Làm gì để Thái Nguyên không lặp lại điệp khúc “tắc đường” như các thành phố lớn? (Kỳ 1)

11:23, 08/11/2017

Ùn tắc giao thông đang là vấn nạn, nỗi khổ dai dẳng mà người dân đô thị các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh… phải gánh chịu nhiều năm nay. Điệp khúc “tắc đường” ở các địa phương hiện vẫn chưa đến hồi kết dù đã có nhiều giải pháp triển khai. Thái Nguyên  đang có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đô thị trung tâm tỉnh lỵ đứng trước nguy cơ quá tải về mật độ giao thông, bước đầu gây ùn tắc cục bộ. Theo dự báo, khả năng xảy ra tắc đường như các thành phố lớn ở T.P Thái Nguyên chỉ trong nay mai. Bởi vậy, cần nhìn nhận thấu đáo vấn đề và có giải pháp căn cơ ngay từ bây giờ là điều mà chúng ta nên làm khi chưa quá muộn.

Năm 2016, trên một số trục đường chính của T.P Thái Nguyên bắt đầu xuất hiện hiện tượng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm. Sang năm 2017, hiện tượng này trở nên phổ biến hơn, mở rộng đến khu vực cổng các trường học và các trục đường phụ trong nội thị. Mật độ ắch tắc dày hơn, thời gian ùn ứ kéo dài hơn, tạo bất lợi cho người, phương tiện tham gia giao thông và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Theo khảo sát của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này khiến khả năng tắc đường sẽ diễn biến phức tạp.

Trải nghiệm nỗi khổ tắc đường

Ngày nào tôi cũng có ít nhất hai lần di chuyển bằng xe ô tô cá nhân trên cung đường từ Quốc lộ 1B hướng huyện Đồng Hỷ qua cầu Gia Bảy sang bên T.P Thái Nguyên và ngược lại. Tôi đã nhiều lần chứng kiến tình trạng ùn ứ giao thông ở khu vực nút giao cầu Gia Bảy, nhất là vào khung giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ 30 đến 7 giờ, chiều từ 17 giờ 30 đến 19 giờ). Có lúc, các phương tiện nối đuôi nhau chờ đợi dài tới vài trăm mét ở hai đầu cầu. Mấy lần tôi bị muộn giờ làm và trễ giờ học của con. Gần đây, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố tổ chức phân luồng nên đã đỡ hơn, song thời gian di chuyển qua đây vẫn bị chậm mất khoảng 20 đến 25 phút. Và khi đưa trẻ đến cổng Trường Tiểu học Trưng Vương, tôi lại được chứng kiến cảnh ùn ứ phương tiện kéo dài. Nhiều bậc phụ huynh ca thán vì rất vất vả mới có chỗ dừng, đỗ xe để đưa con vào lớp.

Theo khảo sát của chúng tôi, thực trạng này không chỉ diễn ra ở hai vị trí trên mà nhiều tuyến phố, trường học đã xuất hiện cảnh ùn tắc tương tự. Tin chắc vào giờ cao điểm, không ít người dân thành phố đã được trải nghiệm nỗi khổ ùn tắc giao thông, dù chưa thấm vào đâu so với Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh. Cụ thể, ách tắc đã xuất hiện nhiều hơn trên trục đường Cách mạng Tháng Tám, đoạn khu vực phường Phan Đình Phùng và phường Gia Sàng; trên trục đường Hoàng Văn Thụ đoạn nối với đường Quang Trung qua nút giao đường sắt Đồng Quang; trên trục đường Dương Tự Minh khu vực phường Quang Vinh… Và tại cổng Trường mầm non 19-5, Trường THCS 915, Trường THCS Nha Trang, Đội Cấn, Nguyễn Viết Xuân… Tôi có anh bạn tên Nam nhà ở phường Thịnh Đán, ngày ngày phải đi làm qua đường Quang Trung, tâm sự: “Lúc đầu gặp hiện tượng tắc đường thấy cũng hay hay vì nghĩ thành phố đã đông đúc và sầm uất hơn, nhưng mấy lần phải chờ đợi, hít khói bụi ngột ngạt mới thấy ngán ngẩm”. Để tránh gặp tắc đường ở khu vực ga Đồng Quang anh Nam đã phải đổi khung giờ, đi sớm hơn mọi khi khoảng 40 phút.

Ùn tắc do đâu?

Có hàng tá nguyên do dẫn đến hiện tượng tắc đường, trong đó nguyên do đầu tiên chính là sự phát triển không cân xứng giữa phương tiện, mật độ giao thông và hạ tầng giao thông. Những năm gần đây, số lượng các phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu ở T.P Thái Nguyên tăng đột biến. Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, số lượng xe ô tô các loại toàn tỉnh đã tăng từ trên 22 nghìn chiếc năm 2011 lên trên 52 nghìn chiếc năm 2016, trong đó xe tải tăng trên 10 nghìn chiếc, xe con tăng khoảng 17 nghìn chiếc. Số lượng mô tô, xe máy cũng tăng từ khoảng 433 nghìn chiếc lên gần 649 nghìn chiếc. Trong khi đó, hạ tầng giao thông thành phố chủ yếu chỉ sửa sang vỉa hè, mặt đường mà ít đầu tư mở rộng hoặc làm mới. Bởi thế, dẫn đến hiện tượng ách tắc cục bộ khi có nhiều phương tiện cùng đổ ra đường ở những tuyến phố nhỏ hẹp, nơi nút giao có xung đột giao thông lớn.

Khu vực cầu Gia Bảy, nút giao giữa đường Bắc Kạn, đường Bắc Sơn và Quốc lộ 1B thường xuyên bị ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Tình trạng họp chợ tràn lan, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở một số nơi trong thành phố vẫn còn tồn tại, đặc biệt là khu vực chợ Thái, chợ đầu mối Túc Duyên, chợ Đồng Quang…Bên cạnh đó, các khu dân cư, khu đô thị mọc lên như nấm, nhưng quy hoạch và bố trí hạ tầng giao thông nhiều nơi chưa hợp lý, đường ra vào nhỏ hẹp, vỉa hè không đủ tiêu chuẩn. Nhiều quán xá, hàng ăn không có bãi đỗ xe riêng, khách đến đỗ xe ô tô chật kín hai bên đường gây ắch tắc giao thông. Trường hợp này phổ biến nhất ở Khu dân cư số 5 Vinaconex, phường Phan Đình Phùng.

Ý thức tham gia giao thông của người dân hiện được xem là một trong những nguyên nhân cơ bản. Chúng ta vẫn thường bắt gặp những trường hợp vượt đèn đỏ, lấn làn, lấn tuyến, bất chấp vạch kẻ đường, biển báo chạy cả lên lề, vỉa hè để chen nhau đi cho nhanh. Tỉ lệ vi phạm trật tự an toàn giao thông của người dân thành phố vẫn chiếm khá cao. Theo Trung tá Hà Mậu Trường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an T.P Thái Nguyên), hơn 10 tháng qua, đơn vị đã xử lý trên 8.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền hơn 7,5 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe và tạm giữ hàng trăm xe ô tô, mô tô các loại.

Bên cạnh đó, việc bố trí điều hành giao thông của cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, ông Tân Hoàng Long cho rằng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông một số điểm của thành phố còn bố trí chưa hợp lý, có chỗ tín hiệu đèn gây hiểu lầm hoặc khó hiểu. Việc điều hành giao thông bằng sơn kẻ vạch là chủ yếu, nhưng một số điểm còn chưa rõ ràng, vạch liền kẻ mỗi chỗ một kiểu, có chỗ không đúng…

Xu hướng lặp lại “vết xe đổ”

Những năm gần đây, đời sống kinh tế người dân T.P Thái Nguyên tăng mạnh. Thay vì trước đây mỗi nhà chỉ có một hai chiếc mô tô, xe máy thì nay có thêm ô tô, không phải một chiếc, có nhà mua hai, ba chiếc, cá biệt có người sở hữu một vài chiếc ô tô để thay đổi. Trong khi đó, số lượng dân cư trên địa bàn tăng nhanh do lực lượng công nhân, người lao động và học sinh, sinh viên các nơi tập trung về thành phố ngày một đông. Theo thống kê chưa đầy đủ, hai năm gần đây có thêm khoảng 10 nghìn công nhân tạm trú tại thành phố và thường xuyên có trên 60 nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn. Ngoài phương tiện ô tô, xe máy tăng đột biến, trên địa bàn còn xuất hiện các xe chuyên chở công nhân của Samsung, TNG, Xi măng Quang Sơn, La Hiên… chạy qua nội thành với mật độ dày, xe khổ lớn.

Có thể thấy, T.P Thái Nguyên hiện giờ cũng giống một số thành phố lớn cách đây gần 20 năm, khi tắc đường mới chớm xuất hiện. Theo các chuyên gia, Hà Nội hay T.P Hồ Chí Minh, bài học về tắc đường chưa có tiền lệ nên khi ùn tắc trở thành vấn nạn, vỡ trận rồi mới nghĩ đến xử lý thì đã nằm ngoài tầm kiểm soát. Theo dự báo, trong một vài năm nữa, mật độ phương tiện giao thông trong nội thị của T.P Thái Nguyên sẽ đủ để có thể gây tắc đường diện rộng. Do đó, nếu không có ngay các giải pháp kịp thời, hợp lý thì việc đi theo “vết xe đổ” tắc đường của các thành phố lớn của chúng ta là hoàn toàn có thể.

(Còn nữa)