Theo kế hoạch, Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh tổ chức vào ngày mai (29-8) sẽ thông qua Nghị quyết quy định mức học phí đối với cấp học mầm non và phổ thông công lập hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2022-2023, thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý. Mặc dù mức thu đưa ra ở mức tối thiểu trong khung học phí theo Nghị định số 81 của Chính phủ, song có cấp học tăng 5-6 lần so với mức cũ, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Đối với cấp học mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo) vùng thành thị (các phường thuộc thành phố), mức thu học phí năm học 2022-2023 là 300 nghìn đồng/HS/tháng, (mức thu trước đây: Nhà trẻ là 140 nghìn đồng/HS/tháng, mẫu giáo là 110 nghìn đồng/HS/tháng. |
Theo Tờ trình mức thu học phí năm học 2022-2023, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định, có 3 mức thu. Đối với cấp học mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo), tiểu học, THCS, THPT vùng thành thị (các phường thuộc thành phố), mức thu là 300 nghìn đồng/tháng.
Với vùng nông thôn (thị trấn, trung tâm các huyện, các xã, thị trấn không phải xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi) cấp mầm non, tiểu học, THCS, mức thu là 100 nghìn đồng/tháng, cấp THPT là 200 nghìn đồng/tháng.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (các xã, thị trấn còn lại), đối với cấp mầm non, tiểu học, THCS, mức thu là 50 nghìn đồng/tháng, riêng cấp THPT là 100 nghìn đồng/tháng.
Mức học phí này đối với giáo dục tiểu học công lập không dùng để thu học phí mà là căn cứ để hỗ trợ đóng học phí cho HS tiểu học tư thục trên địa bàn chưa có đủ trường công lập và những HS tiểu học tư thục thuộc đối tượng hưởng chính sách miễn giảm học phí.
Trước khi tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu học phí năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, đơn vị và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động của Nghị quyết.
Thầy giáo Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Phổ Yên, cho rằng: Việc điều chỉnh tăng học phí nhằm mục tiêu giảm ngân sách chi cho giáo dục, đồng thời thêm nguồn lực để các trường tổ chức hoạt động, tôi rất đồng tình. Tuy nhiên, đối với những HS là con em gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, tỉnh cần xem xét có cơ chễ hỗ trợ miễn giảm.
Đồng quan điểm với thầy Quang, đồng chí Nguyễn Thị Lượng, Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Phổ Yên, khẳng định: Đối với việc điều chỉnh thu học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tôi nhất trí vì học phí thu theo quy định của các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Phổ Yên cũng như nhiều địa phương khác, 3 năm gần đây bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trong số trên 20 vạn dân, địa phương có trên 1.000 hộ nghèo, cận nghèo, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ học phí đối với các đối tượng trên để giảm bớt khó khăn cho người dân.
Tại khu vực miền núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ miễn giảm học phí. |
Theo tính toán của cô giáo Triệu Hoài Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Cận TP. Phổ Yên thì mức thu học phí năm học 2021-2022 là 60 nghìn đồng/HS/tháng, HS phải nộp 540 nghìn đồng/năm học, so với mức mới mỗi HS phải nộp tăng 2.160 nghìn đồng/HS/năm học. Với mức thu này, cô Bắc cho rằng sẽ là gánh nặng đối với nhiều gia đình, đặc biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Đây không chỉ là băn khoăn, trăn trở của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục mà còn là vấn đề của nhiều bậc phụ huynh HS. Anh Nguyễn Văn Mạnh có con học tại Trường THPT Phổ Yên cho rằng: Tôi có 2 con đang trong độ tuổi ăn học. Tháng 4-2022, xã nơi gia đình tôi ở lên phường, nếu đối chiếu với mức thu học phí mới này thì gia đình tôi cũng rất khó khăn. Vì thực tế gia đình tôi ở phường thật nhưng thu nhập vẫn vậy, trong khi đó giá thực phẩm, đầu vào chăn nuôi, xăng dầu, giờ đến học phí đều tăng…
Còn theo chị Đỗ Thị Lan, tổ 7 phường, Quan Triều, TP.Thái Nguyên, có con học tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ: Ngay trong lớp con tôi học có 6 HS hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những khoản đóng góp trường, lớp đều thực hiện miễn, giảm. Vì thế, tôi cũng đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh mức thu học phí cho phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, khẳng định: Để thực hiện thu học phí năm học 2022-2023 theo đúng Luật Giáo dục, Sở GD&ĐT căn cứ vào Nghị định số 81 của Chính phủ tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết tại Kỳ họp chuyên đề này. Theo đó, mức thu học phí trên địa bàn tỉnh đối với cấp học mầm non, phổ thông, chúng tôi xây dựng ở mức thấp nhất trong khung học phí quy định tại Nghị định số 81. Ví dụ khung học phí đối với khu vực thành thị cấp THPT quy định thu từ 300 đến 650 nghìn đồng/HS/tháng, chúng tôi tham mưu ở mức thấp nhất là 300 nghìn đồng/HS/tháng. Về chính sách miễn giảm thì ngay trong Nghị định 81 đã quy định rất rõ, HS thuộc gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí theo quy định.
Việc điều chỉnh mức thu học phí là chủ trương đúng và cần sớm được triển khai để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc tăng từ 2 đến 6 lần so với trước đây là mức thu khá cao và cần được tính toán kỹ lưỡng. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu, đại diện cho các ban của HĐND tỉnh khi tiến hành thẩm tra các báo cáo.
Do vậy, để giảm bớt gánh nặng cho người dân, các đại biểu đề nghị cần tập trung xác định cụ thể các đối tượng ở diện điều chỉnh trong mức thu, hỗ trợ học phí, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Cùng với đó, các địa phương, nhà trường căn cứ tình hình thực tế tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm chia sẻ với phụ huynh HS, nhất là HS có hoàn cảnh khó khăn, để các em có đủ điều kiện đến trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin