Thiếu trường lớp khiến học sinh thi lên lớp 10 khó hơn thi vào đại học

Theo NDĐT 15:49, 12/07/2023

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, thực trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ cho con vào học lớp 10 do thiếu trường lớp gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận và áp lực với học sinh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp sáng 12-7. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp sáng 12-7. (Ảnh: DUY LINH)

Sáng 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2023.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao báo cáo của Ban Dân nguyện đã phản ánh được tình hình kiến nghị của cử tri, tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và có những đề xuất cũng cụ thể.

Bà Nga nêu thực trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ cho con vào học lớp 10 những ngày vừa qua. Tình hình này gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận và áp lực với học sinh khi vào lớp 10 ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

“Đây là thực trạng trong nhiều năm, thi vào lớp 10 hiện nay còn khó hơn thi vào đại học. Truyền thông đã đưa rất nhiều về vấn đề này”, bà Nga nói và đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vào cuộc làm rõ liệu có đúng là đang thiếu trầm trọng trường công hay không, thực tế này giải quyết thế nào?

Qua theo dõi, bà Nga cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị đưa thêm nội dung này vào báo cáo công tác dân nguyện.

Thông tin thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đối với vấn đề thi vào lớp 10 như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vừa đề cập, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tham gia từ năm ngoái đến năm nay và trả lời truyền thông rất nhiều. Các số liệu về nội dung này cũng đã được tổng hợp tương đối đầy đủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, hiện nay số lượng trường THPT thấp hơn so với số trường tiểu học và THCS. Hiện nay đang được phân bổ bằng điểm thi, sau khi thi xong nếu ai điểm cao thì có quyền đưa ra lựa chọn vào trường mong muốn, điểm thấp hơn sẽ chuyển sang tuyến khác như dân lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề.

Ông Vinh cho biết, phụ huynh đang có xu hướng cho con vào trường công lập do chi phí học phí thấp. Đây là nguyện vọng rất chính đáng của phụ huynh nên cần được nghiên cứu, giải quyết vấn đề này.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, tại Hà Nội, hằng năm thành phố vẫn đầu tư cho chi phát triển xây dựng trường lớp. Tuy nhiên, bên cạnh việc xây mới thì cũng cần sửa chữa những trường lớp hiện có để nâng cấp, nâng cao chất lượng nên kinh phí cũng cần được san sẻ.

Tiếp đó, cần có quỹ đất để xây dựng trường học mới và bố trí thêm biên chế giáo viên cho các trường. Do đó, những vấn đề này làm cho việc phát triển thêm trường lớp không đơn giản.

Nhấn mạnh đây là bài toán không dễ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần phải tính toán cẩn thận. Trên tinh thần tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng nội dung này cũng cần ghi nhận và đưa vào Báo cáo của Ban Dân nguyện.

Đồng thời, trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ kiến nghị với Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo để có những nghiên cứu sâu hơn và có những giải pháp hiệu quả hơn đối với vấn đề này.



Mẫu đồng phục ngành công nghệ ô tô Đại học Duy Tân