Tai nạn giao thông – Nhìn từ nỗi đau: Hành trình cận cái chết (Kỳ 1)

11:24, 09/11/2017

Những câu chuyện về tai nạn giao thông chúng tôi nghe được, phần nhiều không phải là về những con số mà là về sự đớn đau. Nhìn từ nỗi đau, hệ quả kinh hoàng của tai nạn giao thông càng trở nên ám ảnh…

Trung bình mỗi năm, trên cả nước có 15.000 người chết vì tai nạn giao thông. Tại tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 167 vụ tai nạn giao thông, làm chết 81 người, bị thương 143 người. Tai nạn giao thông đã để lại nhiều hậu quả bi thương đối với cả cộng đồng.

Lỡ chuyến bay

Bác sĩ Lê Hùng Vương gọi điện thoại cho tôi lúc hơn 22 giờ. Vốn đã quen với bác sĩ Vương từ trước nhưng, lần này, tôi lại chần chừ đến mãi đến hồi chuông cuối cùng mới tiếp máy. Giọng trầm trầm của bác sĩ Vương vang lên: “Bạn em không qua khỏi được rồi. Em vào gặp bạn lần cuối nhé…”.

Tôi thân với Vũ Mạnh Kiên sau vài hoạt động tình nguyện chúng tôi cùng tham gia khi còn là sinh viên tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, Kiên về công tác tại một công ty xây dựng tại Thái Nguyên hơn 1 năm nay. Lần nói chuyện cuối cùng, cậu khoe với tôi qua điện thoại: “Em tiết kiệm đủ tiền rồi chị ạ. Em vừa đặt vé máy bay để đưa mẹ đi du lịch Đà Nẵng, cả nhà em chưa ai được đi máy bay…”.

Lần gặp mặt tiếp theo của chúng tôi là 5 ngày trước, tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Kiên được người ta đưa đến bệnh viện trong đêm sau khi chiếc xe của cậu va chạm với một ô tô đi ngược chiều. Cậu được chuyển thẳng đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng khoa bảo: Tình trạng không khả quan lắm đâu. Bệnh nhân bị đa chấn thương, chấn thương sọ não. Ngoài cửa phòng bệnh mẹ Kiên như chết lặng. Bà lặng lẽ rơi nước mắt: Bạn bè bảo sau buổi liên hoan với đồng nghiệp trong Công ty, nó say quá mà vẫn cố đi về nên bị tai nạn.

Những ngày sau đó, tình trạng của Kiên diễn biến xấu đi. Sau 2 lần ngưng thở rồi được cấp cứu kịp thời, các bác sĩ tiên lượng khả năng tỉnh lại của cậu rất thấp. Mỗi lần bất chợt tạt qua Bệnh viện, tôi lại thấy mẹ Kiên ngồi thủ thỉ với cậu: Con mau tỉnh lại đi. Tỉnh lại các bác sĩ phẫu thuật rồi về nhà với mẹ… Đáp lại bà chỉ là âm thanh phát ra từ máy thở ồ ồ kêu, tiếng máy monitor tít tít đều đều theo nhịp kim đồng hồ và đủ mọi loại dây rợ xung quanh đang níu kéo sự sống của con trai bà. Ngày thứ 5 sau vụ tai nạn, Kiên mất. Khi đó cậu mới 24 tuổi và vừa để lỡ chuyến bay đầu tiên trong đời…

Những ngày ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thăm Kiên, tôi chứng kiến một câu chuyện buồn khác về tai nạn giao thông. Một người đàn ông hơn 61 tuổi tên Nguyễn Xuân Thu, làm lao động tự do ở huyện Võ Nhai. Ông bị tai nạn giao thông tại địa phận xã Thần Sa (Võ Nhai) và được người quen đưa đến Bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Trong 4 ngày ông Thu điều trị, người chăm sóc ông hầu hết là các cán bộ y tế của Bệnh viện vì ông không có người thân. Một kíp khác của Bệnh viện ngày ngày gửi tin đi khắp nơi mong tìm được vợ và 2 con trai của ông, những người chắc hẳn ngày thường ông Thu vẫn mong muốn được gặp. Đến ngày thứ 4 sau khi nhập viện, ông Thu cuối cùng vẫn không chờ được tin từ người thân. Bệnh viện tổ chức cho ông một tang lễ đơn giản trong khi tin tức về tên, tuổi, thân nhân của ông còn chưa được xác nhận chính xác.

Cầu nguyện

Không nơi nào mà ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như tại các giường bệnh đang cấp cứu nạn nhân tại nạn giao thông. Với những ca bệnh như vậy, người đau đớn nhất có lẽ là gia đình của nạn nhân. Và với các bác sĩ, người luôn phải chạy đua với thời gian để níu giữ mạng sống cho bệnh nhân, họ thấu hiểu rõ nhất nỗi đau xé lòng cũng như sự thấp thỏm hy vọng của người nhà. Mỗi lần như vậy, họ vừa thương nhưng cũng trách bệnh nhân. Bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ: Điểm chung của hầu hết các trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông là bệnh nhân uống rượu, phóng nhanh, vượt ẩu. Tại khoa Cấp cứu chủ yếu tiếp nhận chấn thương đầu, tay chân, cơ xương khớp và ngực bụng. Những trường hợp chấn thương khác cũng khiến cho bệnh nhân chịu những tổn thương không nhỏ đến sức khỏe, có người còn mang theo thương tật suốt đời.

Nhiều năm công tác ở Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, chuyên cấp cứu các ca bệnh nặng trong đó phần lớn là trường hợp tai nạn giao thông, bác sĩ Lê Hùng Vương tâm sự: “Khi có những bệnh nhân hồi phục sau tai nạn, nhiều người thường dùng những từ như: phép màu, thần kỳ… đề hình dung nhưng những bác sĩ như chúng tôi cho rằng, đó là nhờ những thành tựu trong y học và sự nỗ lực của người bệnh. Tuy vậy, nhiều năm điều trị cho các trường hợp bị tai nạn giao thông, chứng kiến đủ mọi nỗi đau của người bệnh và người nhà của họ khiến chúng tôi không khỏi hy vọng vào phép nhiệm màu. Mỗi lần giành giật được sự sống của bệnh nhân từ tay tử thần, tôi lại ngồi xuống và cầu nguyện phép màu xảy ra để họ có thể hồi phục.”

Theo đánh giá của ngành Y tế, đánh giá: Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông chiếm khoảng 20% các trường hợp cấp cứu tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ này thường tăng thêm 30-40% vào các dịp nghỉ lễ, tết. Cùng với đó, mức độ nguy hiểm và con số các ca bệnh nặng ngày càng tăng.

(Còn tiếp)