Giáo dục nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động

Theo NDĐT 12:21, 03/12/2022

Thời gian qua, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động. Hơn 80% người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có việc làm.

Đào tạo tại Trường cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: HNIVC).

Hơn 80% người tốt nghiệp trường nghề có việc làm

Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện nay quy định, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam gồm 3 cấp trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Khung trình độ quốc gia gồm 8 bậc, trong đó giáo dục nghề nghiệp có 5 bậc (từ bậc 1-5), bảo đảm tính liên thông giữa các bậc, tạo điều kiện công nhận trình độ và học tập suốt đời.

Việt Nam đã ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động trong đó có nhiều nội dung liên quan tới giáo dục nghề nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trên toàn quốc hiện có 1.904 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số này, có 407 trường cao đẳng, 439 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài là 688 đơn vị, chiếm 36%. Hằng năm, số lượng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 2,2 triệu người.

Toàn quốc hiện có 1.904 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số này, có 407 trường cao đẳng, 439 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài là 688 đơn vị, chiếm 36%. Hằng năm, số lượng tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 2,2 triệu người.

Hiện cả nước có gần 84 nghìn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đa số các giáo viên đều đạt chuẩn về trình độ và kỹ năng. Hệ thống kiểm định chất lượng độc lập được hình thành. Tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác chuyên môn được đẩy mạnh. Gắn kết với doanh nghiệp trong tất cả các khâu của thị trường lao động khá chặt chẽ và có hiệu quả.

Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động. Điều này thể hiện qua con số hơn trên 80% người tốt nghiệp đã có việc làm. Ở một số lĩnh vực, người học sau khi tốt nghiệp đã có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF 2019, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đạt 44 điểm, xếp thứ 102/141 quốc gia.

Giảng viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội dạy qua Hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning trong dịch COVID-19. (Ảnh: Báo Dân sinh)

Hơn hai năm qua, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, quy định giãn cách xã hội áp dụng ở các địa phương, nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ. Điều này cũng làm ảnh hưởng nặng nề với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động thay đổi hình thức tuyển sinh từ trực tiếp sang trực tuyến. Các nhà trường cũng chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến đối với các nội dung, môn học, module phù hợp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khuyến khích giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử, xây dựng hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với các nhóm học sinh, sinh viên theo khoa, khóa học để hướng dẫn học tập trong điều kiện không học tập trung tại trường. Đồng thời, hệ thống trường nghề tích cực phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ đào tạo, bồi dưỡng người lao động của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Để dạy nghề đáp ứng được đào tạo nhân lực cho quốc gia

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số bất cập hiện nay trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ, cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Cùng với đó, sự gắn kết nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong phát triển giáo dục nghề nghiệp chưa chặt chẽ. Hình thức tổ chức đào tạo chưa đa dạng, linh hoạt; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng và hiệu quả, chưa tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

Quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ, cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Cùng với đó, sự gắn kết nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong phát triển giáo dục nghề nghiệp chưa chặt chẽ. Hình thức tổ chức đào tạo chưa đa dạng, linh hoạt; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động chưa được chú trọng và hiệu quả, chưa tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

Từ đó, cơ quan này cũng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm từ những kết quả phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua.

Thứ nhất, phát triển giáo dục nghề nghiệp phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động, thực tiễn kinh tế - xã hội, thực tiễn các vùng, miền và nhu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn để xác định những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình phù hợp.

Thứ hai, phát triển giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm khuyến khích năng lực chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tư, phát triển giáo dục nghề nghiệp phải đặc biệt coi trọng chất lượng, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa đào tạo đại trà, diện rộng và đào tạo chuyên sâu, chất lượng cao.

Thứ năm, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp cần phải đi trước một bước. Cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được các thông tin về đào tạo nghề và khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để thông tin đầy đủ, kịp thời cho học sinh và người lao động. Chỉ khi người dân hiểu rõ, nhận thức đúng về dạy nghề trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình, họ mới tích cực tham gia học nghề.

Thứ sáu, thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật là hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong việc thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược.

Thứ bảy, giáo dục nghề nghiệp là một hoạt động đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư, do vậy rất khó thực hiện xã hội hóa. Để dạy nghề phát triển, đáp ứng được đào tạo nhân lực cho quốc gia, ngân sách nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo thông qua các chương trình, đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp.