Ông Nguyễn Thanh Sơn, lái xe ôm ở chợ Tê Ba Nhất, phường Tích Lương, T.P Thái Nguyên cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi xe máy, tôi thường không đội mũ bảo hiểm (MBH) vì thấy vướng víu. Nhưng từ khi có quy định bắt buộc phải đội MBH, tôi luôn chấp hành, lâu dần thành quen. Bây giờ, mỗi lần ngồi lên xe máy ra đường mà không đội MBH tôi cảm thấy rất khó chịu. Đặc biệt, từ khi hành nghề lái xe ôm, lúc nào tôi cũng mang thêm một chiếc MBH để khách đội”.
Còn anh Vũ Minh Hùng, ở tổ dân phố 34, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên chia sẻ: "Hàng ngày tôi đưa, đón con nhỏ đi học, trước đây tôi cũng không có ý thức đội MBH cho con mỗi khi đi xe máy ra đường. Nhưng, mỗi lần lên xe, vợ tôi và ngay cả cô con gái cũng luôn nhắc phải đội MBH nên bây giờ đã thành thói quen”.
Đó chỉ là tâm sự của hai trong số nhiều người dân mà chúng tôi đã phỏng vấn về việc đội MBH mỗi khi tham gia giao thông. Sự chuyển biến về nhận thức của người dân như trên là kết quả của cả quá trình từ công tác chỉ đạo của UBND tỉnh đến tuyên truyền cũng như thể hiện bằng những hành động thiết thực của các cấp, các ngành. Anh Phạm Công Huấn, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Ban ATGT tỉnh cùng với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú. Hướng mạnh tuyên truyền ATGT đến các cấp cơ sở, tuyên truyền đến từng nhóm đối tượng, cụm dân cư, cơ quan, trường học và từng hộ gia đình. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền liên tục các quy định của pháp luật về ATGT; riêng chuyên đề về MBH được tuyên truyền thành chiến dịch. Kết hợp tuyên truyền và cưỡng chế để tạo sức răn đe và nâng cao hiệu quả thực thi.
Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh, các huyện, thành, thị phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể triển khai nhiều hoạt động tích cực như: Phối hợp với Công đoàn ngành Giao thông - Vận tải mua và trao tặng miễn phí 500 MBH cho các đối tượng hộ nghèo và đội ngũ hành nghề lái xe ôm. Triển khai các chương trình: bán và đổi trên 5 nghìn MBH đạt chuẩn chất lượng cho người dân; thực hiện cuộc vận động hỗ trợ MBH “Chọn nghĩa đồng bào - ấm tình cha mẹ”; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập Câu lạc bộ “Đội MBH vì sự an toàn trẻ thơ khi tham gia giao thông”... Đi đôi với các hoạt động trên, hàng năm, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành các kế hoạch cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm ATGT, trong đó có chuyên đề xử lý vi phạm không đội MBH với người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn. Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh MBH; hướng dẫn người dân cách chọn MBH đạt chuẩn. Nhờ đó, nhận thức và ý thức tự giác chấp hành về trật tự ATGT của người dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là việc chấp hành đội MBH bắt buộc khi tham gia giao thông. Việc chấp hành đội MBH trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ khá cao (chiếm 80%-85%), đã góp phần giảm tỷ lệ chấn thương sọ não và tử vong khi xảy ra TNGT.
Tuy nhiên, tỷ lệ chấp hành đội MBH trên các tuyến đường liên thôn, liên xã còn thấp. Nguyên nhân của tình trạng trên là ý thức của người dân ở khu vực nông thôn, miền núi chưa cao, đặc biệt, tại một số địa bàn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Võ Nhai, Định Hóa. Tại các xã vùng sâu, vùng xa điều kiện vật chất cũng như trình độ dân trí còn hạn chế, việc chấp hành quy định này đạt rất thấp (chiếm khoảng 20% đến 30%). Tình trạng người dân không đội MBH chủ yếu là khi di chuyển trên quãng đường ngắn hoặc lao động tại địa phương. Tình trạng trẻ em ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội MBH còn phổ biến. Một số thanh niên vẫn không đội MBH hoặc chỉ đội MBH thời trang không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo chất lượng, song lại chưa có biện pháp xử lý triệt để. Chính vì một bộ phận không nhỏ người dân chưa ý thức tự giác đội MBH khi tham gia giao thông nên khi xảy ra TNGT, nhiều nạn nhân tử vong, chấn thương sọ não do không có MBH. Qua thống kê của Công an tỉnh, trong 10 năm (2007 -2017) toàn tỉnh đã xảy ra 5.065 vụ TNGT, trong đó có 1.084 vụ TNGT liên quan đến người điều khiển, người ngồi trên phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH, dẫn đến nạn nhân bị tử vong, chấn thương sọ não (chiếm tỷ lệ 21,4%) và tập trung ở địa bàn các huyện miền núi, khu vực nông thôn. Đối tượng bị TNGT do không đội MBH tập trung ở lứa tuổi thanh niên (chiếm tỷ lệ 46%), nông dân (chiếm tỷ lệ trên 67%).
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, trong thời gian tới, nhu cầu đi lại, giao thương của người dân tăng, các loại hình phương tiện vận tải tăng nhanh; các khu công nghiệp, các trường đại học thu hút lượng công nhân, sinh viên đi làm, theo học khá đông. Do vậy, lượng người tham gia giao thông rất lớn, tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp. Để góp phần hạn chế hậu quả của TNGT liên quan đến việc không đội MBH, giải pháp trọng tâm vẫn là tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân. Đồng thời, cơ quan chức năng tiếp tục kiến nghị với Nhà nước nên tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đội MBH; đội MBH không đúng quy định đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện.