Những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh không ngừng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Công tác xây dựng môi trường văn hóa trong các nhà trường đã tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh.
Nhiều trường quan tâm trang trí lớp học tạo hứng thú cho học sinh (ảnh chụp tại lớp 1A, Trường Tiểu học Trưng Vương, TP. Thái Nguyên). |
Trường học thân thiện, học sinh tích cực
Đến Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi sự lễ phép của các em học sinh (HS). Gặp người lạ hoặc các thầy, cô giáo, các em đều đặt tay lên ngực cúi đầu chào. Sân trường, cầu thang, hành lang các lớp học được vệ sinh sạch sẽ. Giáo viên chủ nhiệm, HS tự trang trí lớp học rất đẹp mắt và sáng tạo. Ngôi trường ngợp màu xanh của những tán cây làm cho không gian mát rượi. Mỗi cây xanh trong Trường đều được gắn mã QR…
Cô giáo Bùi Thị Thanh Hoàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, cho biết: Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn, tạo tâm lý thích thú cho HS khi đến trường. Điểm nhấn trong thực hiện phong trào này là Nhà trường chú trọng các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy phù hợp với đặc điểm lứa tuổi HS. Nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS rất cụ thể, HS nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Đến Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương vào thời điểm giữa học kỳ II, năm học 2022-2023, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì ngoài giờ học, các lớp còn phân công thay phiên chăm sóc vườn rau sạch để cải thiện bữa ăn cho mình. Trong khu ký túc xá, các em HS luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, hỗ trợ nhau trong học tập.
Chị Trần Thị Vinh, ở xã Yên Lạc, mẹ HS La Khôi Nguyên, lớp 8C, phấn khởi nói: Năm học này là năm thứ 3 con tôi học xa nhà. Các cháu còn nhỏ, xa nhà nên thiếu thốn tình cảm của bố mẹ nhưng được các thầy, cô giáo đùm bọc, chăm lo như con em mình, những bậc làm cha mẹ như chúng tôi rất biết ơn. Ở nội trú được các thầy, cô rèn về ý thức tổ chức kỷ luật nên khi về nhà vào những ngày nghỉ, cháu rất tự giác, biết đỡ đần bố mẹ nhiều công việc.
Sau giờ học, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương tham gia trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn. |
Nâng cao kỹ năng sống, văn hóa ứng xử
Những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho HS và mang hiệu quả rất tích cực. Sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc giáo dục hành vi, đạo đức giúp HS thấm nhuần trong mọi hành động.
Đơn cử như ở Trường THCS Độc Lập, TP. Thái Nguyên, để tăng cường giáo dục kĩ năng, hành vi đạo đức, Nhà trường đã giáo dục kỷ luật tích cực cho HS khá hiệu quả. Học trò nào vi phạm nội quy sẽ được giáo viên chủ nhiệm đưa đến Thư viện Nhà trường để đọc sách “Hạt giống tâm hồn”. Các em vừa có thời gian ngẫm nghĩ để hiểu ra lỗi sai, vừa tạo được thói quen đọc sách, học điều hay trong sách.
Còn đối với Trường THCS Hồng Tiến, TP. Phổ Yên, việc xây dựng môi trường văn hóa được Nhà trường cụ thể hóa khi thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhà trường luôn tạo dựng bầu không khí cởi mở, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau. Mỗi cán bộ, giáo viên đều nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc dạy và học, sự tôn trọng giữa thầy và trò tạo sự thân thiện, kích thích tinh thần học hỏi của HS.
Cô giáo Đỗ Thị Thu Bình, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Nhà trường xây dựng quy chế làm việc, bộ quy tắc ứng xử để cán bộ, giáo viên đối chiếu thực hiện tốt. Học sinh vi phạm, thay vì phạt, Nhà trường cho các em đọc Bộ luật Dân sự, đối chiếu với nội quy, quy chế của Trường để nhận thức rõ hành vi vi phạm và viết cam kết không mắc lỗi tương tự. Trong giờ chào cờ đầu tuần, Nhà trường duy trì “mỗi tuần 1 câu chuyện”, chúng tôi chọn lọc từ nhiều cuốn sách hay để truyền tải đến HS. Đơn cử như tuần lễ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), chúng tôi lựa chọn câu chuyện về tình thầy trò; tuần lễ có Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), là câu chuyện về tình mẫu tử… Cứ như vậy, mưa dầm thấm lâu, qua mỗi câu chuyện, các em tự rút ra những bài học về đạo đức, lý tưởng sống, về tình bạn, biết ơn cha mẹ, thầy cô…
Công tác xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Các trường học đã phát huy vai trò của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, liên đội, tổ chức những hoạt động gắn với thực hiện các phong trào thi đua nhằm giáo dục lòng yêu nước, lịch sử truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng, hình thành nhân cách cho mỗi HS.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin