Sau hơn 2 năm triển khai Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chương trình CĐS của tỉnh, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Phóng viên Báo Thái Nguyên trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), về nội dung này.
Cán bộ, giáo viên là đoàn viên thanh niên Trường THPT Phú Lương tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. |
P.V: Xin ông cho biết kết quả của ngành Giáo dục Thái Nguyên trong công tác CĐS thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Hưng: Qua hơn 2 năm triển khai, công tác CĐS trong ngành Giáo dục đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể là đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của ngành Giáo dục Thái Nguyên. Đây là CSDL duy nhất do ngành Giáo dục tạo lập, xây dựng, chứa đầy đủ thông tin các nhà trường, đội ngũ nhà giáo, nhân viên, thông tin người học trên địa bàn tỉnh thuộc sự quản lý của ngành Giáo dục tỉnh, được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu tỉnh Thái Nguyên.
Qua đó, 100% cơ sở giáo dục đã hoàn thành chuẩn hóa CSDL báo cáo trên CSDL ngành, sẵn sàng kết nối với các hệ thống báo cáo dữ liệu của Bộ GD&ĐT, chia sẻ dữ liệu với các CSDL khác của tỉnh. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu CĐS; lắp đặt hệ thống đường truyền Internet, wifi đến các phòng học. 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý kế toán, quản lý thanh toán không dùng tiền mặt. Các cơ sở giáo dục cũng đã thực hiện 561 chuyên đề triển khai nhằm phổ cập ứng dụng kĩ năng số trong cộng đồng.
P.V: Mặc dù ngành GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả trong công tác CĐS, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, xin ông cho biết rõ hơn?
Ông Nguyễn Văn Hưng: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CĐS của ngành Giáo dục vẫn còn những hạn chế, như: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa đồng bộ, đặc biệt là ở miền núi, hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu CĐS, chưa có hạ tầng cáp quang, sóng 4G, mạng Internet và thiếu trang thiết bị. Trong khi quá trình CĐS đòi hỏi chi phí đầu tư vào phần mềm, phần cứng và nâng cấp hệ thống rất lớn, nên nhiều trường còn gặp khó khăn.
Năng lực công nghệ thông tin của một số giáo viên và học sinh còn hạn chế nên khó khăn trong việc áp dụng các công cụ, phần mềm và phương pháp dạy học trực tuyến; các chính sách và quy định liên quan đến giáo dục số hóa vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, dẫn đến việc thiếu đồng bộ và khó khăn trong triển khai, chẳng hạn như: Tiêu chuẩn về phòng học thông minh, quy định về học, thi trực tuyến... Đặc biệt, vấn đề bảo mật dữ liệu học sinh và giáo viên trên các nền tảng số là một thách thức lớn, khi mà nguy cơ về lộ lọt thông tin cá nhân và an ninh mạng gia tăng.
P.V: Vậy những giải pháp nào sẽ được ngành Giáo dục triển khai trong thời gian tới để khắc phục hạn chế và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác CĐS?
Ông Nguyễn Văn Hưng: Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Các cơ sở giáo dục đầu tư, sắp xếp cơ sở vật chất để hỗ trợ việc triển khai công nghệ trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục tiếp tục đưa vào hỗ trợ và phát triển khóa học trực tuyến, cũng như các nền tảng E-learning để tăng cường khả năng học tập từ xa cho học sinh và học viên; xây dựng mô hình học tập linh hoạt, cho phép học sinh lựa chọn lịch trình học tập phù hợp. Đồng thời phát triển học liệu số để học sinh và học viên có thể tiếp cận dễ dàng từ mọi thiết bị.
Bên cạnh đó là tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên về tích hợp công nghệ vào quá trình giảng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; hỗ trợ giáo viên trong việc tạo và quản lý nội dung số, cũng như phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ trong giáo dục. Khuyến khích sử dụng ứng dụng và công nghệ vào dạy học, tạo môi trường học tập tương tác, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông...
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin