Sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách do nạn đói, "giặc dốt" và giặc ngoại xâm bủa vây. Từ việc coi mù chữ như một “quốc nạn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào xóa mù chữ. 79 năm đã qua, từ một đất nước có hơn 95% người dân mù chữ, đến nay phong trào học tập thường xuyên, suốt đời đã lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Là một giáo viên đã nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Đam (ở phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên) luôn tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương. |
"Diệt giặc dốt”
Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó “chiến dịch diệt giặc dốt” đóng vai trò quan trọng thứ hai, chỉ sau "giệt giặc đói”. Bác nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “dốt là dại, dại thì hèn”. Vì không chịu dại, không chịu hèn thì thanh toán nạn “mù chữ” là một trong những việc cấp bách và quan trọng"...
Bà Nguyễn Thị Đam, một cựu giáo viên ở phường Trung Thành (TP. Thái Nguyên), luôn tự hào vì vào năm 1947, bố đẻ của bà từng trực tiếp tham gia diệt “giặc dốt” cùng các chú, các bác cán bộ xã Quyết Thắng, huyện Đồng Hỷ thời bấy giờ, do ông biết chữ.
Những câu chuyện, lời kể của bố còn vẹn nguyên trong ký ức bà Đam: Hồi ấy, người dân học tại sân đình, gốc đa đầu làng, góc chợ..., chỗ nào cũng có thể là địa điểm học tập. Do địch đánh phá, ban ngày người dân tích cực lao động sản xuất, ban đêm thì đi học. Để học chữ, người dân mang theo đèn dầu hoặc đốt đuốc đi học ban đêm, học viên là những em bé, cụ già râu tóc bạc phơ hay người phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú...
Nhìn vào tấm gương của lớp cha ông, bà Đam cùng các anh chị trong gia đình luôn nỗ lực phấn đấu học tập tốt, bản thân bà và hai chị gái đã tốt nghiệp trung cấp sư phạm và trở thành giáo viên. Bà Đam kể lại: Tôi nhớ như in, vào những năm 1980, sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi nhận công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Thần Sa (Võ Nhai), được phân công dạy học tại Phân trường Ngọc Sơn. Hồi ấy, lớp học nằm cheo leo trên vách núi, có khi học sinh 2 lớp học quay lưng vào nhau, cũng có khi 1 lớp học ghép 2-3 trình độ. Để đến lớp dạy học, tôi phải đạp xe từ thành phố lên, gửi xe ở ngoài xã Cúc Đường, rồi đi bộ dọc theo con suối khoảng 20km. Nhưng với quyết tâm đem “cái chữ” đến với đồng bào, tôi không hề nản lòng. Tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ, tôi cùng các đồng nghiệp lại vào bản tham gia gặt lúa, đóng gạch cùng bà con để tuyên truyền, vận động họ cho con đến trường học chữ.
Sau này, khi được điều chuyển công tác về thành phố, bà Đam vẫn nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Nghỉ hưu được 6 năm nay, bà tham gia công tác khuyến học ở tổ dân phố, góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyết tài tại địa phương...
Tấm gương, sự tâm huyết của những người thầy đáng kính đã góp phần làm nên kỳ tích diệt “giặc dốt”, xóa nạn mù chữ của dân tộc ta. Đây cũng là dấu mốc lịch sử quan trọng của nền giáo dục, mở ra sự nghiệp học tập của toàn dân, xây dựng “xã hội học tập”.
Cơ sở vật chất của Trường Mầm non Cổ Lũng (Phú Lương) - ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 - được chú trọng đầu tư. |
Xây dựng “xã hội học tập”
Ông Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Những năm qua, Hội Khuyến học đã thực hiện tốt vai trò tập hợp lực lượng xã hội và công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, tích cực tham gia khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 261 nghin gia đình học tập, 643 dòng họ học tập, 1.816 cộng đồng học tập, 653 đơn vị (cấp xã) học tập và trên 262.800 công dân học tập. Cuộc vận động xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập được tổ chức bài bản và đạt hiệu quả cao; tỉnh Thái Nguyên là một trong những đơn vị đứng đầu toàn quốc về mô hình trực tuyến công dân học tập và áp dụng hiệu quả công tác chuyển đổi số trong đánh giá các mô hình học tập...
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng, trong đó có 34% trung tâm học tập cộng đồng hoạt động tốt, 43% hoạt động khá...
Nhằm khuyến khích, lan tỏa mô hình xây dựng “xã hội học tập” và thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng và vận động ủng hộ Quỹ Khuyến học để trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh, giáo viên có học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế; góp phần khuyến khích, hỗ trợ việc dạy và học trong nhà trường và phong trào học tập thường xuyên, suốt đời trong nhân dân.
Từ đó nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp của mọi người trong xã hội, góp sức cho sự nghiệp giáo dục và xây dựng “xã hội học tập”; đồng thời liên kết mọi gia đình và tổ chức xã hội cùng với các cơ sở giáo dục và đào tạo góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...
Công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Năm học 2023-2024, tỉnh tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục được giữ vững, nâng cao tiêu chuẩn của đơn vị phổ cập mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2.
Toàn tỉnh có 70 học sinh đạt giải tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia; Thái Nguyên xếp thứ 37 toàn quốc về điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (tăng 8 bậc so với năm 2023)...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin