Được các thầy, cô giáo chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ và ở lại trường, học sinh bậc tiểu học thuộc các xóm, bản vùng sâu, xa đã yên tâm xuống núi học chữ. Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên mô hình nội trú được Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ) tổ chức, thu hút hàng trăm học sinh vào ở.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ) tổ chức các hoạt động học tập, sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh nội trú nền nếp ngay từ đầu năm học. |
Dù mới chập chững vào lớp 1, chưa mấy khi xa cha mẹ, nhưng em Đào Thị Thu Thủy (người dân tộc Mông, ở xóm Vân Lăng, xã Văn Lăng) cùng chị là Đào Thị Minh Tuyết (học lớp 4) đã yên tâm hơn khi không phải hàng ngày vượt 5km đường núi đá đến trường học. Sau Lễ khai giảng năm học 2024-2025, cả hai chị em được bố mẹ sắm đủ tư trang để đến ở tại khu nhà nội trú mới được xây hai tầng khang trang ngay trong khuôn viên của Trường. Các cô giáo cùng phụ huynh hướng dẫn tỉ mỉ từng thao tác vận hành công tắc điện, nước, vệ sinh cá nhân và thực hành quy trình tổ chức bếp ăn tập thể.
Chỉ sau vài ngày làm quen, hai chị em Minh Tuyết và Thu Thủy cùng các bạn ở khu nhà nội trú đã tự biết giặt quần áo, sắp xếp tư trang, góc học tập gọn gàng. Chị Ngô Thị Ké, mẹ của 2 cháu, không giấu nổi niềm vui khi các con được ở trong căn phòng xây mới hiện đại.
Chị Ké chia sẻ: Năm trước, khi con đi học, chúng tôi phải dạy từ 5 giờ sáng nấu ăn, rồi gói cơm cho con mang theo đến lớp để ăn trưa mới kịp học buổi chiều, rồi phải đến hơn 18 giờ con mới về đến nhà. Những hôm mưa bão, giá rét thì hai vợ chồng thay nhau đưa đón con đi học, nên không còn thời gian đi làm nương bãi. Giờ thì các con đã được ở nội trú trong nhà xây khép kín, có các thầy, cô giáo chăm nuôi hàng ngày, chúng tôi yên tâm đi làm. Nhờ có chính sách cho học sinh nội trú, các con được hỗ trợ gạo, bếp ăn, chỗ ở tốt, nên có thêm nhiều điều kiện học tập, rèn luyện từ nhỏ.
Với quan điểm xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc nơi vùng cao, cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Văn Lăng, chia sẻ: Những năm học trước, khi chưa có mô hình bán trú và nội trú, học sinh tan học thường lưu lại trường, nghỉ tạm trong các phòng học… Bữa cơm trưa thường được phụ huynh gói cơm cho các em mang theo, nên khó bảo đảm dinh dưỡng cũng như chất lượng. Nhà trường thường xuyên dự trữ mì gói ăn liền, hoặc khi giáo viên ở lại buổi trưa thì nấu thêm cơm chia phần cho các em. Song cũng không thể bảo đảm quán xuyến đủ hết cho tất cả suốt năm học.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên Trường tổ chức bán trú và nội trú cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, nên Ban Giám hiệu và Hội phụ huynh học sinh rất quan tâm đến việc chăm sóc các em. Chính vì vậy, bên cạnh hoạt động dạy học, mỗi cán bộ, giáo viên Nhà trường được trao thêm nhiệm vụ chăm sóc học sinh sau giờ học.
Nhà nội trú trong trường bán trú, với quy mô 120 em được xem như mái ấm thứ hai của học sinh vùng cao và chúng tôi quan niệm trường là nhà, thầy, cô giáo như cha mẹ. Nhà trường bố trí phòng ở nội trú theo nhóm học sinh trong cùng làng, có quan hệ họ hàng để các em hỗ trợ nhau cùng giáo viên chăm sóc trong sinh hoạt hàng ngày.
Trong số hơn 400 học sinh của trường, các em thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn chiếm trên 75%, chủ yếu là dân tộc Mông, sống phân tán tại các xóm Liên Phương, Bản Tèn, Vân Lăng. Do đó việc tổ chức mô hình bán trú và nội trú giúp học sinh an tâm học đủ 2 buổi trong ngày, bảo đảm sức khỏe, duy trì sĩ số hàng ngày và không bị gián đoạn đến lớp học vì đường xa, địa hình đồi núi đi lại khó khăn.
Với mô hình bán trú và nội trú cấp tiểu học ở vùng cao như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Văn Lăng, bên cạnh công tác giáo dục kiến thức, học sinh nội trú được Nhà trường dạy những kỹ năng sống, nề nếp sinh hoạt tập thể, kỹ năng tự học... Có thể nói, được học tập trong một ngôi trường đẹp, đạt chuẩn Quốc gia, chắc chắn học sinh vùng cao Văn Lăng sẽ có thêm điều kiện phát triển toàn diện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin