Giúp học sinh khuyết tật hòa nhập cuộc sống

Hằng Nga 09:38, 02/12/2022

Giáo dục hòa nhập (GDHN) là chủ trương được đánh giá tiến bộ, khi mang tới cho học sinh (HS), trẻ mầm non yếu thế về trí tuệ, vận động sự bình đẳng và cơ hội học tập trong các nhà trường như mọi trẻ bình thường. Hoạt động học tập, vui chơi giúp HS thuộc diện GDHN được phát triển trong môi trường tự nhiên, có thể tiếp cận và làm quen với nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng hòa nhập xã hội.

Lớp 3A, Trường Tiểu học Đông Bo, Tràng Xá, có 1 HS khuyết tật về trí tuệ, giáo viên phải có biện pháp giáo dục phù hợp.
Lớp 3A, Trường Tiểu học Đông Bo, Tràng Xá, có 1 HS khuyết tật về trí tuệ, giáo viên phải có biện pháp giáo dục phù hợp.

Những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện tốt công tác GDHN cho trẻ khuyết tật. Nhờ vậy hầu hết HS khuyết tật sau thời gian được đến trường cùng bạn bè đều rất hứng thú với việc học tập và có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn hành vi, tình cảm...

Có mặt tại lớp 1D, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ TP.Thái Nguyên, chúng tôi được chứng kiến sự hào hứng của HS trong giờ học khi cô giáo tổ chức các hoạt động tương tác. Khó có thể nhận biết đâu là HS khuyết tật học hòa nhập.

Cô giáo Chu Thị Thu Hà cho biết: Lớp có 40 bạn trong đó có 1 HS khuyết tật về trí tuệ. Bạn này sinh năm 2014 đang học cùng các bạn sinh năm 2016. Đây là trường hợp năm trước em đã chủ nhiệm lớp 1. HS bình thường chỉ cần hướng dẫn 1 lần là các em hiểu, nhưng với trường hợp này giáo viên phải kiên trì giảng giải lại nhiều lần. Với mức độ tư duy chậm, chưa đạt yêu cầu nên em đã trao đổi với phụ huynh để bạn ở lại lớp 1. Em cũng trao đổi với giáo viên bộ môn khác về trường hợp của HS lớp mình để các thầy cô có biện pháp hỗ trợ và bản thân em đó đã có những tiến bộ rõ nét.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Đông Bo, Tràng Xá, huyện Võ Nhai, có 3 HS khuyết tật học hòa nhập. Lớp 3A do cô giáo Tô Hồng Diệp chủ nhiệm có 1 HS khuyết tật trí tuệ.

Cô Diệp nói: Đối với HS này, tôi phải rất kiên trì tìm những phương pháp phù hợp nhất để mang lại hiệu quả giáo dục. Với những bài giảng trên lớp mà HS đó chưa hiểu, tôi sắp xếp thời gian giảng thêm. Đến nay, khả năng đọc, viết đơn giản của em tốt dần lên; em đã mạnh dạn tham gia các hoạt động tập thể.

Trung bình mỗi năm học, Trường THCS Tân Lập TP. Thái Nguyên tiếp nhận từ 3-4 HS thuộc diện GDHN. Theo cô giáo Lưu Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập: Năm học 2022-2023, trong số HS lớp 6 nhập học có 3 HS mắc chứng tự kỷ. Nhà trường đã tuyên truyền để các bậc phụ huynh HS sẻ chia với những trường hợp học hòa nhập này, bởi Luật Giáo dục nêu rõ: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập.

Được biết, trong nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nghiên cứu các văn bản liên quan đến công tác GDHN HS khuyết tật. Theo đó, hầu hết các cán bộ, giáo viên trong các nhà trường đã nhận thức đúng đắn hơn về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm với việc tham gia GDHN cho HS khuyết tật.

Trong kế hoạch mỗi năm học, công tác GDHN HS được các nhà trường xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo huy động tối đa HS khuyết tật học hoà nhập theo quy định.

Trẻ khuyết tật trong độ tuổi trên địa bàn được các nhà trường nắm chắc và huy động ra lớp học hòa nhập, được tạo điều kiện để học tập bình đẳng. Các nhà trường đã chủ động điều chỉnh linh hoạt về chương trình, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, cách đánh giá. Học sinh khuyết tật có hồ sơ cá nhân.

Với HS khuyết tật nặng, giáo viên đã lựa chọn một số môn học phù hợp với năng lực của các em để dạy. Các môn còn lại tổ chức cho các em tham gia và xem xét sự tiến bộ của HS. Các nhà trường đã phối hợp với cơ quan y tế của địa phương tiến hành khám, phân loại tật và thực hiện các chính sách cho trẻ khuyết tật.

Đặc biệt, nhiều nhà trường đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ dạy học hoà nhập trẻ khuyết tật; tặng quà động viên các em HS khuyết tật.

Năm học 2021-2022,  riêng cấp tiểu học toàn tỉnh có 1.274 HS khuyết tật học hòa nhập. Trong số HS khuyết tật học hòa nhập có 1.156 HS, chiếm 90,73%, hoàn thành chương trình; 118 HS, chiếm 9,23% chưa hoàn thành chương trình.

Kết quả trên cho thấy đội ngũ giáo viên các trường đã nỗ lực rất lớn trong việc phối hợp với các gia đình để thực hiện tốt nhiệm vụ GDHN.

Công tác GDHP thời gian qua đã tạo cơ hội cho trẻ em khuyết tật đến trường, được học tập, tham gia mọi hoạt động bình đẳng như các HS khác. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên đã khắc phục mọi khó khăn trong việc dạy GDHN, quan tâm, hỗ trợ, bảo vệ lợi ích cho trẻ khuyết tật được tiếp cận môi trường giáo dục bình đẳng, hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ tự ti, vươn lên trong cuộc sống.