” của HS Thái Nguyên đã được khẳng định.