Nâng bước học sinh dân tộc thiểu số đến trường

Thúy Hằng 09:39, 16/08/2023

Việc hình thành và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở những vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh đã “nâng bước” con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đến trường. Học tập tập trung giúp các em phát triển toàn diện về trí tuệ và thể lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường kiểm tra điều kiện ở bán trú của học sinh trước thềm năm học mới.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường kiểm tra điều kiện ở bán trú của học sinh trước thềm năm học mới.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường được đầu tư xây dựng năm 2012 tại xã đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai. Hiện, Trường có 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2022-2023, toàn Trường có 154 học sinh (HS). 100% HS là con em đồng bào các DTTS, chủ yếu là dân tộc Dao và Tày. Trong số này có 80 em đủ điều kiện ở bán trú.

Theo thầy giáo Vi Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nghinh Tường: Để nâng cao chất lượng dạy, học, chăm sóc HS bán trú, Trường duy trì tốt các buổi họp phụ huynh để trao đổi, thảo luận về chế độ, chính sách với HS. Bám sát mục tiêu, chương trình, Nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng HS. Các tổ chuyên môn tích cực đổi mới giảng dạy theo phương pháp Bàn tay nặn bột, đổi mới kiểm tra, đánh giá trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã thành lập Ban quản lý HS bán trú do một Phó Hiệu trưởng làm Trưởng ban, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, xây dựng kế hoạch và lịch trực từng ngày để chăm sóc, dạy dỗ các em.

Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như luyện tập thể dục thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các khối lớp. Học sinh được tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa đặc trưng của từng dân tộc để khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt.

Năm học 2021-2022, Trường có 8 HS đạt giải các kỳ thi cấp huyện; năm học 2022-2023 đạt 13 giải. Đặc biệt, Dự án “Mô hình máy bơm nước tự động dựa trên tác dụng lực của dòng nước” của nhóm HS Dương Trịnh Hoài Thu và Hà Chí Tường đoạt giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học năm học 2022-2023.

Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình học nội trú giúp HS được thụ hưởng nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, những năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương đã tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì số lượng HS, nâng cao chất lượng giáo dục. Nền nếp HS nội trú được duy trì đảm bảo, 100% HS tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương, cho biết: Năm học 2022-2023, Trường có quy mô 12 lớp, với 360 HS, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí, sinh hoạt và học tập trung. Nhờ chính sách của Nhà nước, Nhà trường đã huy động 100% HS DTTS đi học đúng độ tuổi và không còn tình trạng HS bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Nhờ thực hiện tốt nội quy ở trường, ký túc xá, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí cho các em nên an ninh trật tự, vệ sinh luôn đảm bảo…

Khẩu hiệu “Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em” luôn được cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS các trường nội trú, bán trú coi là kim chỉ nam để thực hiện tốt.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên chia học sinh thành các nhóm để thảo luận, hỗ trợ nhau trong học tập.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên chia học sinh thành các nhóm để thảo luận, hỗ trợ nhau trong học tập.

Thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên, chia sẻ: Các thầy cô thường xuyên quan tâm, động viên, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em để giảm bớt những khó khăn ban đầu, HS vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm học tập và rèn luyện.

Hiện toàn tỉnh có 16 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú từ tiểu học đến THPT, tập trung ở các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. 50% số trường đã đạt chuẩn Quốc gia.

Để nâng cao chất lượng hoạt động, củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách cho giai đoạn 2021-2025 trên 85 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập của học sinh DTTS.

Nhờ có hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, chất lượng giáo dục vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tỉnh duy trì chỉ tiêu 8% HS DTTS được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Các trường nội trú, bán trú góp phần thu hẹp dần khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong tỉnh.



Tìm hiểu điểm sat là gì