Lớp học xóa mù trên rẻo cao

Theo Báo Nhân dân 16:58, 05/12/2024

Khi màn đêm buông xuống, gác lại những lo toan thường nhật, nhiều ông bố, bà mẹ ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) lại gọi nhau đi học chữ. Họ là những người tái mù chữ đang tham gia lớp học xóa mù do Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sà Phìn tổ chức. 

Lớp học xoá mù tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang).
Lớp học xoá mù tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang).

Trong màn đêm tĩnh mịch giữa bốn bề núi đá vang vọng tiếng đọc ê a; những bàn tay thô ráp quen với việc trồng ngô, nuôi bò nắn nót viết từng nét chữ, con số. Những người tham gia lớp học đặc biệt này mong muốn biết đọc, biết viết, biết tính toán, từ đó dễ dàng tiếp cận kiến thức, tăng thêm hiểu biết để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Giáo viên dạy các lớp xóa mù là người thông thạo cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc.
Giáo viên dạy các lớp xóa mù là người thông thạo cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc.

Anh Sùng Chứ Chơ, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn tâm sự: “Trước kia tôi không biết chữ nên làm việc gì cũng khó. Có lần tôi đi từ huyện Đồng Văn về thành phố Hà Giang, do không biết chữ, nói tiếng phổ thông chưa thạo, cho nên rất khó khăn trong việc bắt xe, tìm đường về nhà. Tham gia lớp học này được hơn 7 tháng, tôi đã biết viết tên, hiểu được người ta viết gì. Sau này đi làm sẽ không lo lắng nữa vì đã biết chữ”.

Đối với chị Vàng Thị Chở, 25 tuổi, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, dù lớp học xóa mù cách xa nhà nhưng ngày nào chị cũng thu xếp công việc để đến trường.

Chị Vàng Thị Chở tâm sự: "Trước kia tôi cũng đã đi học tiểu học, nhưng do lâu ngày không động đến cái chữ, trong thôn lại không nói tiếng phổ thông, dẫn đến tái mù chữ. Tôi muốn học xóa mù để biết chữ, biết tính toán, tới đây sẽ xuống các khu công nghiệp dưới xuôi làm việc”.

Những học viên lớn tuổi chú ý nghe giảng.
Những học viên lớn tuổi chú ý nghe giảng.

Lớp học xóa mù ở xã Sà Phìn có 21 học viên, từ 15 đến 50 tuổi, thời gian học từ 19 giờ đến 21 giờ 30 phút các ngày trong tuần. Đến nay, lớp học đã kéo dài hơn 7 tháng, các học viên hầu như đã biết đọc, biết viết, tính toán cơ bản.

Một trong những khó khăn nhất trong việc tổ chức và duy trì lớp học xóa mù là việc vận động người dân đến lớp và duy trì sĩ số.

Thầy Vàng Mí Cáy, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Sà Phìn, huyện Đồng Văn cho biết, khi chuẩn bị mở lớp, chúng tôi về tận thôn, bản phối hợp với trưởng thôn đến tận từng nhà gọi người dân tham gia lớp học. Người dân lâu nay vốn không nghĩ đến việc đi học nên khi vận động rất khó khăn. Cán bộ thôn, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian, đến nhiều lần mới vận động được họ tham gia lớp học.

“Khó khăn không chỉ dừng lại ở việc đi vận động học viên, mà việc duy trì lớp và số lượng người tham gia lớp ổn định lại càng khó. Nhiều người dân tham gia học tập không theo quy định, thích đi thì đi, không thích thì nghỉ. Do đó, chúng tôi phải nhờ chính quyền địa phương, Trưởng thôn lập quy định rõ ràng để người dân không nghỉ học, bỏ học”, thầy Vàng Mí Cáy chia sẻ.

Thầy giáo uốn nắn từng nét chữ cho những học viên lớn tuổi.
Thầy giáo uốn nắn từng nét chữ cho những học viên lớn tuổi.

Huyện Đồng Văn có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó một bộ phận không nhỏ người dân từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết.

Nguyên nhân chính là trước kia do điều kiện kinh tế khó khăn, trẻ đến trường phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Bên cạnh đó, đa phần người dân ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, không thường xuyên sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, dẫn đến tình trạng tái mù chữ.

Trước thực trạng này và cùng với việc hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để xóa mù chữ cho người dân. Do đó, không chỉ có lớp học ở xã Sà Phìn mà hầu hết các xã trên địa bàn huyện cũng đang tổ chức các lớp học xóa mù.

Thực hiện công tác phổ cấp giáo dục, xóa mù chữ, huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương, các trường trên địa bàn tiến hành rà soát số người trong độ tuổi từ 15 trở lên tái mù chữ. Sau khi rà soát, chính quyền phối hợp với các trường tổ chức các lớp học xóa mù. Bên cạnh đó huy động cán bộ xuống tận thôn, vào từng hộ gia đình vận động người dân đi học.

Để thuận tiện cho người dân, các lớp học xóa mù chữ được tổ chức vào buổi chiều tối, buổi tối; các lớp học cũng được tổ chức tại điểm trường hoặc trụ sở thôn gần nhà người dân nhất. Việc bố trí các thầy cô giáo tham gia giảng dạy xóa mù cũng được các trường lựa chọn kỹ lượng. Đa phần các thầy, cô đứng lớp xóa mù đều có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, đặc biệt là phải thông thạo hai thứ tiếng, đó là tiếng phổ thông và tiếng địa phương.

Lớp học xóa mù được dạy song ngữ để học viên dễ hiểu, dễ nhớ.
Lớp học xóa mù được dạy song ngữ để học viên dễ hiểu, dễ nhớ.

Thầy Vàng Mí Khành, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Sà Phìn cho biết, trong những năm gần đây, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp học xóa mù. Nhà trường phân công giáo viên dạy xóa mù chữ biết tiếng dân tộc, linh động về thời gian, kết hợp nhiều hình thức giảng dạy để học viên dễ tiếp thu, bố trí thời gian dạy theo nhóm, lớp.

Cùng với đó là linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian lớp học, sử dụng những đồ dùng học tập bằng những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương để dạy môn toán ở giai đoạn 1 và sử dụng song ngữ (cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc) để giảng dạy giúp người học cảm thấy gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ.